Hai cách phân loại công chức mới nhất hiện nay

25/05/2020

Từ 01/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thay đổi quan trọng với công chức. Một trong số đó là thay đổi các tiêu chí, hình thức phân loại công chức.


Công chức được phân loại theo 2 cách
Theo quy định tại Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được phân loại theo 02 căn cứ:
 - Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân thành:
Loại A: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp;
Loại B: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính;
Loại C: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên;
Loại D: Người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự và ngạch nhân viên.
- Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại thành:
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, khi Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì tại khoản 1 Điều 34 Luật này, “căn cứ vào ngạch công chức” đã được đổi thành “căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ”.
Không chỉ vậy, do khoản 7 Điều 1 Luật năm 2019 đã thêm “ngạch khác” vào danh sách các ngạch công chức nên ngoài căn cứ vào 04 ngạch đã biết trước đây, công chức còn được phân loại theo ngạch khác.
Do đó, căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng với các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên và ngạch khác.
Hiện nay, Chính phủ chưa có văn bản nào quy định chi tiết về “ngạch khác” vừa được bổ sung này mà mới chỉ lên kế hoạch xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi tại Quyết định 69/QĐ-BNV.
Như vậy, hiện nay, công chức vẫn được phân loại theo 02 hình thức. Từ 01/7/2020 dù có sửa đổi căn cứ phân loại theo ngạch nhưng vẫn giữ nguyên 02 hình thức để phân loại công chức.
      Từ 01/7/2020, nhiều người không còn là công chức nữa
       Không chỉ thay đổi về cách phân loại công chức mà việc quy định những người là công chức cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Điều 32 Luật Cán bộ, công chức quy định những đối tượng là công chức gồm:
- Công chức trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị, xã hội;
- Công chức trong cơ quan Nhà nước;
- Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (quy định này đã bị bãi bỏ bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung);
- Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội mà không phải sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong đơn vị thuộc công an mà không phải sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp (quy định này được sửa đổi thành sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an).
Có thể thấy, quy định này đã thực hiện hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19 về việc không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, dù những người quản lý, lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức từ 01/7/2020 nhưng vẫn những người này vẫn được giữ nguyên các chế độ đến khi hết thời hạn bổ nhiệm.
                                                                                     T/h: Thành Dũng

CÁC TIN KHÁC

      5     ...