LIÊN KẾT WEBSITE


 

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

 
Điện thoại:  0269.3      
Email:..........@gialai.gov.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 1
Tổng lượt truy cập: 14
Số người on-line: 1

Phổ biến một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Ngày đăng bài: 07/04/2020
       Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Ncov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

I.XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
   1. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
      (1) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
       (2) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
       - Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
       - Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
       2. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
       (1) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
       - Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng);
       - Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng);
       - Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
       - Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
       (2) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
       2. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch
       (1) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
       - Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
       - Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
       (2) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
      - Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;
      - Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
       (3) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
       - Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;
       - Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
      - Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
       (4) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
       - Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
       - Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;
       - Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
       (5) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 
       - Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A;
       - Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
       - Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.
       (6) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
       - Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;
       - Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;
       - Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;
       - Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
       (7) Biện pháp khắc phục hậu quả:
       - Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
       - Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước;
       - Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi vi phạm.
       4. Thẩm quyền xử phạt 
       * Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
       (1) 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
      - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
       (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
       - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
      - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
       - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
       - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
       * Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra y tế
       (1) 
Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
      - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
       (2) Chánh Thanh tra Sở Y tế và Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
       - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
       (3) Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt như thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Y tế và Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế (nêu trên).
       * Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường
       
(1) Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng.
       (2) Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
       (3) Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, Trưởng phòng chống buôn lậu, Trưởng phòng chống hàng giả, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục Quản lý thị trường có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
       (4) Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền:
       - Phạt cảnh cáo;
       - Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng;
       - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
       - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
       - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
        * Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
      Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm:
       - Người có thẩm quyền xử phạt.
      - Công chức, viên chức thuộc ngành y tế đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính có trách nhiệm lập biên bản và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
       II. XỬ LÝ HÌNH SỰ
      1. Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” như sau:
     (1) Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
       - Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
       - Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
       - Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
       (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
       - Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
       - Làm chết người.
       (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
       - Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
       - Làm chết 02 người trở lên.
      (4) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
       2. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
      (1) Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
      - Trốn khỏi nơi cách ly;
      - Không tuân thủ quy định về cách ly;
      - Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
      - Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
      (2) Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295:
      - Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;
      - Không tuân thủ quy định cách ly;
      - Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
      - Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
      (3) Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.
      (4) Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288.
      (5) Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155.
      (6) Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174.
      (7) Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội  buôn lậu theo quy định tại Điều 188.
      (8) Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196.
       (9) Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330.
      (10) Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360.
       3. Hướng dẫn về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp
      (1) Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người…).
      (2) Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh).
     (3) Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự.
       III. XỬ LÝ ĐỐI VỚI MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM CỤ THỂ
       1. Cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt như thế nào?
       Điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi là Nghị định số 176/2013/NĐ-CP) quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
       Như vậy, cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
       2. Cơ sở kinh doanh không tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh thì bị xử phạt như thế nào?
     Điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch.
       Như vậy, cơ sở kinh doanh không tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
       3. Hành vi trốn tránh việc cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bị xử phạt như thế nào?
       Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
       Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
       4. Cá nhân có hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc Covid-19 hoặc che giấu hiện trạng bệnh của bản thân hay người khác mắc Covid-19 hoặc không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị xử lý như thế nào?
       Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định:
      - Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
      - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
      5. Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 bị xử phạt như thế nào?
     - Điểm b khoản 6 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
       - Các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 155, 174, 188, 196, 240, 288, 295, 330, 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)./.

THÔNG BÁO

TIN ẢNH

THĂM DÒ Ý KIẾN

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
 
 
 

Thông tin liên hệ

Copyright © 2015 UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai 
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178- Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai