Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc

31/07/2020
       Chính phủ, vừa ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

       Theo đó, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
        * Về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
       - Đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người lao động thì được hưởng các chế độ theo quy định bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
       Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định.
       - Đối với người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà thấy nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.
       * Về thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
       - Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tổng thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động;
       - Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thời gian không làm việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghệp và tháng đó không được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trừ trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng vào Quỹ;
       - Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cụ thể như sau:
       + Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
       + Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
       + Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nhưng người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
       + Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp …
       Nghị định, cũng quy định cụ thể việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; Hỗ trợ phục hồi chức năng lao động; Hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội; …
Nghị định có hiệu lực vào ngày 15/9/2020 và thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc./.
 
Mỹ Lai – VHTT (t/h).

CÁC TIN KHÁC

  1         ...