Giải đáp thắc mắc của người dân về thẻ Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

09/09/2020
         I. VỀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
         Câu 1: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì ? Người dân phải làm gì để xây dựng CSDL này?
         Trả lời: Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
         - Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đây là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.
         - Theo Luật Căn cước công dân năm 2014 thì công dân nước Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
         Câu 2. Vai trò của CSDL Quốc gia về dân cư đối với Nhà nước ta ? Người dân có được lợi ích gì khi triển khai CSDL quốc gia về dân cư ?
         Hiện nay, công tác quản lý dân cư ở nước ta do nhiều Bộ, ngành cùng thực hiện. Mỗi công dân hiện đang sở hữu rất nhiều loại giấy tờ liên quan đến thông tin về công dân như: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký kết hôn, Sổ bảo hiểm xã hội, Hộ chiếu,… Thực tế, chúng ta đều dễ dàng nhận thức, có rất nhiều thông tin trùng lặp của bản thân trong các giấy tờ trên. Tuy nhiên, khi xảy ra sai sót liên quan thông tin cá nhân, người dân phải tốn nhiều thời gian, công sức để chỉnh sửa, bổ sung. Dù là lỗi chủ quan hay khách quan của cơ quan chức năng, đều ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, nhất là liên quan việc tham gia các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự.
         Sự ra đời của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò rất quan trọng trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các giấy tờ có nội dung trùng lặp của công dân. Tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Theo đó, mỗi công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được cấp phát duy nhất một số định danh cá nhân kèm theo hồ sơ dữ liệu gốc được tổ chức quản lý, lưu trữ ổn định, lâu dài trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
         Công dân sử dụng 01 số định danh cá nhân duy nhất, sử dụng giao dịch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thay vì phải sử dụng nhiều loại giấy tờ khác nhau mà không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính như trước đây.
         Dựa vào số định danh cá nhân thì việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các loại giấy tờ của công dân, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của công dân.    
         Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân được quyền khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khác;
         Câu 3: Thông tin cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là từ đâu? Có bảo đảm đúng chính xác hay không?
         Trả lời: Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ các nguồn sau:
         - Thông qua công tác đăng ký, quản lý cư trú: Hệ thống sổ sách quản lý về cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân; từ Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
         - Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác: Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác thực hiện cập nhật thông tin về công dân vào Cơ dữ liệu quốc gia về dân cư khi có sự thay đổi thông tin về công dân. Việc cập nhật thông tin về công dân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
         - Thu thập trực tiếp từ công dân thông qua phiếu Thu thập thông tin dân cư (DC01) và phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (DC02).

Cán bộ Công an đối chiếu hộ khẩu với các thông tin công dân cung cấp
         * Việc thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm các yêu cầu sau:
         - Các thông tin về công dân chỉ được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi được kiểm tra thông tin đó là chính xác. Trường hợp thông tin về công dân được thu thập, cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin thì khi thu thập, cập nhật thông tin về công dân, cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của các thông tin này.
- Quá trình thu thập, cập nhật lực lượng Công an luôn tiến hành kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin cụ thể, không để trùng lặp, mâu thuẫn thông tin, ảnh hưởng quyền lợi công dân.

         Câu 4: Những thông tin mà lực lượng Công an thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì?
         Trả lời: Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật (trong Phiếu thu thập thông tin dân cư) gồm 17 trường, cụ thể: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; (4) Giới tính; (5) Tình trạng hôn nhân; (6) Nơi đăng ký khai sinh; (7) Quê quán; (8) Dân tộc; (9) Quốc tịch; (10) Tôn giáo; (11) Số CMND hoặc Số Định danh cá nhân; (12) Nơi thường trú; (13) Nơi ở hiện tại; (14) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; (15, 16) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; (17) Số hộ khẩu.
         Đây là những trường thông tin bảo đảm cụ thể hóa thông tin của 1 công dân, tạo sự phân biệt giữa các công dân với nhau, hạn chế tối thiểu tình trạng trùng lặp thông tin giữa 2 công dân bất kỳ.
         Câu 5: Công dân cung cấp thông tin của mình cho cơ quan Công an thì được quyền lợi gì liên quan CSDL dân cư? Có bảo đảm bí mật thông tin cá nhân hay không?
         Trả lời:
         - Khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho lực lượng Công an các cấp, công dân được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Việc cơ quan chức năng sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
         - Về quyền lợi của công dân liên quan:
         + Được quyền yêu cầu cơ quan Công an cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước công dân chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật.  Sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân liên quan. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
         + Khi CSDL Quốc gia đi vào hoạt động, công dân sẽ được cấp Thẻ căn cước công dân dựa trên thông tin đã cung cấp. Các giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ được thay thế bằng Thẻ CCCD trong thời gian tới, nhờ đó giảm thiểu các giấy tờ của công dân. Trong tương lai, khi các CSDL chuyên ngành khác kết nối với CSDL Quốc gia về dân cư, công dân chỉ cần cung cấp mã số định danh trên Thẻ CCCD của mình để kê khai các thông tin liên quan giao dịch dân sự khác như ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, đất đai… để chứng minh thông tin chính xác của mình trước pháp luật.
         Câu 6: Việc chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các dữ liệu của các ngành khác như thế nào? Nguyên tắc đồng bộ, kết nối ra sao để bảo đảm thống nhất ?
         Trả lời: Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính để thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân.
         - Trường hợp thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc giấy tờ đã cấp không phù hợp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
         - Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định việc kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác, chỉnh sửa, sử dụng thông tin, lộ trình kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
         II. THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
         Câu 7: Căn cước công dân là gì? Người nào được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân có ý nghĩa gì?
         Trả lời: Căn cước công dân (CCCD) là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
         Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân (bao gồm cả công dân có quốc tịch Việt Nam sinh sống, lao động, học tập tại nước ngoài). Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó.
         - Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.
         Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
         Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin công dân. Nhà nước ta bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

538.jpg
         Câu 8: Hiện tôi muốn được cấp thẻ CCCD thì có thể làm ở đâu tại Gia Lai ? Thẻ CCCD khác gì so với CMND, ưu việt hơn ở điểm nào?
         Trả lời: Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai việc cấp thẻ CCCD tại 16 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Cần Thơ, Hà Nam, Nam Định, Vũng Tàu, Tây Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh). Dự kiến trong năm 2021 sẽ triển khai ở các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước (trong đó có tỉnh Gia Lai chúng ta).
         Thẻ Căn cước công dân được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Hai mặt của thẻ Căn cước công dân in hoa văn màu xanh nhạt. Nền mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm: hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn, các họa tiết trang trí. Nền mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các hoa văn được kết hợp với các họa tiết đường cong vắt chéo đan xen. Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên thẻ Căn cước công dân.
         Đáng chú ý, mặt sau thẻ CCCD có mã vạch hai chiều màu đen, lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được cấp thẻ Căn cước công dân và phôi bảo an. Đây là những mã nhằm bảo đảm tính bí mật, hạn chế làm giả, sao chép thẻ CCCD, nâng cao tính an toàn hơn so với CMND trước đây. Chất liệu nhựa cứng giúp thẻ bền hơn và bảo quản tốt hơn. Ảnh và vân tay in trong thẻ được làm theo công nghệ mới, chất lượng cao hơn so với công nghệ dán ảnh và in CMND.
         Câu 9: Thời hạn sử dụng thẻ CCCD là bao lâu? Bao giờ phải đổi, có mất phí hay không?
         Trả lời: Thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân được tính theo độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân. Cụ thể: Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
         Các mốc thời gian quy định phải đổi Thẻ CCCD được các nhà nghiên cứu nước ta xác nhận về sự thay đổi lớn về nhiều đường nét, cấu trúc trên bề mặt khuôn mặt công dân do sự phát triển, hoàn thiện của cơ thể con người trong giai đoạn trưởng thành.
539.jpg
Công dân kê khai thông tin để làm thủ tục cấp CMND theo quy định
         * Công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật đối với các trường hợp sau: (1) Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân; (2) Đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định (khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi); (3) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân. Các trường hợp còn lại, công dân phải nộp lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân.
         Câu 10: Số định danh cá nhân là gì? Mục đích sử dụng mã số định danh cá nhân trong thời gian tới?
         1. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
         Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
         Trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
         2. Số định danh cá nhân được ghi trên Giấy khai sinh và thẻ Căn cước công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
         3. Theo lộ trình của Chính phủ, trong tương lai khi triển khai cấp thẻ CCCD toàn quốc, hoàn thành xây dựng CSDL Quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, sẽ tiến hành bãi bỏ nhóm thủ tục hành chính về cấp, quản lý CMND, bãi bỏ hình thức đăng ký, quản lý cư trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
         Tuy nhiên, khi CSDL Quốc gia về dân cư chưa hoàn thành và đi vào sử dụng, ở tỉnh Gia Lai, chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng CMND và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo quy định của Luật cư trú và Nghị định của Chính phủ về CMND. Công an tỉnh thông báo để người dân biết, yên tâm sử dụng CMND.
         III. THÔNG BÁO CỦA CÔNG AN TỈNH GIA LAI
         Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, tạo nền tảng cho công tác quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho công dân. Trong đó, việc thu thập, bổ sung thông tin dân cư có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của cả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
         Do đó, để thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch của Chính phủ đề ra, Công an tỉnh Gia Lai đề nghị các công dân cư trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện một số nội sung sau:
         1. Đối với những công dân chưa được khai Phiếu thu thập thông tin dân cư thì nhanh chóng đến công an xã/phường/thị trấn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư (kèm theo các giấy tờ tùy thân như Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân, Hộ khẩu, Giấy đăng ký kết hôn,…).
         2. Đối với những công dân đã khai phiếu thu thập thông tin dân cư nếu có thông tin thay đổi phải khai báo kịp thời cho công an xã/phường/thị trấn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú  nhằm đảm bảo cập nhật chỉnh sửa đầy đủ, chính xác, nhanh chóng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp tục phối hợp lực lượng Công an trong việc phúc tra thông tin đã kê khai, bảo đảm chính xác, đầy đủ.
Tổng hợp: Công an huyện Đak Đoa

CÁC TIN KHÁC

  1