LIÊN KẾT WEBSITE


 

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

 
Điện thoại:  0269.3      
Email:..........@gialai.gov.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 1
Tháng hiện tại: 1
Năm hiện tại: 1
Tổng lượt truy cập: 3
Số người on-line: 1

TUYÊN TRUYỀN NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG

Ngày đăng bài: 24/11/2022
Những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi trở lên và nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên). 
Việc kết hôn sớm đem lại hệ lụy vô cùng lớn làm ảnh hưởng không chỉ đến bản thân hai bên nam nữ mà còn ảnh hưởng đến người thân, gia đình cũng như cho xã hội ở cả hiện tại và tương lai. Bởi lẽ, tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác.



Bên cạnh đó, khi kết hôn sớm trẻ em sẽ không được nghỉ ngơi và thư giãn, không được tham gia vui chơi, tham gia những hoạt động giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, cản trở họ được tiếp thu những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em.
Tảo hôn khiến khả năng tìm kiếm việc làm, kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội do ảnh hưởng của chất lượng dân số, khi mà tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội.
Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau; Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).
Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá…) mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời. Ngoài ra, hôn nhân cận huyết còn ảnh hưởng không tốt đến văn hóa, đạo đức gia đình, phá vỡ và làm xói mòn giá trị truyền thống văn hóa gia đình tốt đẹp của dân tộc ta.
Những chế tài xử lý về tình trạng này
Theo quy định pháp luật người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, căn cứ Điều 47 (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110… về xử phạt về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời…".
Về xử lý hình sự, tùy theo mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng như: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145, BLHS 2015); Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181, BLHS); Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183; BLHS); Tội loạn luân (Điều 184, BLHS)…
Có thể nói, vấn nạn tảo hôn đã cướp đi quyền được học, vui chơi; cướp đi sự trong trắng, vô tư của các em, nhất là các em gái, buộc họ phải sống trong sự chiếm đoạt cả về thể xác và tâm hồn, trong sự đói nghèo, ít hiểu biết với bao nguy cơ về sức khỏe. Cùng với nạn tảo hôn, tập quán hôn nhân cận huyết thống cũng đang ngấm ngầm dẫn đến những căn bệnh do xung đột gen gây nên. Việc tìm ra nguyên nhân, hệ quả và các giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là việc làm cần thiết, cấp bách vì tương lai nòi giống của chúng ta..
Để giảm thiểu tình trạng này, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật, kết hợp với xử lý theo hương ước, quy ước; tăng cường tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, những hệ lụy mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… ở nhà trường để ngăn chặn tình trạng bỏ học về lấy chồng. Đặc biệt, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức từ chính các bậc phụ huynh để có sự quan tâm hơn đến công tác giáo dục con cái, nhất là giai đoạn bắt đầu trưởng thành cần kịp thời giáo dục, uốn nắn các em.
                                                                                                                Nhân nghĩa
                                                                                                  Nguồn: Báo Gia đình&Xã hội
 

THÔNG BÁO

TIN ẢNH

THĂM DÒ Ý KIẾN

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
 
 
 

Thông tin liên hệ

Copyright © 2015 UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai 
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178- Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai