PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC Ở TỈNH GIA LAI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

11/11/2021
ThS. Ngô Thị Thu Hồng
Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định “Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá trí thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”(1). Do đó, Ban Bí Thư đã ban hành Kết luận - số 52KL/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở đó, xác định nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ công nhiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề cấp bách và cần thiết trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tỉnh đã triển khai cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, triển khai có hiệu quả Chương trình “Đào tạo và phát huy nguồn nhân lực”, ưu tiên tập trung đào tạo đội ngũ trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho một số ngành, như: Giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, môi trường, y tế, công nghiệp, công nghệ, tin học. Đồng thời, có giải pháp đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng các hình thức liên kết, đa dạng hóa loại hình đào tạo. Hằng năm, tỉnh tạo điều kiện cho đội ngũ đội ngũ trí thức được tham quan, học tập nhiều mô hình mới, cập nhật kiến thức, tham dự hội thảo khoa học ở các địa phương trong nước. Việc hợp tác, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo trong và ngoài tỉnh phát huy tác dụng tích cực, góp phần bổ sung đội ngũ trí thức của tỉnh. Cuối năm 2016 đến 2018, toàn tỉnh có 554.185 người có trình độ cao đẳng trở lên, đã tăng 15.283 người so với 2010 (trong đó có 01 Phó giáo sư – tiến sĩ, 19 tiến sĩ, 943 thạc sĩ, 29.631 đại học và 23.591 cao đẳng) (2). Ban hành Chương trình phát triển thanh niên Gia Lai đến năm 2020, trong đó đặt mục tiêu chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội khác; quan tâm  phát triển đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, đã cử 133 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học. Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác đã tuyển chọn được 141 sinh viên về cơ sở công tác, có 111 sinh viên tham gia đầy đủ theo quy định của Đề án (30 sinh viên xin thôi tham gia Đề án hoặc chuyển làm công tác khác). (3)
        Bên cạnh đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức được quan tâm đầu tư và huy động từ nhiều nguồn, như: Ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh đầu tư từ các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; huy động từ nguồn vốn của các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo tại chỗ; huy động nguồn vốn tự có của nhân lực đào tạo. Từ năm 2015 - 2018, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phân bổ 74,025 tỷ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 24,093 tỷ; ngân sách tỉnh 49,932 tỷ) cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. (4)
Công tác tuyển dụng, thu hút cán bộ được quan tâm chỉ đạo. Trong 10 năm qua, tỉnh đã tuyển dụng, thu hút hàng ngàn trí thức về công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, tiêu biểu như: Huyện Đak Pơ 800 người; huyện Krông Pa 598 người; huyện Kông Chro 522 người; huyện Chư Sê 434 người; thành phố Pleiku 75 người (trong đó có 10 thạc sĩ)... (5)
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như các cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm tạo điều kiện để trí thức có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho địa phương. Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh đã bãi bỏ chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác theo Nghị quyết số 76/2017/NQ-HĐND, ngày 07 tháng 02 năm 2017. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường làm việc chưa đáp ứng được so nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa công khai, minh bạch về danh sách, vị trí, nhu cầu, trình độ cần tuyển dụng để các ứng viên có trình độ cao tham gia dự tuyển. Một bộ phận trí thức hiện nay năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, bằng cấp lại chưa tương xứng với năng lực hoạt động thực tế, thiếu tính chuyên nghiệp, tác phong, lề lối làm việc còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
          Trên cơ sở, để góp phần xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm cũng như nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW; Kết luận - số 52KL/TW ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị góp phần xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xu thế kết nối (Công nghệ 4.0), hội nhập, phát triển hiện nay.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học… gắn với tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để trí thức phát huy năng lực, sở trường công tác. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu phải xác định rõ việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, từ đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, quy hoạch xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từng ngành, từng lĩnh vực.
 Thứ ba, hiện nay trong việc hình thành nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là lực lượng then chốt cho mọi sự phát triển nói chung, quyết định tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, định hướng phát triển của Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng trong giai đoạn mới. Do đó, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức theo nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ gắn với việc bố trí phù hợp với chuyên môn, năng lực của trí thức, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động. Phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của trí thức đối với xã hội, nhất là đội ngũ trí thức trẻ.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các danh hiệu tôn vinh trí thức. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức. Tăng cường công tác đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với đội ngũ trí thức; khuyến khích thúc đẩy, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các chương trình, dự án, đề tài khoa học và công nghệ phải có nội dung đào tạo nhân lực cho đơn vị, địa phương.
Thứ năm, ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn. 
Thứ sáu, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và tạo điều kiện cho hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các hội thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên. Xây dựng quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội; hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của các hội trí thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(2). Báo cáo số 267-BC/TU ngày 17 tháng 05 năm 2018 của Tỉnh ủy Gia Lai về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06 tháng 08 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
(3), (4). Số liệu trên trang Thông tin tuyên giáo Gia Lai: Quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức
 

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

Ban biên tập: UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm chính: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178
Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn