LIÊN KẾT WEBSITE


 

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

 
Điện thoại:  0269.3      
Email:..........@gialai.gov.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 2
Năm hiện tại: 10
Tổng lượt truy cập: 165
Số người on-line: 1
Xã Ia Pết > Giới thiệu > Thành tựu giai đoạn 2010-2015
ttgd.png
 
I. Đánh giá chung toàn cảnh về kinh tế xã hội của xã giai đoạn 2011-2015:
1. Điều kiện tự nhiên:
            Xã Ia pết, nằm ở phía Nam thuộc huyện Đak Đoa tỉnh Gia Lai, cách trung tâm huyện 17 km, ranh giới hành chính giáp với các xã như:
Phía đông giáp với xã Trang
Phía nam giáp với Ia Tiêm huyện Chư Sê
Phía tây giáp với xã Ia Băng
Phía bắc giáp với xã A’Dơk
Địa hình xã Ia Pết chủ yếu là những giải đồ lượn sóng, thấp xen lẫn thung lũng. Các dạng địa hình phân bố đều như sau:
+ Địa hình bằng phẳng, độ dốc từ 0-80 phân bố ở triền suối, thung lũng độ cao <300m, đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
+ Địa hình đồi núi thấp phân bố hầu hết trên địa bàn xã, độ dốc từ 8-200, có nơi dốc cục bộ lên đến 300 thường bị chia cắt bởi hệ thống đồi chạy qua. Đất đai tương đối màu mỡ, thích hợp với cây hoa màu, cây ăn quả và cây lâu năm khác. 
Khí hậu nhiệt đới, cao nguyên Tây Trường sơn, chịu sự chi phối khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm dồi dào. Trong năm chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa (tháng 5÷10), lượng mưa tập trung nhiều (chiếm gần 90% lượng mưa cả năm, thường có những trận mưa với cường độ lớn ở đầu và giữa mùa) và là thời vụ gieo trồng chính; mùa khô (tháng 11÷4 năm sau), hầu như không có mưa, thường có những đợt nắng gắt ở cuối mùa, cây trồng bị thiếu nước và phải bơm tưới. Nhiệt độ trung bình năm 21,50C, số giờ nắng bình quân năm 2.165h, lượng mưa bình quân năm 2.088mm (số ngày mưa bình quân năm 137,5 ngày), độ ẩm không khí bình quân năm 83%, tốc độ gió trung bình 3,5m/s;
2. Đặc điểm xã hội
            Xã Ia pết có 10 thôn với tổng số 1.470 hộ với 6.608 nhân khẩu, bao gồm 4 dân tộc cùng sinh sống: Dân tộc Ja Rai có: 4.806 khẩu chiếm tỷ lệ 72,73%, dân tộc Kinh: 857 khẩu chiếm tỷ lệ 12,97%, dân tộc Bana: 940 khẩu chiếm tỷ lệ 14,23%, dân tộc Xê đăng: 02 khẩu chiếm tỷ lệ 0,03%, dân tộc Mường: 03 khẩu chiếm tỷ lệ 0,04%
Tổng diện tích tự nhiên là 4.086,64ha. Đất nông nghiệp 3.557,29 ha, bao gồm: đất sản xuất nông nghiệp 3.544,52 ha, đất lâm nghiệp 8,54 ha; Đất phi nông nghiệp 469,27 ha, gồm : đất ở 43,68 ha ; đất chuyên dùng 367,28 ha (đất trụ sở, công trình sự nghiệp 1,14 ha; đất quốc phòng an ninh 4,99ha); đất SXKD phi nông nghiệp 1,01 ha; đất mục đích công cộng 360,14 ha ; đất nghĩa địa 10,75 ha ;....); đất chưa sử dụng 60,10 ha.
Ngành nghề chính chủ yếu ở xã là nông nghiệp.
* Về cơ sở hạ tầng:
- Điện:
+ Nguồn điện và hệ thống cấp điện của xã do ngành điện (Chi nhánh điện lực Đak Đoa) quản lý. Xã có 08 trạm biến áp (Tổng công suất 845 KVA), 19,3 km đường dây trung thế và 18,85km đường dây hạ thế; nguồn điện, TBA và đường dây tải, cấp điện cơ bản đạt chuẩn theo yêu cầu ngành điện, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho 10/10 thôn làng của xã.
+ Số hộ sử dụng điện của xã là 1.470/1.470 hộ, đạt 100%; Trong đó số hộ sử dụng điện an toàn là 1.470, tỷ lệ 100% so với số hộ sử dụng điện.
- Giao thông: Tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn xã là: 66,35 km. Trong đó, nhựa hóa được 21,08 km
Tổng số km đường liên xã: 12/12 km đã được nhựa hóa, đạt 100%.
Tổng số km đường liên thôn: 5,1/6,15 km đã được nhựa hóa, đạt 82,9%.
Tổng số km đường nội thôn: 5,76/29,65 km đã được nhựa hóa, đạt 19,42%.
Tổng số km đường trục chính nội đồng: 1,6/18,5 km đã được cứng hóa, đạt 8,6%.
- Hệ thống thủy lợi: Tổng số km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá: 2,12/29,95 km, đạt 7,08%. Các thôn đã nạo vét và sữa chữa được 12 km kênh mương, trong đó đã kiên cố hóa được 03 công trình tại thôn Breng, thôn Aroh và thôn Aklah với tổng chiều dài là 2,12 km nhằm phục vụ tưới tiêu.
Xã không có công trình thủy lợi đầu mối (nguồn nước suối để tưới mùa khô chủ yếu là nước mạch tự nhiên) nên khi nắng hạn dễ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng (lúa, cà phê, tiêu).
       - Nước sinh hoạt: Dân cư trên địa bàn xã chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt bằng nước giếng đào nhìn chung đảm bảo vệ sinh, tuy nhiên vẫn còn một số giếng nước bị sạt lỡ, một số hộ đồng bào DTTS vẫn còn dùng nước suối; thiếu nước sinh hoạt nhất là vào mùa khô, cần hỗ trợ kinh phí để đào và khoan thêm giếng nước.
       - Trạm y tế xã: khuôn viên đất 2000m2; nhà xây cấp IV, diện tích 200m2, chất lượng tốt; trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu; trạm có 06 cán bộ y tế ; Trong đó có 01 bác sĩ và 05 nhân viên y tế có trình độ trung và sơ cấp.
       - Hiện nay trên toàn xã có 3 cấp học, thuộc xã quản lý 3 cấp:
+ Trường Mẫu giáo: gồm 01 phân hiệu chính ở trung tâm và 8 phân hiệu ở 9 thôn.
+ Trường tiểu học:  gồm 01 phân hiệu chính ở thôn 10 và 8 phân hiệu ở 9 thôn.
+ Trường Trung học cơ sở Lê Lợi: Ở trung tâm xã.
- Về tình hình xã hội: Toàn xã có 551 hộ nghèo (chiếm 37,48%).
3. Kết quả đạt được:
          Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã Ia Pết lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2011-2015), giai đoạn 2011-2015 trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, sự giám sát của HĐND và sự điều hành tích cực của UBND xã, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các ban ngành, sự phối hợp của Mặt trận và các Đoàn thể trên các lĩnh vực, mục tiêu đặt ra đối với xã trong 5 năm là phải khắc phục mọi điều kiện khách quan như bão lũ, nắng hạn, giá cả các loại vật tư thiết yếu tăng cao trong khi đó giá cả các mặt hàng nông sản tăng chậm, tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn vẫn còn phứt tạp...nhằm ổn định phát triển kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo,... thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI tiến tới Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV và Đại hội lần thứ X của Đảng.
4. Thuận lợi:
+ Xã Ia Pết thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp với các loại cây có lợi thế hàng hoá và hiệu quả cao như: ngô, mì, đậu đỗ...và chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó thuận lợi phát triển trồng các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê...
+ Đất đỏ bazan phù hợp cho việc phát triển các cây công nghiệp có giá trị cao như: cà phê, cao su, tiêu.
+ Kinh tế - xã hội trong những năm qua của xã có bước phát triển, bộ mặt nông thôn dần dần thay đổi, đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với tiềm năng lợi thế của vùng.
5. Khó khăn:
+ Là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao 9/10 thôn làng với 37,48% (551/1.470 hộ), trình độ văn hoá, trình độ lao động và hiểu biết còn hạn chế. Đời sống kinh tế có cải thiện nhưng còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo nhất là hộ đồng bào dân tộc còn cao. Người dân còn thiếu vốn sản xuất, kiến thức và kỹ năng phát triển kinh tế còn thấp.
+ Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhất là về giao thông nông thôn tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hoá của nhân dân.
+ Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn chậm, năng suất cây trồng chưa cao. Mặc dù nhà nước đầu tư cây con giống, phân bón nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tập huấn kỹ thuật nhưng việc vận dụng của người dân chưa thật sự có hiệu quả.
+ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới triển khai chậm. Một số công chức chuyên môn xử lý công việc còn chậm, việc đề xuất tham mưu và chấp hành chế độ báo cáo chưa kịp thời theo quy định.  
II. Đánh giá thực hiện theo từng lĩnh vực:
1. Lĩnh vực kinh tế:
1.1. Nông nghiệp:
1. 1.1. Trồng trọt:
   Nền kinh tế xã tiếp tục tăng trưởng từng năm. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2015 ước đạt 21 triệu đồng.
    Trong nông nghiệp có sự chuyển biến nhanh về cơ cấu giống cây trồng  theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi đáng kể, đến nay người dân đã biết  áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất, phong trào sử dụng giống mới đặc biệt là các loại giống lúa lai thay thế dần các giống lúa địa phương có năng xuất thấp được thực hiện có hiệu quả ở các thôn: Breng, Ođeh, Aroh, Brong Goai,... Các mặt hàng nông sản hàng hóa như bời lời, ngô lai, sắn ... bán ra ngoài mỗi năm hàng trăm với số lượng lớn. Việc chuyển đổi đất nà thổ không còn thích hợp với cây lương thực sang trồng các loại cây công nghiệp như: Cao su tiểu điền, bời lời, hồ tiêu, cây ăn quả, cây cà phê,... đã mang lại hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất được chú trọng, nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả đã được nhân rộng như mô hình rau xanh, mô hình lúa lai,…Các chương trình khuyến nông đã làm thay đổi phương thức canh tác của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó năng suất cây trồng tăng lên: Năng xuất lúa trung bình đạt 47,5 tạ/ha.
      Nền kinh tế của xã có bước phát triển đáng kể. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 4.694 tấn, tăng 717 tấn so với cuối năm 2010.  Tổng diện tích gieo trồng đạt 2.045,3 ha. Trong đó: Diện tích cây lương thực 1.019 ha; Trong đó tổng diện tích lúa nước là 1002 ha: Lúa đông xuân 465 ha; Lúa vụ mùa 537 ha; Ngô 17 ha, tăng 13 ha so với cuối năm 2010. Cây chất bột  21 ha, giảm 31 ha so với cuối năm 2010. Cây thực phẩm 49 ha, tăng 11 ha so với cuối năm 2010. Cây công nghiệp hàng năm (lạc): 07 ha, tăng 05 ha so với cuối năm 2010. Cây công nghiệp dài ngày: 931,4 ha, tăng 23,4 ha so với cuối năm 2010. Trong đó, diện tích cây cao su 67 ha, giảm 15,6 ha so với cuối năm 2010; hồ tiêu 42,7 ha, trong đó trồng mới hồ tiêu 32,2 ha, cà phê 821,7 ha, tăng 6,7 ha so với cuối năm 2010. Các cây trồng có thế mạnh như: cao su, cà phê, bời lời, hồ tiêu tiếp tục ổn định vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Sản lượng cà phê niên vụ 2015 đạt 3.280 tấn nhân, cao su mủ đông đạt 210 tấn.
1.1.2. Chăn nuôi:
Đàn gia súc, gia cầm của xã được củng cố theo từng năm. Trong chăn nuôi người dân đã dần dần khắc phục được tập quán chăn nuôi thả rông, thay vào đó là làm chuồng, trại, đầu tư thức ăn,...nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi như thôn Ođeh, Brong Goai và Breng. Chăn nuôi tuy giảm về tổng đàn nhưng chất lượng được tăng lên. Các chương trình lai cải tạo đàn bò và đàn lợn, hỗ trợ heo móng cái, hỗ trợ công tác thiến bò đực cóc theo các chương trình đầu tư của Nhà nước... nhằm nâng tỷ lệ bò lai cũng như heo lai trên địa bàn xã được thực hiện thường xuyên hàng năm. Công tác phòng chống dịch bệnh và cải tạo giống đàn gia súc được quan tâm, thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, không để có dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi. Tổng đàn gia súc gia cầm toàn xã hiện nay có 5.974, giảm 1.289 con so với cuối năm 2010. Trong đó:  Bò: 953 con, giảm 438 con so với cuối năm 2010 (Trong đó bò có máu lai: 148, giảm 17 con so với cuối năm 2010, tỷ lệ bò lai  15,53%). Heo: 1.495 con, giảm 252 con so với cuối năm 2010, tỷ lệ heo lai 34,25 %. Gia cầm các loại: 3.526 con, giảm 599 con so với cuối năm 2010.  Tỷ lệ bò lai đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân đời sống nhân dân còn khó khăn, việc đầu tư trong công tác chăn nuôi bò lai không đáp ứng được, bên cạnh đó trên địa bàn xã không có đồng cỏ, diện tích trồng cỏ không có nên người dân không ưu chuộng việc chăn nuôi bò lai.
Bên cạnh đó phong trào nuôi cá nước ngọt bước đầu đã phát triển. Các hồ ao nhỏ lẽ ở các hộ gia đình được cải tạo và đầu tư nuôi cá đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.
 1.2. Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại:
          Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tiếp tục phát triển. Riêng tiểu thủ công nghiệp tuy đã có bước phát triển nhưng mang tính nhỏ lẽ như: Đan, rèn, làm nhạc cụ dân tộc... của đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết ở các thôn nhân dân làm nghề đan lác, rèn ... nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Các cơ sở chế biến nông sản, khai thác vật liệu xây dựng, đá nguyên liệu công nghiệp, cơ khí sửa chữa phục vụ nông nghiệp, ... đã được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã có 21 cơ sở xay xát, sơ chế nông sản, cơ khí sửa chữa đang hoạt động. Các dịch vụ sữa chữa nhỏ như điện cơ, điện tử, hon da và các các loại hình phục vụ đời sống nhân dân: may mặc, cắt tóc đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong xã cũng như nhu cầu tại địa phương.
Dịch vụ thương mại trên địa bàn xã đã có bước phát triển tuy nhiên cũng chỉ mang tính nhỏ lẽ với 03 điểm buôn bán vật liệu xây dựng, 03 đại lý bán phân bón, 04 điểm thu mua nông sản, còn lại là hơn 65  quán buôn bán hàng tạp hóa nhỏ lẽ phục vụ nhu cầu của nhân dân ở các thôn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh hầu hết nhỏ, có đăng ký đảm bảo VSMT. Với cơ sở dịch vụ đó đã từng bước đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá trong nhân dân, kích thích sản xuất hàng hoá phát triển.
1.3. Đầu tư xây dựng cơ bản:
         Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 đạt 11.878,9 triệu đồng. Cùng với Dự án Ifad, Chương trình 135, chương trình làm đường giao thông nông thôn, chương trình kiên cố hóa kênh mương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, … trong giai đoạn này xã đã làm hơn 5.636,46 m đường nhựa và đường bê tông hóa là đường liên thôn, nội thôn (Brong Goai, Biabre, Breng,…) và 2.120 m kênh mương thủy lợi (Aroh, Aklah và Breng) trong đó vốn nhân dân đóng góp gần 01 tỷ đồng. Đặc biệt đã hoàn thành đập tràng thôn Ngơm Thung đi thôn Brong Goai với chiều dài 103,72 m đã góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà. Bên cạnh các công trình hạ tầng được quan tâm đầu tư, vẫn còn một số công trình cần phải tiếp tục đầu tư đồng bộ như: đường nội thôn, đường đến khu sản xuất còn lầy lội khó đi vào mùa mưa. Nguyên nhân: Đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc xây dựng các công trình trên địa bàn xã phải chờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ cũng hạn chế, chưa đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu dân sinh.
1.4. Công tác quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và xây dựng nhà ở:
      Trong giai đoạn, công tác quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và xây dựng nhà ở có chuyển biến tích cực. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu giai đoạn 2011 – 2015. Triển khai cấp mới, chuyển mục đích, chuyển nhượng, … giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân theo đúng quy định. Hiện nay trên địa bàn xã có 1.411 cái nhà, trong đó nhà kiên cố và bán kiên cố 920 cái, chiếm 65,2% và nhà tạm, dột nát 491 cái, chiếm 34,8%. Trong những năm qua, nhân dân các thôn đã có nhiều hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp như trồng cây xanh, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tỷ lệ hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Tuy nhiên quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý thực hiện các quy hoạch, trươc hết là việc thu hồi đất còn khó khăn. Phát triển quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn xã vẫn còn nhiều bất cập, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng, chỗ thu gom, xử lý rác thải, hệ thống cống thoát nước thải trong khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ. Hiện tại, chất thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định; xã chưa có Tổ thu gom, xử lý chất thải, các thôn chưa có tổ dọn vệ sinh (chưa đạt theo yêu cầu nông thôn mới). Khuôn viên và nhà ở khu dân cư được bố trí xây dựng cơ bản hợp lý, phần lớn nhà có gắn với vườn và từng bước tách rời chuồng trại chăn nuôi; Còn lại một số hộ ĐBTT chưa thực hiện rào vườn và chuồng trại chăn nuôi.
1.5. Công tác thu ngân sách:
     Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, giai đoạn 2011-2015 ước đạt 21.005.145.969 đồng. Năm 2015 thu ước đạt 4.950.000.000 đồng, tăng so với năm 2011 hơn 2.000.000.000 đồng. Tổng chi ngân sách đến cuối năm 2015 ước đạt 18.476.336.212 đồng, tăng so với năm 2011 hơn 2.000.000.000 đồng. Cơ cấu nguồn thu ngân sách trên địa bàn có chuyển biến tích cực, năm sau cao hơn năm trước tuy nhiên kết quả đạt thấp so với kế hoạch đề ra như phí lệ phí, thu công thương nghiệp, ...  
1.6. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới:
Được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục đạt những kết quả rõ nét. Công tác tuyên truyền được tăng cường, nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa, môi trường, nhà ở, giáo dục, y tế, ...  ngày càng rõ hơn. Trên địa bàn xã đã hình thành Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững tại thôn Ođeh, đặc biệt đã huy động nhân dân thôn 10, Brong Goai và Almoi đã đóng góp hạ 03 bình điện 350 KWA với tổng kinh phí hơn 03 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Qua 03 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã triển khai đạt được 07/19 tiêu chí hoàn chỉnh (Tiêu chí 4 – điện; tiêu chí 8 – bưu điện; tiêu chí 19 – an ninh chính trị; tiêu chí 15 – y tế; tiêu chí 12 - Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; tiêu chí 13- Có tổ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; Tiêu chí 14 – Giáo dục); Và  04/19 tiêu chí 1,2 phần (Tiêu chí số 1 – đạt tiêu chí 1.1; Tiêu chí số 2 – đạt tiêu chí 2.1;  Tiêu chí số 17 - đạt tiêu chí 17.1, 17.2 và 17.3; Tiêu chí số 18: đạt tiêu chí 18.2 và 18.3). Phấn đấu đến cuối năm 2014 xã đạt 08/19 tiêu chí  hoàn chỉnh và cuối năm 2015 đạt 11/19 tiêu chí hoàn chỉnh.
2. Văn hóa – Xã hội:
2.1. Giáo dục:
      Trong giai đoạn 2011-2015, các cấp đã có sự đầu tư lớn cho sự nghiệp giáo dục về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, … đặc biệt là đầu tư xây dựng trường mẫu giáo xã, 03 phòng học mẫu giáo tại 03 điểm trường, … tạo điều kiện thuận lợi, thu hút học sinh đi học. Bên cạnh đó nhân dân đã  nhận thức tầm quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo. Với phương châm: Nhà trường, gia đình và xã hội, công tác dạy và học đến nay được nâng lên cả về chất lượng và số lượng. Toàn xã có 03 trường ở 03 cấp học: mẫu giáo, tiểu học và THCS với  57 lớp học (tăng so với năm 2010: 04 lớp). Tổng số học sinh trên địa bàn xã có 1.505  học sinh, trong đó DTTS là 1.413 học sinh. Tăng 182 học sinh so với năm 2010. Xã đã phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục Tiểu học trong độ tuổi; Đã  đề nghị cấp trên công nhận xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt 98 %. Học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học hàng năm đạt 90%.Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học TH (Phổ thông, bổ túc, học nghề) là 42/59 học sinh, đạt 71,1% - đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 97%;  Trong các năm học, học sinh của xã đều tham gia và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Huyện. Đội ngũ giáo viên được quan tâm chuẩn hoá và nâng cao trình độ chuyên môn.
Công tác giáo dục tuy có tiến bộ, song vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường nhưng chưa đáp ứng đủ cho hoạt động giảng dạy và học tập, chưa đạt chuẩn theo quy định. Trường THCS Lê Lợi chưa có các phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, …; Trường tiểu học hiện nay vẫn còn 04 lớp ghép và  02 phòng học tạm tại thôn Brong Goai; Trường mẫu giáo còn phòng học mượn, phòng học tạm (Biabre, Aroh, Almoi)  ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Địa bàn rộng nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn (Brong Goai), học sinh phần lớn là DTTS nên ý thức học tập chưa cao nên học sinh nghỉ học hàng năm đặc biệt là bậc THCS vẫn còn cao. 
2.2. Y tế:
     Đội ngũ y bác sĩ của Trạm y tế gồm: 01 bác sỹ, 01 y sĩ, 02 y tá sơ học, 01 nữ hộ sinh và 10 y tế  thôn ở 10 thôn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được chú trọng. Việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế được chú trọng, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng lên và triển khai các chương trình y tế quốc gia có hiệu quả. Xã đã được công nhận đạt chuẩn y tế năm 2012 và hàng năm được duy trì củng cố.  Tỷ lệ trẻ em dưới trẻ dưới 01 tuổi đủ 06 loại vacxin hàng năm đạt 85 % kế hoạch. Qua các năm không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.  Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm từ 22 % năm 2010 xuống còn 19 % năm 2014 (giảm 03%).
           Công tác dân số KHHGĐ được đẩy mạnh, mạng lưới cộng tác viên ở các thôn làng cũng như cán bộ chuyên trách hoạt động tích cực có hiệu quả. Các chiến dịch CSSKSS hàng năm được triển khai thực hiện đạt 95 % kế hoạch. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên toàn xã giảm từ 1,58%(năm 2010) xuống còn 1,43 % (giảm 0,15%).  Tỷ lệ tăng sinh có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ không đáng kể, trường hợp sinh con thứ 3 trở lên hàng năm trung bình 24 trường hợp.
Tuy vậy công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều bất cập đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, ĐBDTTS còn chưa giải quyết tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu. Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế của người nghèo, người ĐBDTTS còn nhiều khó khăn. Đầu tư của Nhà nước cho y tế còn thấp; phần lớn nhân dân là ĐBDTTS nên trình độ nhận thức và hiểu biết về phòng bệnh còn thấp, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm chưa được nhân dân chú trọng vì vậy tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn. Nhân dân chưa quan tâm nhiều tới công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em và việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, trường hợp sinh con tại nhà ở người đồng bào DTTS vẫn còn, tỉ lệ sinh con thứ 3 chiếm hơn 26% (19/72 cháu).
2.3. Văn hoá thông tin, TDTT:
       Hoạt động văn hoá thông tin - thể dục thể thao có nhiều cố gắng, chuyển tải kịp thời các chủ trương của Đảng và nhà nước đến nhân dân. Tổ chức thành công Hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ II năm 2011 và Đại hội TDTT toàn xã lần thứ IV năm 2013. Các hoạt động vui chơi giải trí thông qua các hoạt động hội thao, thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền giữa các thôn trong và ngoài xã đã tạo nên mối quan hệ mật thiết, góp phần thúc đẩy tinh thần thể dục thể thao trỗi dậy trong một số bộ phận nhân dân. Trong đó phải kể đến các thôn tiêu biểu như Breng, Biabre, Brong Goai, Ngơm Thung,.. Hiện nay toàn xã đã có 07 sân bóng đá, bóng chuyền tại các thôn và 01 sân bóng đá mini nhân tạo.  Đến nay 100% thôn có đội văn nghệ, số người tham gia tập luyện TDTT đạt trên 50%. Thu nhập của người dân tăng lên nên việc mua sắm phương tiện sinh hoạt cho gia đình tăng mạnh trong những năm qua. Đến năm 2015 đã có trên 40% số hộ trong toàn xã có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ sử dụng điện thoại đạt 60 thiết bị/100 dân. Trong đời sống nhân dân đã được nâng cao về phương tiện, thông tin góp phần thay đổi dần bộ mặt nông thôn, một số bộ phận nhân dân trong xã đã đến dần với công nghệ thông tin. Tuy nhiên chất lượng hoạt động văn hóa không cao, còn quá nặng nề về xu hướng thương mại hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng “Nông thôn mới” được đẩy mạnh. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, 10/10 thôn xây dựng hương ước, quy ước và đã được phê duyệt đưa vào thực hiện, đạt tỷ lệ 100%. Toàn xã có 05 thôn văn hóa, chiếm 50% (tăng 50% so với cuối năm 2010), ước đến cuối năm 2015 tỷ lệ thôn văn hóa đạt 70%; 564/1470 gia đình văn hóa, tỷ lệ 38,37% (tăng 08% so với cuối năm 2010), ước đến cuối năm 2015 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 70%.
2.4. Công tác xã hội:
        Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện thường xuyên và triển khai quyết liệt  qua các chương trình đầu tư của Nhà nước đặc biệt là chương trình 168, 167...  Nhiều chương trình, dự án, nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được lồng ghép nên công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 50,15% năm 2010 xuống còn 37,84 % (giảm 12,31 % so với năm 2010), hiện nay toàn xã còn 551 hộ nghèo. Theo kế hoạch đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,84%). Tuy vậy nhưng thành tựu xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc, số hộ nghèo là ĐBDTTS còn cao. Giữa người giàu và nghèo có sự phân hóa và có khoảng cách, đời  sống nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn.
         Tập trung triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Trung tâm học tập cộng đồng của xã được thành lập và dần dần đi vào hoạt động có hiệu quả, đã phối hợp với trường trung cấp nghề Gia lai đào tạo 546 lao động của xã (may, nề, dệt, …). Trong giai đoạn đã đào tạo nghề mới cho 715 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 20% năm 2010 tăng lên 24 % năm 2014 (tăng 04%), đạt tiêu chí nông thôn mới; số lao động được tạo việc làm trên 3.175 người.
       Thực hiện kịp thời chế độ chính sách và chăm lo cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học,... Hộ ĐBDTTS, hộ nghèo, … được cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT đạt cao 93,5%, đạt tiêu chí nông thôn mới. 
Công tác dân tộc luôn được Cấp uỷ và Chính quyền xã quan tâm lãnh đạo và triển khai đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, của Huyện vì vậy được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các mặt hàng chính sách cấp, cho không của nhà nước hàng năm đã được nhận và cấp kịp thời đến cho dân. Công tác hướng dẫn, giúp đỡ dân sử dụng giống mới, phân bón và hàng thiết yếu khác đã được xã tập trung chỉ đạo mang lại hiệu quả cao.
         Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ngày càng linh hoạt và đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận cao và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trên địa bàn xã đã có Chi hội Tin lành Chư teh hoạt động ổn định với 3.392 tín đồ. 
3. Nội chính:
3.1. Quân sự địa phương:
          Triển khai thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu. Hàng năm tổ chức củng cố lực lượng dân quân đảm bảo đủ số lượng, duy trì hàng năm 66 đồng chí, trong đó lực lượng cơ động 28 đồng chí, lực lượng tại chỗ 33 Đ/c,  trinh sát 3 đồng chí, 10 dân quân nữ. Tổ chức huấn luyện cho 265 dân quân, kết quả đạt loại khá (trung bình 53 dân quân hàng năm). Tổ chức tốt công tác tuyển quân hàng năm, đã giao 42 công dân, tuy nhiên năm 2013 không đạt chỉ tiêu. Tổ chức diễn tập chiến đấu trị an theo Nghị quyết số 28-NQ/W đạt loại khá. Chủ động xây dựng kế hoạch và huy động các lực lượng phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn.
3.2.  An ninh trật tự:
          Thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong và ngoài xã. Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/W ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Tập trung giải quyết tình hình phứt tạp về an ninh trật tự tại các thôn trọng điểm, tấn công trấn áp tội phạm nhất là tội phạm theo kiểu băng nhóm, tội phạm ma túy. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý cư trú. Phối hợp với các Tổ công tác xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm để củng cố lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên tình hình an ninh trật tự vẫn còn xãy ra phứt tạp, cướp giật đã xãy ra đặc biệt trên địa bàn xã đã xuất hiện các tệ nạn xã hội như tình trạng thanh niên sử dụng chất ma túy, an ninh nông thôn còn tiềm ẩn phứt tạp. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông như tăng cường công tác tuần tra kiểm soát giao thông, phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông trong trường học,... Số vụ tai nạn giao thông giảm từng năm, năm 2014 xãy ra 02 vụ (giảm 04 vụ so với năm 2010).
3.3. Cải cách hành chính:
          Trên cơ sở kế hoạch Chương trình cải cách hành chính của huyện theo từng năm và các văn bản chỉ đạo có liên quan, Ủy ban nhân dân xã đã tham mưu kịp thời cho Cấp uỷ Đảng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ. Ban hành kế hoạch cũng như Chương trình hành động cải cách hành chính của xã để có cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu với cấp uỷ Đảng, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, hàng năm lấy lấy kết quả cải cách hành chính làm một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức. Hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được nâng cao qua từng năm, công tác tiếp công dân vào sáng thứ 7 hàng tuần được thực hiện thường xuyên.Tổ chức niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã. Hàng tháng, hàng quý tổ chức rà soát các thủ tục hành chính trên địa bàn xã.  Kết quả ở các lĩnh vực đã tiếp nhận và giải quyết 2.210 trường hợp, hạn chế hồ sơ tồn đọng. Nhìn chung đã dần dần khắc phục được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cán bộ, công chưc. Mọi vướng mắc của nhân dân về thủ tục hành chính liên quan được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, giảm được phiền hà cho nhân dân khi liên hệ giải quyết công việc tại xã. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong cơ quan.
(Căn cứ  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII và báo cáo tổng kết giai đoạn 2010-2015 của UBND xã Ia Pết).
hoavan.png

THÔNG BÁO

TIN ẢNH

THĂM DÒ Ý KIẾN

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
 
 
 

Thông tin liên hệ

Copyright © 2015 UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai 
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178- Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai