Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

12/06/2020
         Ngày 9/6, Bộ Chính trị đã có Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trang/Cổng thông tin Điện tử Đak Đoa, trân trọng giới thiệu toàn văn của Kết luận.

         “Sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW) và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:
         1. Năm năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết và đã đạt kết quả bước đầu. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có chuyển biến tích cực.
         Trong kế hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương, địa phương đều đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm. Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
         Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng phát huy hơn. Tầm vóc, thể lực con người Việt Nam có bước cải thiện. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện.
         Một số chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người được ban hành. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Thị trường văn hóa bước đầu được hình thành. Hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ngày càng chủ động hơn.
         Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác.
         Một số chủ trương, quan điểm nêu trong nghị quyết chậm được thể chế; chưa có những chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa. Chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm.
Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

         Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước. Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
         Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa, khích lệ, động viên tính tích cực xã hội của nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong tổ chức thực hiện nghị quyết.
Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận, đúc kết hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam còn chậm, lúng túng, bị động.

         2. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền,MTTQ và đoàn thể các cấp quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong nghị quyết. Đồng thời, quan tâm những nội dung sau:
         2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
         Chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Định kỳ kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng đối với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
         2.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, quản lý hiện hành có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định rõ những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể.
         Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hoá, nghệ thuật.
         2.3. Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo." Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn", “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái".
         Khẳng định, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
         2.4. Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh. Huy động nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội đầu tư và tổ chức đời sống văn hoá, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp trong xã hội.
         2.5. Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội.
         Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.
         2.6. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
         Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng. Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp; đồng thời phát triển sâu rộng văn học, nghệ thuật quần chúng.
         Đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tập trung thực hiện quy hoạch và quản lý báo chí toàn quốc. Phát huy vai trò của báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.
         2.7. Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tạo nhận thức sâu sắc của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa. Phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Có giải pháp đồng bộ, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
         Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tạo thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa. Nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
         2.8. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước; đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu.
         Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn lực, tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tăng cường các chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tốt, phù hợp của các nước trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa.
         3. Tổ chức thực hiện
         - Các tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW và kết luận này.
         - Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW; rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
         - Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và kết luận này. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quản lý về hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, giáo dục và con người trong thời kỳ mới. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp.
         - Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", các phong trào thi đua yêu nước.
         - Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.
 
Mỹ Lai-(t/h nguồn VHO)

CÁC TIN KHÁC

      5     ...