UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐAK ĐOA
 
huyen_Dak_Doa_new-(1).jpg
Bản đồ hành chính huyện ĐakĐoa
          Huyện Đak Đoa được thành lập theo Nghị định số 37/2000/NĐ-CP ngày 21/8/2000 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ phần đất phía tây của huyện Mang Yang cũ.
       1. Diện tích: 98.530,49 ha
       2. Dân số: 131.867 người (số liệu thống kê năm 2023), có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 40,82% (53.831 người), Bahnar chiếm 38,63% (50.943 người), Jrai chiếm 19,93% (26.286 người), dân tộc khác chiếm 0,62% (807 người).
      3. Vị trí địa lý
       - Phía Đông: Giáp huyện Kbang và huyện Mang Yang.
       - Phía Tây: Giáp huyện Chư Păh, thành phố Pleiku, huyện Chư Prông.
       - Phía Nam: Giáp huyện Chư Sê và huyện Mang Yang.
       - Phía Bắc: Giáp tỉnh Kon Tum.
      4. Đơn vị hành chính
      Huyện có 01 thị trấn và 16 xã gồm: Thị trấn Đak Đoa; các xã: Hà Đông, Đak Sơmei, Đak Krong, Kon Gang, Hải Yang, Nam Yang, Hà Bầu, HNeng, Hnol, KDang, Tân Bình, GLar, A Dơk, Ia Pết, Ia Băng và Trang.
       5. Địa hình
       Đak Đoa là một huyện thuộc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku về phía Đông theo quốc lộ 19 khoảng 15 km. Với vị trí liền kề với thành phố Pleiku, có các tuyến giao thông quốc lộ 19, quốc lộ 19D chạy theo hướng Đông – Tây và tỉnh lộ 670B chạy theo hướng Bắc Nam. Vị trí địa lý của huyện hội đủ điều kiện giúp phát triển thành khu vực phân phối, lưu thông hàng hóa đầu mối kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, đồng thời có vị trí rất quan trọng trong việc giữ vững an ninh quốc phòng của tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.
       Ở rìa phía Đông huyện có các ngọn núi cao thuộc dải Trường Sơn, là phần kéo dài từ khối núi Ngọc Linh xuống phía Nam, như các ngọn núi: Plei Hlăng (1488 m), Chư Tomoch (1250 m)...
        6. Tiềm năng phát triển du lịch
        Đến huyện Đak Đoa, du khách có thể tham quan khu Công viên đồi thông huyện, đồi cỏ hồng ở xã Glar, hồ núi lửa Ia Băng, hồ thuỷ điện Đak Krong, thác Ba ở Thị trấn Đak Đoa, thác Yă Bya, thác Pơ Nou ở xã Hà Đông, thác Đôi ở xã Trang, ruộng bậc thang ở xã Trang và Hnol, làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Glar, làng nghề đan lát ở xã Ia Pết, di tích lịch sử khu lưu niệm anh hùng Wơu ở xã Đak sơmei…
         Năm 2004 Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận vườn Kon Ka Kinh là vườn di sản ASEAN, với tổng diện tích 41.780 ha nằm trên địa bàn 3 huyện Kbang, Mang Yang và Đak Đoa. Diện tích thuộc địa phận huyện Đak Đoa là 3.369 ha nằm ở xã Hà Đông, khu vực có khí hậu mát mẻ quanh năm (18-200C). Ở đây rất thích hợp cho việc tổ chức loại hình du lịch sinh thái với các hoạt động: Tham quan khám phá cảnh đẹp rừng nguyên sinh, dã ngoại, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học...
Tháng 9/2021, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) trải rộng trên diện tích 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của thị xã An Khê và 5 huyện (Đak Đoa, Mang Yang, K'bang, Chư Păh, Đak Pơ).
        7. Tình hình kinh tế - xã hội
Kinh tế huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 10.858 tỷ đồng. Trong đó: Ngành Nông - Lâm - Thủy sản đạt 3.690 tỷ đồng; Ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 3.063 tỷ đồng; Ngành Dịch vụ đạt 4.105 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch phù hợp theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm.
        Tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực, thực hiện có hiệu quả, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đã có 8 dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra còn một số dự án đang kêu gọi đầu tư có nhiều tiềm năng như: Khu du lịch sinh thái hồ núi lửa Ia Băng, chợ đầu mối nông sản quốc tế các cụm công nghiệp, dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...
Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn huyện đã có 37 sản phẩm đạt 3-4 sao của 17 chủ thể.
        Huyện luôn chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, đến nay có 10 Trung tâm Văn hóa- thể thao cấp xã, 5 nhà văn hóa xã, 100/111 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; 34 nhà rông truyền thống; 106 bộ cồng chiêng với 1773 chiếc; 79 đội nghệ nhân cồng chiêng, 03 nghệ nhân ưu tú, đặc biệt là cồng chiêng, múa xoang được tổ chức giảng dạy và nhân rộng trong trường học, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống như: Mừng lúa mới, cúng giọt nước của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, phát triển các làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát ...
       Trong thời gian tới, huyện Đak Đoa tập trung khai thác mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xác định rõ giải pháp đột phá trong thu hút đầu tư, khai thác vào các lĩnh vực mà huyện có tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.