Đak Đoa thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số

27/03/2014
Là một huyện có số lượng người dân tộc thiểu số đông, với gần 60.000 người, chiếm 57% dân số toàn huyện. Trước đây người DTTS trên địa bàn huyện Đak Đoa có lối sống du canh, du cư gắn với phương thức sản xuất lạc hậu, nên cái đói, cái nghèo đã đeo bám người dân. Để thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ biết ứng dụng phương thức làm ăn mới với trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua huyện Đak Đoa đã tập trung tuyên truyền vận động người dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi tập quán canh tác, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng xuất, hiệu quả kinh tế cao vào phát triển kinh tế gia đình.
 Với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn, các ban ngành đoàn thể trong huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo đầu bờ, triển khai các mô hình trình diễn cho người dân nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời huyện đã tổ chức nhiều đợt đưa người uy tín đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để áp dụng trong phát triển kinh tế gia đình và tuyên truyền cho người dân trong thôn, làng áp dụng làm theo.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động  đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức làm ăn, thời gian qua bằng nguồn vốn từ các chương trình huyện đã hỗ trợ cây con giống cho người dân đưa vào sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Từ năm 2008 đến nay, từ nguồn vốn chương trình 168, huyện đã nhận và cấp hơn 741 tấn giống cây trồng các loại, trên 474 tấn phân bón, cho người dân đưa vào sản xuất; cấp 1.255 con bò giống sinh sản cho các hộ đưa vào chăn nuôi và hơn 3.603 tấn muối Iốt, 700 nghìn lít dầu lửa cho nhân dân trên địa bàn. Từ nguồn vốn chương trình 135, 134, 167 huyện cũng đã đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản, đường giao thông nông thôn, nhà ở nhà hộ nghèo, các công trình nước sinh hoạt hỗ trợ máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…
Nhờ được tập huấn, tuyên truyền, được tham quan học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả, mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm mạnh dạn đầu tư đưa các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã có thu nhập cao từ cà phê, cao su, hồ tiêu và chăn nuôi. Đời sống đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xuống còn 20,3%, giảm 11,2% so với năm 2010, bình quân giảm 3,7%/năm. Hiện nay trên địa bàn huyện không ít hộ đồng bào DTTS có mức thu nhập khá, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, muôi dạy con cái và mua sắm những dụng cụ trong sản xuất, sinh hoạt.
Ông Nay Phun- phó trưởng phòng dân tộc huyện Đak Đoa cho biết:
 “Trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện Đak Đoa Đảng nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách làm ăn hướng dẫn về áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ đó hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đak Đoa từng bước thu nhập cao, đời sống nhân dân được ổn định”.
 Chính từ những kinh nghiệm học hỏi được qua các buổi tập huấn, các mô hình trình diễn cộng với sự hỗ trợ cây, con giống, mà nhiều hộ người dân tộc thiểu số đã biết cách làm ăn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Mlốt, cũng giống như những người dân làng Thung xã H’nol thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây trình độ sản xuất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên lao động vất vả quanh năm cũng  không đủ ăn, cuộc sống  thiếu thốn đủ bề. Nhưng hiện nay đời sống của  gia đình ông và người dân trong làng từng ngày được đổi khác. Từ vốn kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sản xuất, học hỏi qua các đợt tập huấn cộng thêm sự nhanh nhạy nắm bắt, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Nên vườn cây gia đình ông phát triển tốt, cho năng xuất, sản lượng cao. Hiện nay gia đình ông đã trồng được 2 ha cà phê, 400 trụ tiêu,  3 ha mì cao sản và 7 sào lúa nước, mỗi năm cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đời sống ổn định, có điều kiện tích cóp thêm, nên gia đình ông vừa mới xây dựng một ngôi nhà khang  trang với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Đó và thành quả của bao ngày lao động của cả gia đình, giờ đây lúc mưa gió, gia đình ông không phải lo lắng sợ dột, sợ lạnh nữa.
Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Mlốt còn là một y tế thôn bản, nhiệt tình giúp đỡ bà con khi gặp ốm đau. Trước đây ông làm cán bộ y tế xã, nay đã về nghỉ. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được trong công tác ngày trước, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân khi ốm đau, bệnh tật. Cùng với đó ông luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương trường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động.
Giống như gia đình ông Mlốt, làng Thung, gia đình anh ALửng làng H’lang cũng là một điển hình phát triển kinh tế của người DTTS ở xã H’nol. Không cam chịu cái nghèo, vợ chồng anh cần cù lao động, chịu khó học tập kinh nghiệm của những người làm trước để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.  Năm 2003 lấy vợ, rồi ra ở riêng, bố mẹ  chia cho 2 sào đất. Ít đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn nên cuộc sống cũng khá chật vật, thế nhưng với sức trẻ vợ chồng anh đã quyết tâm khai hoang để mở rộng diện tích canh tác. Khi có thêm đất, lại được ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi nên gia đình anh có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Hiện anh đã có 1 ha cà phê kinh doanh, gần 200 trụ tiêu, 3 sào lúa nước 2 vụ, 4 sào mì, chăn nuôi thêm hàng năm cũng cho thu nhập ổn định, có điều kiện để trang trải cuộc sống hành ngày.
Anh Đặng Quang Hà- phó chủ tịch UBND xã H’nol cho biết:
Trong những năm trước đời sống dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Hnol gặp nhiều khó khăn ,kiến thức của bà con còn gặp nhiều hạn chế nên đời sống nhân dân còn khó khăn.1,2 năm trở lại đây được sự quan tâm của nhà nước cũng như đầu tư về chương trình 135 ,hổ trợ giống cây trồng để bà con phát triển kinh tế , hỗ trợ các giống lúa có năng xuất cao. Được sự quan tâm của Đảng ủy,HĐND,UBNN cũng như mặt trận các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng các khoa học kỹ thuật đưa vào các mô hình đẻ bà con nắm được. Bên cạnh đó cũng phối hộp với trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp chăm sóc tiêu cà phê dạy nghề cho nhân dân để nhân dân nắm được những kiến thức cơ bản để chăm sóc cà phê.Trước đây bà con làm ít quan tâm, phân không đủ ,nước cũng không đủ nên năng xuất rất thấp, những năm gần đây năng xuất cao lên.Thành ra thúc đẫy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã bên cạnh đó xã cũng phối hợp với các trạm như khuyến nông , trạm bảo vệ thực vật để hướng dẫn cho bà con cách trồng và chăm sóc lúa, các hội thảo đầu bờ thành ra năng xuất đạt nên đời sống nhân dân được nâng lên”.
Chúng tôi lại đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị  A Nao làng Ktu xã Glar. Tuy còn khá trẻ, nhưng vợ chồng chị đã luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, quyết tâm không để cái đói, cái nghèo đeo bám. Bằng sức trẻ cùng với sự nỗ lực vợ chồng chị đã mạnh dạn làm ăn, chăm chỉ lao động sản xuất. Ban đầu khi ra ở riêng được bố mẹ cho 2 ha đất, vợ chồng chị đã đầu tư trồng cà phê, trồng mì, trồng lúa. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, để có tiền đầu tư sản xuất vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn, lấy ngắn nuôi dài. Cần cù chịu khó rồi đất cũng không phụ người, tích cóp dần gia đình chị cũng mua thêm đất trồng cà phê, hiện gia đình chị đã có gần 3 ha cà phê và 1 ha lúa 2 vụ. Bên cạnh đó gia đình chị cũng đẩy mạnh chăn nuôi, hàng năm từ nuôi heo sinh sản, heo thịt, gia đình chị cũng có thu nhập trên 10 triệu đồng. Rồi chị còn đầu tư mua máy cày vừa phục vụ trong nhà, vừa cày cho bà con xung quyanh để có thêm thu nhập cho gia đình. Không chỉ làm kinh tế giỏi, mà chị và gia đình còn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Bản thân chị luôn tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và tích cực tham gia, đóng góp các phong trào do các cấp phát động.
  Có thể thấy, có được sự thay đổi trong trong cách làm ăn của đồng bào dân tộc thiểu ở Đak Đoa như hiện nay chính là từ sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ thường xuyên của các cấp, từ sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tin tưởng rằng cùng với sự quan tâm về vật chất, tinh thần của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của từng hộ gia đình, chắc chắn trong thời gian tới cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đak Đoa sẽ ngày càng thay đổi, góp phần  tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
 
Phương An Đak Đoa
 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...