LIÊN KẾT WEBSITE


 

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

Điện thoại: 0269.3 Email:..........@gialai.gov.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 1
Năm hiện tại: 5
Tổng lượt truy cập: 22
Số người on-line: 1
Trong lĩnh vực kinh tế:
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã góp phần đáng kể vào việc triển khai thực hiện và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo nghị quyết đại hội lần thứ IX của đảng bộ xã đã đề ra.
Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hàng năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 16,5 triệu đồng, đến nay 22 triệu đồng/người (tăng 133,3% so với năm 2016) đạt 100% so với Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ IX.
Hàng năm, ngoài chỉ tiêu huyện giao, Đảng bộ xác định vụ lúa Đông Xuân và lúa mùa vẫn ổn định diện tích, đồng thời vận động đồng bào tại chỗ chủ động chuyển đổi cây trồng trên diện tích thường xuyên bị khô hạn, không đảm bảo nước tưới sang các loại cây trồng khác. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm thực hiện đều vượt hơn so với giai đoạn 2016-2020[1]. Thực hiện chủ trương khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong giai đoạn qua đã phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là cây có múi như cam, quýt (15 ha), các sản phẩm từ măng tre là 13,5 ha. Trong giai đoạn 2016-2020 đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi xã Kon Gang, khi thành lập có 06 thành viên đến nay phát triển lên 20 thành viên và đã định hướng xây dựng thương hiệu cam Kon Gang đến nay đã đăng ký tem truy xuất nguồn gốc nhà vườn Năm Đô và đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là sản phẩm măng ép dự kiến hoàn thành trong giai đoạn tới.
Được sự quan tâm của cấp trên thông qua các chương trình đầu tư xây dựng cơ bản như: Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới... đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn,tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tổng nguồn vốn đầu tư trong cả giai đoạn 2016-2020 là 12.592.400.000 đồng, tăng 114,5% so với giai đoạn trước[2]. Nhờ đó, đã làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng của xã, việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân được thuận lợi hơn, đời sông kinh tế của người dân dần được nâng cao.
Chương trình Nông thôn mới được quan tâm triển khai, UBND xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã, hệ thống chính trị các thôn, làng triển khai phát dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, nạo vét cống rãnh ở các thôn, làng. Đến nay xã đã đạt 11/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới[3].
Trong lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua như phong trào phong trào “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của hội nông dân, phong trào “sản xuất kinh doanh giỏi, cựu chiến binh gương mẫu” của hội cựu chiến binh, phong trào khởi nghiệp lập nghiệp của Đoàn Thanh niên, phong trào 5 không, 3 sạch của Hội liên hiệp Phụ nữ, phong trào “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như thôn Krái, Ktu...
2. Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội:
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, được sự quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất đến chất lượng dạy và học. Hiện nay trên địa bàn xã có một trường TH & THCS Đinh Tiên Hoàng và 05 lớp Mẫu giáo tại phân hiệu các làng. Cơ sở vật chất tại các trường cũng được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu dạy và học[4]. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt 98% (đạt 100% so với nghị quyết). Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, đội ngũ cán bộ giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, học sinh yếu, kém giảm dần qua các năm. Đến năm 2019, đã hoàn thành và duy trì phổ cập giáo dục mức độ 2 ở 2 cấp học. Các danh hiệu thi đua ngày được nâng cao cả về số lượng và chất lượng: Đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường hàng năm đạt tỉ lệ 80,0%, đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện đạt tỉ lệ 20,0%, Lao động Tiên tiến đạt tỉ lệ 10,0%, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở đạt tỉ lệ 3,4%. Cuối năm học xếp loại: Xếp loại xuất sắc đạt tỉ lệ: 3,0%; Hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỉ lệ 97,0%; không có Cán bộ, giáo viên, nhân viên nào xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã đi vào hoạt động có hiệu quả, hàng năm mở từ 4 - 5 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hội thảo, triển khai các mô hình áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất.
Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được nâng lên[5], tỷ lệ khám chữa bệnh bình quân trong 5 năm 3.105 lượt đạt 97,7%, đội ngũ y bác sỹ và y tế thôn bản được củng cố[6]. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được chú trọng thông qua việc củng cố đội ngũ cộng tác viên dân số tại các thôn (làng) và viên chức dân số để tuyên truyền vận động thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Trạm y tế thường xuyên phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ xã duy trì hoạt động câu lạc bộ không sinh con thứ 3 (CLB thôn K rái, Kop), do đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,7% năm 2014 giảm xuống còn 1,44% năm 2019; thường xuyên tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Thực hiện tuyên truyền các ngày lễ lớn, các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đến với nhân dân qua hệ thống FM. Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao lần thứ III năm 2017. Đã thành lập được một đội nghệ nhân cồng chiêng tham gia các cuộc thi cồng chiêng của huyện. Năm 2019 số thôn, làng đạt chuẩn văn hóa là 5/5 thôn (chiếm tỷ lệ 100%). Cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư cơ bản[7]. Tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 75%; có trên 90% số hộ được xem truyền hình, tỷ lệ sử dụng điện thoại đạt 80 thiết bị/100 dân. Xã đã được kết nối internet băng thông rộng.
Cuối năm 2015, toàn xã có 308 hộ nghèo trên 862 tổng số hộ; chiếm tỷ lệ 35,73%, trong 4 năm bằng các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ và sự đóng góp của cộng đồng và của hộ nghèo, đến cuối năm 2019 toàn xã còn 123 hộ nghèo trên 1050 hộ, chiếm tỷ lệ 11,71%, đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo nghị quyết đề ra (trung bình mỗi năm giảm 4.8%). Giải quyết việc làm mới cho hơn 300 lao động, số lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đến năm 2019 trên địa bàn xã có 744 lao động qua đào tạo và lao động được tham gia các lớp tập huấn. Thực hiện kịp thời chế độ chính sách và chăm lo cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học,...[8]
3. Công tác quốc phòng - an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại:
Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Quân sự và Công an theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP và Nghị định 133/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 5 năm qua các phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, mô hình “Khu dân cư phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm”… đã được kế thừa và phát triển sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với đặc điểm tình hình của xã như việc thành lập và hoạt động có hiệu quả của các tổ tự quản ở các thôn, làng, góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân. Chuyển hóa thành công địa bàn xã không ma túy. Các tệ nạn xã hội được kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông; từng bước xã hội hoá công tác phòng, chống tội phạm trong toàn dân, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phòng chống có hiệu quả âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương đạt được nhiều kết quả, hàng năm tỷ lệ giao quân, huấn luyện đạt chỉ tiêu huyện giao. Tổ chức thực hành diễn tập chiến đấu phòng thủ đạt loại khá.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, những bức xúc, kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý, được người dân đồng tình ủng hộ. Trong nhiệm kỳ qua tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi về hoặc người dân trực tiếp đến uỷ ban nhân dân xã để khiếu nại, tố cáo: không có; đã nhận và giải quyết 23 đơn kiến nghị của công dân[9]. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được coi trọng và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị.
4. Công tác xây dựng hệ thống chính trị:
Cùng với các phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội, phong trào “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Đảng uỷ chỉ đạo đẩy mạnh trong toàn đảng bộ, các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên gương mẫu thực hiện. Qua đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ được giữ vững và phát huy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của nhân dân. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày càng tăng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của xã. Kịp thời nêu gương, đề nghị biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến làm theo gương Bác trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị [10].
Phong trào thi đua “Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh” được quan tâm triển khai thực hiện. Hội đồng nhân dân xã đã tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, phát huy dân chủ, bàn và quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển kinh kế - xã hội. Chú trọng đổi mới công tác tiếp xúc cử tri; nâng cao chất lượng các kỳ họp. UBND xã từng bước nâng cao năng lực tự quản lý, tự điều hành, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của UBND xã được đổi mới theo hướng gần dân sát dân hơn, quan tâm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thường xuyên theo tinh thần đổi mới, chất lượng và hiệu quả[11]. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử. Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đến nay một số thủ tục liên quan đến tổ chức, cá nhân đã rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ; 70% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo xã được cập nhật trên trang thông tin điện tử của xã. Triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử, một cửa liên thông”; áp dụng thực hiện hệ thống văn bản, quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO hành chính 9001:2008.
Mặt trận tổ quốc đã phát huy vai trò trung tâm của khối đại đoàn kết cùng các tổ chức thành viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do Đảng và nhà nước phát động, Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát, phản biện xã hội, đối thoại với nhân dân được phát huy[12]. Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; các cuộc vận động hàng năm: “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”, “thay đổi nếp nghĩ cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai thường xuyên và có hiệu quả.
Mặt trận có cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”,...; Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động“xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Hội viên giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo”, “cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi”.... Đoàn Thanh niên có phong trào thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, Đồng hành với thanh niên trong học tập, Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.; Hội Nông dân có phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”… Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp tổ chức phát động quần chúng xây dựng mô hình dân vận khéo[13], phối hợp triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
III. Công tác thi đua khen thưởng:
Công tác khen thưởng kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới về phương pháp, quy trình bình xét, thủ tục hồ sơ khen thưởng đến mọi đối tượng đúng người, đúng việc, đúng tiêu chuẩn, chú trọng khen thưởng đến mọi đối tượng, mọi lĩnh vực hoạt động, tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là người lao động, sản xuất trực tiếp, kịp thời động viên khuyến khích các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Trong 5 năm qua xã cũng đã được Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu lao động tiên tiến cho 18 cá nhân và tặng danh hiệu tập thể lao động tiến tiến; 02 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. UBND xã đã tặng giấy khen cho 101 cá nhân và 54 tập thể; đối với tập thể hầu hết là các tập thể ở các thôn, làng; đối với cá nhân thì có 4.9% là cán bộ, công chức cấp xã, còn lại là cán bộ thôn, làng, nông dân… Thành tích của các tập thể, cá nhân điển hình đã đóng góp nhiều thành tích quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển địa phương.
 
[1] Tổng diện tích gieo trồng hàng năm thực hiện đều vượt hơn so với đầu năm 2016(diện tích gieo trồng tăng 242 ha, diện tích lúa đông xuân là 145 ha/120ha so với đầu giai đoạn trước; diện tích lúa vụ mùa là 244 ha/121ha so với đầu năm 2016).
[2] Trong đó, nguồn vốn XDCB: đã triển khai làm được 01 nhà VH xã, 03 nhà VH thôn, 1 phòng học cho trường tiểu học phân hiệu thôn Ktu, 7.078,39m đường giao thông. Nguồn vốn hỗ trợ PTSX: triển khai 02 phương án nuôi bò cái sinh sản, 01 phương án nuôi heo rừng lai và 01 phương án phát triển cây có múi theo hướng hữu cơ)
[3] Gồm:Tiêu chí số 1-Quy hoạch; Tiêu chí số 03-Thủy lợi; Tiêu chí số 4- Điện; Tiêu chí số 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Tiêu chí số 8-Thông tin và truyền thông; Tiêu chí số 12-Lao động có việc làm; Tiêu chí số 13-Tổ chức sản xuất; tiêu chí số 14-Giáo dục và đào tạo Tiêu chí số 15-Y tế; Tiêu chí số 16-Văn hóa; Tiêu chí số 19 – Quốc phòng, An ninh.
[4] Trường TH & THCS Đinh Tiên Hoàng: Từ năm 2018 đến nay đã xây mới 4 phòng học thay thế các phòng học cũ và phòng học mượn; hiện tại đang được Quân đoàn 3 xây tặng 4 phòng học cấp Tiểu học, sắp tới sẽ đáp ứng được dạy ngày 2 buổi cho nhu cầu chương trình thay sách; đã làm mới Cổng trường và hơn 70m hàng rào đạt chuẩn, xây dựng khuôn viên Phân hiệu Dung rơ và Phân hiệu KDập sạch đẹp; ở điểm trường chính có hệ thống cây bóng mát đầy đủ và hệ thống khuôn viên, cây xanh thảm cỏ, khu thư viện xanh sạch đẹp đạt yêu cầu của ngành.
Trường Mẫu giáo: Trong giai đoạn 2016-2020, được cấp trên quan tâm đầu tư CSVC khang trang, tương đối đầy đủ đồ dùng trang thiết bị hiện đại theo mô hình trường chuẩn Quốc gia. Nhà trường đã triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục trẻ. Đã kết nối mạng intenet ở Phân hiệu Kóp có 1/1 lớp có máy tính kết nối intenet để phục vụ cho công tác giảng dạy.
[5] Thực hiện đầy đủ các chương trình YTQG. tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều đạt 97%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 17,6%; tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế là 92%, tỷ lệ phụ nữ được khám thai trên 3 lần đạt 86%.
[6] Nhân lực của Trạm gồm có: 01 Bác sỹ, 01 Y sỹ, 03 Điều dưỡng, 01 Nữ hộ sinh và 06 y tế thôn, 06 cộng tác viên dân số ở thôn, làng.
[7] Đến thời điểm hiện tại 05/5 thôn (làng) đã có sân bóng đá, 5/5 thôn có nhà rông văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng (riêng thôn Kto mượn phân hiệu trường Tiểu học làm nhà sinh hoạt cộng đồng tạm thời). Trong 5 năm đã xây mới 03 nhà sinh hoạt cộng đồng (làng Ktu, Khu dân cư Tam Điệp, làng Kóp).
[8] Các chính sách đã được triển khai thực hiện đạt hiệu quả như thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng trên 04 tỷ đồng; giải quyết 85 hồ sơ cho người có công chưa được hưởng chế độ; cấp phát 16.970 thẻ bảo y tế cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người kinh sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo 622.719.000 đồng, với trên trên 1.000 lượt hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý, chỉnh trang Nhà bia ghi tên 67 liệt sỹ của xã tại làng Kóp với kinh phí 500 triệu đồng do Thành ủy Pleiku hỗ trợ. Xây mới và sửa chữa 09 nhà (xây mới 06 nhà, sửa chữa 03 nhà) người có công khó khăn về nhà ở theo quyết định 22, Xây mới 05 nhà cho hộ nghèo, nguồn vốn do Thành ủy PleiKu kêu gọi hỗ trợ,và hiện 02 hộ nghèo đã có nguồn kinh phí hỗ trợ nhưng chưa triển khai.
[9] Trong đó: Hòa giải thành 14 vụ việc; Hòa giải không thành chuyển lên cấp trên 09 vụ việc (Tòa án). Nội dung kiến nghị chủ yếu về tranh chấp đất đai.
[10] Trong giai đoạn 2016-2020 đã triển khai biểu dương khen thưởng cho 2 tập thể và 19 cá nhân.
[11] Đội ngũ cán bộ, công chức 90% được chuẩn hóa về trình độ các mặt; năng lực công tác, qua đánh giá hằng năm có trên 75% đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, số không hoàn thành rất thấp, thường dưới 1%; ý thức trách nhiệm có những chuyển biến tích cực. Triển khai thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế trong cơ quan và sắp xếp giảm 03 thôn, làng và 02 trường học; tinh giảm 33 đội ngũ cán bộ thôn, làng sau sáp nhập thôn theo quy định; các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tại cơ quan được thực hiện đúng quy định, tạo môi trường và điều kiện cho cán bộ, công chức yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ.
[12] Thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ chính trị về Giám sát và phản biện xã hội, trong nhiệm  kỳ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội đã tổ chức được 12 cuộc giám sát, nội dung về giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong xã; công tác quản lý bảo vệ rừng; xây dựng nhà vệ sinh tại phân hiệu trường; thực hiện các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; chi trả tiền dịch vụ môi trương rừng; thực hiện các quy định về VS ATTP; việc cấp hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; việc cấp trợ cấp hàng tháng cho người có công với cách mạng; cấp thẻ BHYT cho các đối tượng; tiếp nhận và trả kết quả xét duyệt hồ sơ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg; cấp bò chính sách; nhóm chung sở thích...và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp tổ chức đối thoại 01 cuộc với Chủ tịch UBND huyện với các hộ dân khu dân cư Tam Điệp về việc điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ. Ban thường trực UBMTTQ xã đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, xin ý kiến Đảng ủy và thống nhất với chính quyền xã tổ chức thực hiện được 07 cuộc giám sát về công tác cấp bò chính sách, công tác trồng rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng và chỉ đạo Ban thanh tra nhân dân xã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác thanh tra nhân dân hàng năm về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội 5/5 thôn, làng. Phối hợp với Thường trực HĐND xã tổ chức được 16 buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp trước và sau các kỳ họp với 950 lượt cử tri tham dự (trong các cuộc tiếp xúc có 200 lượt ý kiến, kiến nghị tới UBND xã và UBND huyện, có 110 lượt ý kiến trên liên quan tới xã đã được UBND xã trả lời, giải quyết các ý kiến còn lại đã được Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam xã tổng hợp gửi Ban Thường trực UBMTTQVN huyện để gửi các cơ quan có liên quan giải quyết). Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; các cuộc vận động hàng năm: “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”, “thay đổi nếp nghĩ cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai thường xuyên và có hiệu quả.
[13] Trong giai đoạn 2016-2020, Khối Dân vận đã phối hợp với UBND xã, UBMTTQ và các ban, ngành đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; Luật đất đai và nhất là ANTT nông thôn; tuyên truyền và vận động nhân dân “ Đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”, “ cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” với những tiêu chí phù hợp như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế… nổi lên với 03 mô hình Dân vận khéo: Mô hình Đoàn kết xây dựng Nông thôn mới (tập thể thôn Krai), 02 mô hình cá nhân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi (ông Nguyễn Duy Đô, làng Kop với mô hình sản xuất 1,2ha cây ăn trái; ông Rip, làng Dung rơ với mô hình trồng 06 ha cây Hồ tiêu)
 

THÔNG BÁO

TIN ẢNH

THĂM DÒ Ý KIẾN

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?