Cảnh giác các đối tượng giả danh qua điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

31/08/2021
       Thời gian qua, do thiếu kiến thức cơ bản về quy trình làm việc của các cơ quan chức năng, không cập nhật các cảnh báo thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thời công nghệ, nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin đã rơi vào bẫy lừa của các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan tư pháp. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Đak Đoa tiếp nhận 8 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, viễn thông, phương tiện điện tử với số tiền hàng trăm triệu đồng.  

Ảnh: App Công an trá hình bọn tội phạm sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
       Khoảng 7 giờ 30 phút  ngày 13-8-2021, chị L.T.X. (SN 1973, trú tại tổ 2,TT. Đak Đoa, huyện Đak Đoa) nhận một cuộc gọi số điện thoại lạ:+9555.243.982. Bên kia đầu dây là giọng một người phụ nữ lạ thông báo chị X. có liên quan đến một vụ việc vi phạm pháp luật. Chị X. chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì được người này nối máy để gặp một đối tượng nam. Người này tự xưng tên là Cao Thanh Lâm, chức vụ là “Đội trưởng Đội điều tra Công an tỉnh Gia Lai”. Đối tượng này thông báo chị X. dính dáng đến vụ sử dụng Chứng minh nhân dân để mở thẻ, lấy trộm tiền ngân hàng. Chị X. vội phân bua mình không làm việc này thì đối tượng trấn an: “Chị phải hợp tác để điều tra làm rõ nhân viên ngân hàng hay là ai đứng sau vụ việc này để lừa chị”. Quá hoảng hốt vì bỗng dưng liên quan đến việc làm phi pháp, chị X. dần sa vào bẫy của đối tượng, thật thà cung cấp mọi thông tin về bản thân. Chị X. kể: “Người đó hỏi tôi có tiền không, tôi trả lời trong nhà giờ chỉ còn 30 triệu để đóng học phí cho các con. Anh ta bảo tôi phải gửi hết số tiền đó vào ngân hàng và không được cho ai biết. Công an sẽ giữ số tiền này để điều tra và khi điều tra xong sẽ trả lại cho tôi. Tôi cũng hơi nghi ngờ nên hỏi: “Nộp tiền vô ngân hàng để làm gì?” thì được trả lời để phục vụ công tác điều tra, xem nhân viên ngân hàng có dùng số Chứng minh nhân dân của tôi để vay nợ xấu hay không, có vu oan cho tôi hay không. Lúc tôi kiểm tra thấy trong nhà chỉ còn 29 triệu đồng, hắn nói: 29 triệu cũng được, từ giờ đến lúc nộp tiền không được tắt máy!”
       Vì nóng lòng muốn được minh oan, chị X. ra ngân hàng nộp 29 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng Viettin Bank, STK 217100016328 mang tên Nguyễn Tuấn Anh. Kẻ tự xưng là “Đội trưởng Đội điều tra Công an tỉnh” này còn ra vẻ quan tâm, giữ liên lạc với chị X., hỏi chị X. đã ăn sáng chưa, mặc quần áo màu gì để nhận dạng qua camera. Tuy nhiên sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, chị X. không còn liên lạc được với đối tượng trên nữa. Biết bị lừa thì đã muộn.
       Thủ đoạn lừa đảo như trong trường hợp của chị H. thực ra không mới. Tuy nhiên một số người dân vẫn nhận thức khá mơ hồ, hoang mang khi các đối tượng lừa đảo gọi điện hù hoạ và nhanh chóng sa vào bẫy một cách vô thức. Cũng tại huyện Đak Đoa, ngày 21-6-2021, một đối tượng lạ sử dụng số điện thoại 0567.097.126 gọi cho chị N.T.M.H (ở thị trấn Đak Đoa) tự xưng là người của Công ty Điện lực, thông báo chị H. bị phạt số tiền 60 triệu đồng vì tự ý sửa công tơ điện, đồng thời đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an.
       Sau đó, đối tượng nối máy tới số điện thoại 0693.187.907 để chị H. gặp đối tượng tên Tuấn. Người này tự xưng là cán bộ Công an và thông báo chị H. bị Công ty Điện lực kiện và bị truy nã vì bán hồ sơ cho các đối tượng phạm tội. Đối tượng Tuấn yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Thấy chị H. chỉ cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng này tiếp tục hướng dẫn chị H. tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để Công an kiểm tra. Do tin tưởng, chị H. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 126 triệu đồng.
CA2.pngẢnh: Công an huyện Đak Đoa tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn của các loại tội phạm
       Đối với quy trình làm việc của cơ quan Công an, người dân cần nắm rõ như sau: Khi làm việc với người có liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật, cán bộ Công an sẽ đến gặp trực tiếp hoặc gửi giấy mời đến trụ sở cơ quan Công an để làm việc, không bao giờ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền thông qua điện thoại trung gian. Khi có yêu cầu thu giữ vật chứng hoặc tài sản, cơ quan Công an làm việc với người bị thu giữ vật chứng, tài sản và lập biên bản, ký nhận rõ ràng. Người dân cần hiểu rõ quy trình này để tránh sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
       Để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của kẻ lừa đảo, khi nhận điện thoại của người lạ liên quan đến pháp luật, vấn đề tiền bạc, tài chính, người dân không nên trả lời, không cần gọi lại vì rất dễ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Nếu phát hiện nghi vấn, người dân hãy báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được xác minh, giải quyết.

                                                                                                      KHẮC HIẾU - CAH
 
 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...