Thư viện là nơi cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người đọc phát triển toàn diện, đặc biệt là tư duy sáng tạo, góp phần giúp nhà trường hoàn thành sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Thế nhưng ngày nay internet ngày càng phát triển, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết thìhọc sinh ngày càng thờ ơ với thư viện, các em không thích cách đọc sách báo và tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này là dohọc sinh chưa có thói quen đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy; bên cạnh đó là thư viện trường học nhỏ hẹp, sách báo chưa đa dạng, cách thức hoạt động của thư viện chưa thu hút được học sinh.
Room to Read (RtR) là một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có mặt tại 16 quốc gia.RtR hợp tác với chính quyền, cộng đồng địa phương và các tổ chức đối tác giúp học sinh tiểu học trở thành người đọc độc lập và giúp nữ sinh hoàn thành chương trình trung học phổ thông và được trang bị kỹ năng sống cần thiết để quyết định những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Tại Việt Nam, RtR có mặt từ năm 2001 với hai chương trình chính là Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học và Chương trình hỗ trợ giáo dục nữ sinh, hoạt động trên 34 tỉnh thành.

Năm 2022, tỉnh Gia Lai có cơ hội được tham gia dự án của RtR trong đó huyện Đak Đoa có 4 trường tiểu học được hưởng thụ dự án bao gồm: Trường tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa, Trường tiểu học Tân Bình, Trường tiểu học Nam Yang và Trường tiểu học Hà Bầu. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoacùng cán bộ, giáo viên và nhân viên thư viện của các trường học đã tham gia các lớp tập huấn của RtR về 3 nội dung: Thiết lập và quản lý; Tiết đọc thư viện; Sự tham gia của cộng đồng.Phòng cũng đã chỉ đạo các trường cải tạo thư viện các trường học, tiếp nhận trang thiết bị như bàn, thảm, kệ sách mở, tài liệu giáo dục.
Qua hơn 3 tháng được thụ hưởng dự án, thư viện của 4 trường học như được lột xác cả về hình thức lẫn cách thức và hiệu quả hoạt động. Từ một phòng đọc nhỏ được trưng dụng từ một phòng học cũ của các trường thì giờ đây, phòng thư viện được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng lại khang trang, sạch đẹp hơn với đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, quạt mát và hệ thống cửa hợp lý nhằm tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Toàn bộ kho sách được thiết kế dưới dạng kho mở với những giá sách thấp vừa tầm với của học sinh tiểu học. Trên các bức tường được trang trí bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu từ những câu chuyện cổ tích thân thuộc với các em học sinh, tạo cảm giác gần gũi và hấp dẫn các em ngay từ khi bước vào thư viện.
Thư viện còn đẹp hơn với những bảng biểu nội quy, hướng dẫn tìm sách xinh xắn mà nhìn vào bảng hướng dẫn ấy các em học sinh dù nhỏ tuổi nhưng vẫn hiểu ngay được rằng mình cần làm gì khi vào thư viện và lựa chọn cuốn sách nào cho phù hợp với sở thích và trình độ đọc của bản thân. Hiện tại sách được phân loại theo 6 mã màu chủ đạo: đỏ, da cam, trắng, xanh dương và vàng. Các cuốn sách với nhiều hình ảnh sinh động, trình bày đẹp và nội dung hấp dẫn khiến các em học sinh rất yêu thích.
Để học sinh có thể tham gia vào quá trình hoạt động của thư viện, các cô nhân viên thư viện đãphối hợp với với các giáo viên chủ nhiệm thành lập tổ cộng tác thư viện và đội hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu hoạt động. Các em học sinh không chỉ được tham gia đọc sách mà còn giúp cán bộ thư viện tổ chức tốt các hoạt động thư viện như: Xử lý tài liệu, hướng dẫn bạn đọc tìm sách, viết phiếu mượn về nhà, luân chuyển sách, gia cố sách, làm vệ sinh thư viện…
Bên cạnh đó, các trường đã xây dựng kế hoạch dạy tiết đọc thư viện theo khung chương trình 1 tiết/tuần/lớp. Các tiết đọc thư viện đều được giảng dạy hiệu quả, phong phú với các loại hình tổ chức, phù hợp với đối tượng học sinh.Các tiết đọc thực sự cuốn hút học sinh và cả phụ huynh cùng tham gia.
Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình đã cho thấy những ưu việt so với thư viện truyền thống. Đó là đã định hướng cho học sinh đọc sách theo trình độ, nhận thức. Những tiết cùng đọc và đọc to nghe chung rất hấp dẫn học sinh. Sau khi đọc sách tại thư viện, học sinh có những hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Các em có thể viết, vẽ, làm thơ, thảo luận, đóng kịch…, tuỳ thuộc tư duy sáng tạo của bản thân. Ngoài các tiết học chính khoá và ngoại khoá trong thư viện, học sinh còn được mượn sách về nhà đọc; từ đó lan tỏa văn hoá đọc tới những người thân trong gia đình. Qua các tiết đọc cùng học sinh trong thư viện, đội ngũ giáo viên của trường cũng được tích luỹ kiến thức, nâng cao trình độ.
Trong thời gian tới, phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo nhân rộng đến các trường tiểu học, góp phần phát triển thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học với mục đích giúp các em trở thành người đọc độc lập, thực hiện thành công mục tiêu nâng cao năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cho học sinh bậc tiểu học./.
Thu Huyền – GD -ĐT