Nguồn vốn tín dụng chính sách tại Đak Đoa– Bệ đỡ cho an sinh và phát triển bền vững
26/05/2025
Tại huyện Đak Đoa có những câu chuyện không được kể bằng lời mà kể bằng mùa vụ, bằng căn nhà mới dựng, bằng tiếng cười của sự no ấm. Phía sau những kết quả ấy, những ánh mắt ngời sáng của người dân là dòng chảy âm thầm của một nguồn lực đặc biệt-Nguồn tín dụng chính sách xã hội - Bệ đỡ cho an sinh và phát triển bền vững.
Năm 2005, gia đình chị Đaih ở thôn Groi Wết – xã Glar, huyện Đak Đoa vẫn là hộ nghèo. Một khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội – chỉ 7 triệu đồng, đây như là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cánh cửa khởi đầu cho gia đình chị. Từ số tiền được vay, gia đình chị đã mua bò giống và heo giống về nuôi, chăm chỉ và chắt chiu, năm 2009, sau khi trả nợ gốc, gia đình chị lại được vay thêm 50 triệu đồng của chương trình hộ cận nghèo và năm 2024, gia đình chị lại được vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn hộ mới thoát nghèo. Được tiếp nguồn vốn vay thường xuyên và luôn nỗ lực vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế và luôn nỗ lực vươn lên từ nghèo khó vươn lên, bằng sức lao động và đồng vốn chính sách đúng lúc. Không chỉ là được vay vốn, mà Đaih còn thấy mình được tin tưởng, giúp gia đình chị tự tin làm ăn phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, gia đình chị đã trợ thành hộ có kinh tế ổn định, sở hữu trên 1.000 cây cà phê, gần 100 gốc chanh dây, sầu riêng và chăn nuôi đàn heo thịt ổn định từ 6 đến 8 con và 7 con bò.
Chị Đaih, thôn Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Hồi xưa gia đình tôi rất là nghèo, đi làm khuya làm nguyên của người ta tới năm 2005 tôi được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, sau đó thì cho nên tôi mua bò về nuôi. Tới năm 2009 là gia đình tôi được thoát nghèo. Tới năm 2019 gia đình tôi lại được vay thêm từ ngân hàng chính sách là 25 triệu, được mua thêm đất làm trong cà phê, chăm sóc cà phê. Bây giờ thì gia đình tôi cũng được phát triển nhờ trồng cà phê, nuôi bò”.
Hình ảnh: Chị Đaih đang chăm sóc vườn canh dây của gia đình
Từ vùng đất khó ở Thôn 76, xã Hà Bầu, anh Trần Đình Tùng cũng từng bắt đầu chỉ với 50 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Nhờ sự cần cù và sử dụng nguồn vốn vay hợp lý để trồng và chăm sóc cà phê, điều, hồ tiêu và đàn bò. Giờ đây, trừ chi phí thu nhập hàng năm của gia đình anh lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Không chỉ tự lo cho gia đình, anh còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương – một minh chứng sống động cho giá trị lan toả của nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước.
Anh Trần Đình Tùng, Thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa tâm sự: “Gia đình cũng nhờ vào các nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội cũng như là ngân hàng nông nghiệp để phát triển kinh tế hộ gia đình gồm có cà phê, hồ, tiêu, điều, bên cạnh đó mình cũng chăn nuôi như bò, heo để thứ nhất là tăng nguồn thu nhập về kinh tế, thứ hai là cũng tận dụng các cái nguồn phân bón để mình bón cho cây trồng, để giảm bớt cái chi phí đầu tư hóa học và tăng được cái năng suất và cái bền vững cho cây trồng”.
Với mục tiêu giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân, Phòng giao dịch Ngân hàng chính xã hội (CSXH) huyện Đak Đoa đã thường xuyên bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chủ động phối hợp với với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể, duy trì 17 điểm giao dịch cố định hàng tháng tại các xã, thị trấn và kịp thời tham mưu cho UBND huyện cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương, huy động tiền gửi tiết kiệm từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để xoay vòng nguồn vốn. Đồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng trong diện được vay vốn để xem xét, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn và giải ngân nguồn vốn kịp thời đến người dân. tính đến hết tháng 4 năm 2025, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn huyện Đak Đoa đã đạt hơn 554 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương: 457.638 triệu đồng; Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất: 66.115 triệu đồng; Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 24.995 triệu đồng và đặc biệt là nguồn vốn từ chính người dân địa phương thông qua huy động tiết kiệm cũng đang tăng mạnh, đạt hơn 41 tỷ đồng – một tín hiệu cho thấy người dân không chỉ là người nhận hỗ trợ mà đã bắt đầu trở thành người góp phần tạo ra nguồn lực phát triển. Từ những nguồn vốn trên, đã tạo điều kiện giúp cho hàng ngàn hộ dân có thêm điều kiện để đầu tư sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Từ năm 2024 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đak Đoa đã giải ngân trên 203 tỷ đồng cho 5.175 lượt hộ vay vốn, trong đó riêng
trong 4 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đak Đoa đã giải ngân cho 1.626 lượt hộ vay vốn, Trong đó, số hộ vay để phát triển sản xuất ở vùng khó khăn là nhiều nhất, với 462 hộ vay, với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo 9.906 triệu đồng, với 171 lượt hộ vay, Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 17.920 triệu đồng, với 371 lượt hộ vay vốn...
Hình ảnh: Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa đang giải ngân nguồn vốn vay cho người dân tại điểm giao dịch ở cơ sở
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn; ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả. Nhờ đó, không chỉ gia đình chị Đaih, gia đình anh Tùng mà từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã có hàng ngàn lượt hộ dân trên địa bàn huyện Đak Đoa đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá giả. Trong đó chỉ tính từ năm 2024 đến nay trên địa bàn huyện Đak Đoa đã có 874 hộ thoát nghèo nhờ được tiếp thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đak Đoa cho biết: “Trong thời gian qua thì dưới sự chỉ đạo của ngân hàng xã hội tỉnh Gia Lai, với lại ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa thì còn ngân hàng huyện Đak Đoa cũng đã đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc là cung cấp nguồn vốn tín dụng chính sách để mà đầu tư phát triển kinh tế, ổn định xã, ổn định cuộc sống, an sinh xã hội trên địa bàn huyện thì bên cạnh đó thì cũng phòng đã thường xuyên chỉ đạo cho cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn trong con đường rà soát để mà nắm bắt nhu cầu, từ đó mà xây dựng, lập kế hoạch và xây dựng nhu cầu vốn để đăng ký với ngân hàng cấp trên nhằm đảm bảo nguồn vốn đáp ứng đủ và kịp thời cho cái đối tượng vay vốn” .
Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đak Đoa đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân, tạo động lực giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vươn lên lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
Ngọc Định -Quốc Toản-Hồng Viên
Trung tâm VHTT&TT Đak Đoa