LIÊN KẾT WEBSITE


 

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

 
Điện thoại:  0269.3      
Email:..........@gialai.gov.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng lượt truy cập: 19
Số người on-line: 1

Bác Hồ - Một lòng son trung với nước, hiếu với dân

Ngày đăng bài: 16/04/2012
Phạm trù Trung, Hiếu là phạm trù cốt lõi của đạo đức phong kiến mà đạo Nho đã dạy và đòi hỏi đối với người quân tử. Đạo Nho dạy người quân tử phải trung quân ái quốc - trung với vua là yêu nước. Còn chữ Hiếu, nghĩa là hết lòng thờ kính cha mẹ, ông bà, người trên của mình. Để thực hiện chữ Trung, trong các triều đại phong kiến đã có rất nhiều tấm gương trung liệt, sẵn sàng chết để vua sống, sẵn sàng tuân theo lệnh vua hoặc khi vua tử nạn, họ cũng tự chết theo. Thực hiện chữ Hiếu với cha mẹ, trong chế độ phong kiến có không ít những người con chăm bẵm, nâng giấc cho cha mẹ lúc bệnh hoạn, yếu đau, một mực nghe theo lời dạy bảo của cha, mẹ.

Từ Trung, Hiếu của đạo Nho, Bác Hồ tiếp thu, kế thừa và phát triển lên thành phạm trù mới của đạo đức cách mạng: Trung với nước, Hiếu với dân. Có lúc Bác còn dạy: Trung với Đảng, Hiếu với dân. Thực chất Nước và Đảng trong lời dạy của Bác được hiểu là một. Bởi vì, Đảng là người lãnh đạo, người đại diện cho dân, cho nước; ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng là đạo đức, là văn minh; là trí tuệ của đất nước trong quá trình phát triển của Trung với nước,  Hiếu với dân. Bác dạy, ngày xưa, hiếu với dân là chỉ hiếu với cha mẹ mình, ngày nay, hiếu với dân, là tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân, trong đó có cha mẹ mình. Chữ Hiếu của đạo đức mới có nội hàm rộng hơn, nhân văn hơn.
 
    Chữ Trung và chữ Hiếu của đạo đức mới, quan hệ biện chứng với nhau, bởi vì nước là nước của dân và dân là dân của nước; khác với quan niệm phong kiến trước đây, nước là nước của vua chúa, cho nên dân cũng là dân của vua, còn theo quan niệm đạo đức mới, dân là người chủ của nước, dân là chủ.
 
    Trung với nước, là trung thành với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Trung với nước cũng có nghĩa là hiếu với dân trong thực hiện mục tiêu của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hiếu với dân là phải gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, dựa vào dân, nắm vững dân tình, dân tâm, nâng cao dân trí , hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, để dân tin, dân yêu, điều đó tất yếu sẽ dẫn tới: Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong.
 
    Trung với nước - Hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của người cách mạng. Song, ở mỗi con người, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, ở mỗi vị trí khác nhau cần phải hiểu thấu đáo phạm trù trung và hiếu này.
 
    Trong chiến tranh vệ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, khi kẻ thù thực hiện âm mưu và hành động cướp nước, giày xéo quê hương, thì mỗi người thực hiện Trung với nước - Hiếu với dân là sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
 
    Trong xây dựng đất nước hiện nay, cũng  rất cần thiết cần có sự hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và sự bình yên của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng, đồng thời vô cùng cần thiết là sự cống hiến trong sự nghiệp dựng xây đất nước. Mỗi người có một vị trí xã hội khác nhau, cùng có cái chung là Trung với nước - Hiếu với dân, nhưng biểu hiện bằng hành vi cụ thể trong từng nhiệm vụ cụ thể có sự khác nhau. Trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị, trung với nước, hiếu với dân của cơ quan, tổ chức đơn vị đó phải là sự đoàn kết chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, sử dụng tiết kiệm các nguồn chi phí; quan hệ tốt với các cơ quan tổ chức khác và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, có lý, có tình những đòi hỏi chính đáng của quần chúng nhân dân. Đối với những cán bộ, công chức giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến các yêu cầu, các thủ tục hành chính, các lợi ích của công dân phải có tinh thần, trách nhiệm cao. Điều gì chưa đáp ứng được cho người dân, phải lo lắng, ghi nhớ, day dứt và quan tâm, coi những lợi ích chính đáng của dân như lợi ích chính đáng của mình. Điều gì dân chưa hiểu, chưa làm đủ thì giải thích cặn kẽ, chỉ rõ từng điều, từng nơi đi, nơi đến để dân giải quyết. Dân đến với cơ quan công quyền, hay đại diện cơ quan đến với dân phải có thái độ vui vẻ, cởi mở, làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ làm việc. Giải quyết công việc liên quan đến những tranh chấp của dân phải hết sức công tâm, công bằng, không vì bà con dòng họ hoặc vì quà cáp, biếu xén, chén chú, chén anh mà bao che, du di, vụ lợi… Những cán bộ, những cơ quan liên quan đến những quyết sách tác động vào đời sống xã hội, phải cân nhắc cái lợi của quyết sách, cái bất lợi của quyết sách khi liên quan đến đời sống, đến việc làm, đến miếng cơm, manh áo của dân. Bác Hồ đã dạy: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Suy cho cùng, một quyết sách trước hết phải là một quyết sách đạo đức, khi giải quyết bất kỳ một công việc gì liên quan đến lợi ích của nhân dân phải có đức… cái Đức được biểu hiện từ thái độ, phong cách cho đến cử chỉ, hành vi.
 
    Trung với nước, Hiếu với dân là phạm trù gốc của đạo đức cách mạng, là trách nhiệm đối với công việc, là quan hệ đối với dân, là sự tự tu dưỡng đối với bản thân người cách mạng. Trong quan hệ lợi ích, Bác luôn luôn căn dặn, là người cán bộ, đảng viên, phải biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Nói Hiếu với dân không có nghĩa là không Hiếu với cha mẹ mà Hiếu với dân trong đó có cha mẹ mình. Người cách mạng mà không có Hiếu với cha mẹ mình thì cũng không thể Hiếu với dân được. Muốn Hiếu với cha mẹ, với dân phải tu thân (tu dưỡng đạo đức). “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là lời răn dạy của người xưa, nhưng có sức sống bền vững răn dạy cho con người hôm nay và mai sau.
 
    Bác Hồ kính yêu dạy chúng ta Trung với nước, Hiếu với dân. Người dạy chúng ta bằng chính tấm gương từ cuộc đời Người: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” (1)  
 
    Tháng 5-1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Người sang thăm nước Pháp. Lúc đó bọn phản động tung tin rằng: Hồ Chí Minh bán nước. Hồ Chí Minh bán Nam Bộ cho Pháp! Người viết thư cho đồng bào Nam Bộ (1-6-1946): “Tôi xin đồng bào hiểu rằng nước Pháp mới không phải là nước đế quốc chủ nghĩa, đi áp bức, đi chia rẽ dân tộc và nước nhà người ta. Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước… Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”(2)     
 
    Người coi việc làm Chủ tịch nước là vâng mệnh lệnh quốc dân, như người lính ra trận. Khi nào đồng bào bảo Người lui thì Người xin lui, về với vườn rau, ao cá, vui thú cảnh điền viên.
 
    Với nhân dân, Bác luôn canh cánh một nỗi niềm, lo cho từng cảnh đời của mỗi con người. Mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Bác nêu ra hết sức giản đơn và dễ hiểu: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… Chủ nghĩa xã hội là mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc… Chủ nghĩa xã hội là xã hội do người dân làm chủ. Đã là chủ phải xứng đáng với vai trò làm chủ. Chính phủ do dân bầu ra phải có trách nhiệm lo cho nhân dân:
 
“1- Làm cho dân có ăn
2- Làm cho dân có mặc
3- Làm cho dân có chỗ ở
4- Làm cho dân có học hành” (3)
 
    Nhiều lần, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ là công bộc của dân, chứ không phải là quan lại của dân. Không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà được dân tin yêu, mến phục?... Người đến với dân như những người thân yêu, ruột thịt, bình dị. Bác đến thăm cánh đồng hạn hán, Người ngồi lên guồng tát nước, Người cầm gầu dây tát nước… Người đến ngõ hẻm Hà Nội đêm ba mươi tết với những người dân đang không có tết, những mảnh đời nghèo đói, tần tảo, manh quần, tấm áo chưa lành…
 
    Với Bác, Trung với nước, Hiếu với dân, là một phẩm chất đạo đức cao quý của người cách mạng, phẩm chất này, chi phối và tác động tổng hợp với các phẩm chất khác trong mỗi hành vi, ý thức của con người. Phẩm chất cao quý này được thể hiện hết sức cụ thể trong cuộc sống của mỗi người cán bộ, đảng viên, đó là sự gương mẫu, đó là sự “đi trước”, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc ngay ở trách nhiệm trước công việc cụ thể thường nhật hằng ngày.
 
    Tấm gương trong sáng hết lòng vì Tổ quốc vì nhân dân của Bác kính yêu cũng bắt đầu, cũng từ sự biểu hiện của những điều bình dị nhất, gần gũi nhất, cụ thể nhất nhưng thật là vĩ đại soi cho chúng ta noi theo.
 
NGUYỄN THẾ CƯỜNG

THÔNG BÁO

TIN ẢNH

THĂM DÒ Ý KIẾN

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
 
 
 

Thông tin liên hệ

Copyright © 2015 UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai 
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178- Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai