Nông dân Lê Đình Hùng thành công với mô hình trồng hoa Đà Lạt

10/07/2020
          Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đak Đoa có nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng và thành công với các mô hình sản xuất cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng hoa cúc Đà Lạt của ông Lê Đình Hùng, thôn Ia Hét, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa là một điển hình.
         Sau 2 tháng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trồng hoa thương phẩm và nhân giống hoa của một người bạn ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, năm 2018 ông Lê Đình Hùng ở thôn Ia Hét, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa đã mạnh dạn mua trên 1.000 cây giống hoa cúc Đà Lạt về trồng thử trên diện tích  đất  trồng cây ngắn ngày của  gia đình. Do hợp với đất đai và khí hậu tại địa phương và được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt nên các loại hoa cúc Đà Lạt của gia đình ông Hùng phát triển tốt. Sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc, gia đình ông thu hoạch vụ hoa đầu tiên vào đúng dịp Tết Nguyên đán, hoa bán được giá, chỉ 1 sào đất trồng hoa, gia đình ông đã thu về trên 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 50 triệu đồng, cao gấp nhiều so với trồng cây ngắn ngày và trồng cà phê trên cùng một đơn vị diện tích đất lúc bấy giờ. Thấy được hiệu quả từ việc trồng hoa, đầu năm 2019 gia đình ông quyết định đầu tư xây dựng trên 5.900m2 nhà kính và hệ thống đèn điện, nước tưới tự động để trồng các loại giống hoa như hoa cúc pha lê, cúc kim cương, cúc đại đóa, cúc vàng... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình ông còn trồng thêm các loại hoa như lay ơn, hoa dơn. Các loại hoa của gia đình ông Hùng đều phát triển đạt được kích cỡ theo yêu cầu của thị trường, hoa cho búp to, đẹp không thua gì hoa được trồng ở Đà Lạt và các vùng chuyên trồng hoa khác. Hiện lượng hoa của gia đình ông Hùng đều được thương lái vào tận vườn thu mua để bán tại các chợ trên địa bàn trong huyện, trong tỉnh và tỉnh Đồng Nai, với giá bán tại vườn trung bình từ 9.000 đồng đến 11.000 đồng/bình đối với hoa cúc thường và từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/bình đối với hoa cúc kim cương, cúc đại đóa. Có những thời điểm nguồn hoa của gia đình ông Hùng không đủ cung cấp ra thị trường. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Hùng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 đến 6 lao động địa phương, với mức lương từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng, ông cũng thường xuyên chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hoa cho người dân trong thôn, trong xã và các địa phương khác khi họ đến tham quan, học hỏi mô hình trồng hoa của gia đình. Ông Lê Đình Hùng tâm sự: “Gia đình tôi chủ yếu là trồng cây cà phê, tiêu và trang trại lợn chăn nuôi, trong năm 2018 đi Đà Lạt, Lâm Đồng chơi và mang hoa từ Đà Lạt về Gia Lai trồng thử nghiệm thấy thành công và tháng 6 năm 2019 gia đình phát triển nhà kính đồng loạt. Thời gian trồng hoa sau 85 đến 90 ngày, mức độ lợi nhuận của trên 1.000 m2 trong 3 tháng trừ chi phí có thể lãi từ 60 đến 65 triệu, bởi vì giá thành rất cao, đầu ra rất là tốt. Tôi mong rằng các ban ngành có thể đưa mô hình này nhân rộng ra, tôi sẵn sàng là người tiên phong đi trước và tôi sẽ chuyển giao công nghệ cho bà con”.

Ông Lê Đình Hùng bên vườn hoa của gia đình
        Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện nay ông Hùng cũng đang liên kết với 3 hộ dân trong trong xã, mời một số người chuyên trồng hoa ở Lâm Đồng về khảo sát đất, thử chất đất và đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính với quy mô trên 6 sào, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng để mở rộng quy mô trồng các loại hoa cúc Đà lạt và một số giống hoa chất lượng cao như hoa ly, hoa lan và một số giống hoa khác để tăng thêm nguồn thu nhập. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ia Băng, huyện Đak Đoa cho biết “Trong thời gian vừa qua trên địa bàn xã Ia Băng đã xuất hiện nhiều mô hình về phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng hoa của hộ ông Lê Đình Hùng, đây là một trong những mô hình phát triển hướng đi mới cho địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với hộ gia đình nhân rộng mô hình này để người dân trên địa bàn có nhu cầu trong quá trình trồng hoa. Mô hình này về phát triển kinh tế thì hiệu quả rất cao và đòi hỏi về kỹ thuật, mong rằng trong thời gian tới cùng với các hộ dân tới học hỏi mô hình của ông Hùng”.
       Từ mô hình trồng hoa của gia đình ông Lê Đình Hùng đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân xã Ia Băng và các địa phương lân cận, nhằm chuyển đổi cây trồng hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển./.
 
Ngọc Định-Trung tâm VH,TT&TT Đak Đoa

CÁC TIN KHÁC

  1         ...