Tiềm năng, thế mạnh và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội huyện Đak Đoa giai đoạn 2021-2025

02/07/2020
         Huyện Đak Đoa sau nhiều năm phát triển đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển khá, đời sống của nhân dân các dân tộc được nâng lên; cơ sở hạ tầng ngày một khang trang hơn, nhất là hệ thống đường giao thông phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đã được đầu tư đồng bộ 100%, đường trung tâm xã và gần 100% các tuyến đường từ xã đến thôn, làng đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; cùng với những tuyến đường có yếu tố chiến lược, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng đã được đầu tư như: tuyến đường từ thị trấn đi xã Ia Băng (nhánh rẽ) kết nối quốc lộ 19 với quốc lộ 14 (là điều kiện thuận lợi cho huyện giao lưu kinh tế, văn hóa với các huyện Chư Sê, Chư Pưh,…); đường Tân Bình – Thị trấn Đak Đoa đi xã An Phú – Pleiku, tạo động lực cho phát triển khu trung tâm hành chính mới của huyện với các vùng phụ cận… Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như các tầng lớp nhân dân được nâng lên là một trong những yếu tố thuận lợi đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay.

         Bên cạnh kết quả đạt được trong những năm qua, huyện Đak Đoa còn có những tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội như:
         - Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên:
         Huyện cách trung tâm thành phố Pleiku 15km, nằm trên trục quốc lộ 19 nối liền thành phố Pleiku và các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Ngoài ra còn có quốc lộ 19D nối quốc lộ 19 với quốc lộ 14 đi tỉnh Kon Tum, đường tỉnh 670B nối từ tỉnh lộ 670 đi thành phố Pleiku. Nằm ở cửa ngõ giao thương kết nối với các huyện Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh và Thành phố Pleiku. Do vậy rất thuận lợi cho huyện trong việc giao lưu kinh tế, trao đổi văn hóa với các địa phương khác, tỉnh khác. Là huyện tiếp giáp thành phố Pleiku, do đó, Đak Đoa có điều kiện là vùng đệm cho sự phát triển của thành phố Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung, thuận lợi cho giao lưu hàng hoá, thu hút đầu tư vào địa bàn.
Huyện có địa hình khá bằng phẳng, hầu hết là đất đỏ ba zan có độ phì tự nhiên cao, thích hợp cho phát triển những cây công nghiệp có giá trị kinh tế, ổn định và ưu thế về cạnh tranh như: Hồ tiêu, cao su, cà phê, rau đậu chất lượng cao... Huyện có khí hậu nhiệt đới ẩm thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi do đó có lợi thế lớn trong việc phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Tỉnh ủy Gia Lai; có đủ điều kiện để phát triển một cách toàn diện các loại cây trồng, đảm bảo lấy ngắn nuôi dài.

         - Vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, hàng hóa xuất khẩu:
         Sau nhiều năm phát triển, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp với 36.756 ha diện tích cây công nghiệp dài ngày đủ để trở thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng nông sản và hàng hóa xuất khẩu.
         Bên cạnh đó với tổng diện tích cây trồng chủ yếu trên địa bàn huyện gần 50.000 ha, huyện có điều kiện thuận lợi thu hút các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp như: sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...
         - Sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng và sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với thu hút đầu tư vào địa bàn:
         Những năm gần đây, tỉnh và huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động các nguồn lực trong nhân dân và thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước,...
Công tác quy hoạch chi tiết đã được huyện quan tâm và tích cực triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. Nhiều dự án đã được các nhà đầu tư quan tâm đến nghiên cứu và đề xuất nghiên cứu dự án đầu tư như: Sân Golf Đak Đoa, Khu phức hợp huyện Đak Đoa, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Đak Đoa, Chợ cầu mối quốc tế, Khu nghỉ dưỡng sinh thái tại khu vực đồi thông xã Glar, Khu biệt thự nhà vườn sinh thái, Khu du lịch sinh thái hồ núi lửa Ia Băng, điện gió, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn trái công nghệ cao, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu trung tâm hành chính mới huyện, Siêu thị trung tâm và khu dân cư mới huyện Đak Đoa,... Đến nay, huyện đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư mới (nằm trong khu hành chính huyện, kết hợp khu dân cư thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), dự kiến đến quý IV/2020 sẽ khởi công xây dựng (đây là dự án kêu gọi đầu tư đầu tiên được triển khai tại huyện nhà), góp phần tạo làn gió mới trong thu hút đầu tư của huyện.

         Một số giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội huyện Đak Đoa giai đoạn 2021-2025:
         Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về việc về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (định hướng đến năm 2045), nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
         Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực để chủ động hội nhập và hoà chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này.
         Phát huy các nguồn lực đầu tư, khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế để đưa kinh tế - xã hội huyện phát triển, giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
         Phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo sự hài hòa giữa các vùng trên địa bàn, trong đó chú ý đến vùng sâu, vừng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển bền vững, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu xây dựng huyện giàu về kinh tế, ổn định an ninh- chính trị.
         Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, huyện cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp của trung ương, tỉnh để thúc đẩy kinh tế phát triển hợp lý, bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 10%; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; tích cực chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của ngành, sản phẩm.
         Giải pháp cụ thể từng lĩnh vực như sau:
         Về nông, lâm nghiệp – thủy sản:
         Ổn định diện tích cây công nghiệp hiện có, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, giống mới vào trong sản xuất. Chú trọng thâm canh, mở rộng diện tích cây ăn quả, cây dược liệu. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại theo hướng kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, khuyến khích phát triển mô hình vườn chuồng (mô hình VC).
         Công nghiệp – Xây dựng:
         Hình thành khu Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp của huyện, tăng cường kêu gọi đầu tư vào địa bàn, nhất là ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phục vụ chế biến các sản phẩm có lợi thế của huyện như: Cà phê, cây ăn quả, bời lời, khai thác vật liệu xây dựng, phân bón. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp điện, như điện gió, điện năng lượng mặt trời.
Dịch vụ:

         Tích cực phối hợp với tỉnh và nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư vào địa bàn như: sân Golf, công viên du lịch sinh thái và biệt thự nhà ở; khu trung tâm hành chính mới của huyện.
         Với những giải pháp trọng tâm như trên, để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội huyện thì giải pháp thu hút đầu tư vào địa bàn là giải pháp then chốt, có yếu tố quyết định, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
         Năm 2019, dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển chung của toàn thế giới. Tuy nhiên với những kết quả rất tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta, dự kiến trong giai đoạn tới cùng với những chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ thì dự kiến sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Cùng với sự hợp tác đầu tư phát triển của tỉnh với các địa phương là đầu tàu kinh tế của cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Vì vậy huyện Đak Đoa cần tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư vào địa bàn nhất là đối với các dự án đã được các nhà đầu tư đến nghiên cứu và đề xuất.
         Một số giải pháp về thu hút đầu tư vào địa bàn:
         - Huy động các nguồn vốn đầu tư tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh; nâng cao chất lượng dịch vụ công.
         - Ưu tiên tạo mặt bằng sạch để triển khai các dự án đầu tư.
         - Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
         - Chủ động xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn.
         - Tạo điều kiện thuận lợi, chủ động phối hợp các nhà đầu tư, các sở, ngành của tỉnh triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

335.jpg


         Bên cạnh những giải pháp như trên, cùng với việc thực hiện và vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, huyện Đak Đoa quyết tâm triển khai các dự án kêu gọi đầu tư trọng tâm có ảnh hưởng lớn, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện như: Dự án sân Golf Đak Đoa, Khu phức hợp huyện Đak Đoa, Khu công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp huyện, Chợ đầu mối quốc tế, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Đak Đoa, Chợ cầu mối quốc tế, các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời./.
Thanh Bình – TCKH huyện

CÁC TIN KHÁC

  1         ...