LIÊN KẾT WEBSITE


 

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

 
Điện thoại:  0982628881    
Email:daksomei.dakdoa@gialai.gov.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 2
Tổng lượt truy cập: 7
Số người on-line: 1

Một số nghệ thuật lãnh đạo và những đặc trưng cơ bản của nhà lãnh đạo, quản lý.

Ngày đăng bài: 20/02/2021
Lê Huỳnh Lai
Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
       Nghệ thuật lãnh đạo là tài vận dụng linh hoạt, sáng tạo trí thức, kinh nghiệm, phương pháp lãnh đạo nhằm khơi dậy cảm xúc và sự cam kết ở đổi tượng lãnh đạo cùng hành động vì mục tiêu chung. Nghệ thuật lãnh đạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khó có thể xây dựng thành một khuôn mẫu mà chỉ có thể đúc kết được từ những sự kiện, cá nhân cụ thể trong lịch sử cũng như hiện tại.


Về những đặc trưng cơ bản:
Tính khoa học: Nghệ thuật lãnh đạo gắn liền với kinh nghiệm lãnh đạo nhưng phải trên cơ sở lý luận khoa học. Người lãnh đạo phải nắm vững lý luận lãnh đạo hiện đại mới có thể hình thành nghệ thuật lãnh đạo thực sự.
Tính sáng tạo: Sức sống của nghệ thuật lãnh đạo chính là ở chỗ sáng tạo, không cố sáng tạo thi không có nghệ thuật lãnh đạo. Do đặc điểm tính sáng tạo của nghệ thuật lãnh đạo, không nên dựa vào “sách vở, cấp trên” hay dựa vào kinh nghiệm của người khác mà chỉ có thể dựa vào trực giác, trí tưởng lượng của người lãnh đạo được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học và kinh nghiệm phong phú để tiến hành công việc một cách sáng tạo.
Tính kinh nghiệm: Nếu không trải qua thực tiễn lãnh đạo, không chú trọng tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo phong phú thì cũng không thể nói đến nghệ thuật lãnh đạo.
Tính linh hoạt: Nghệ thuật lãnh đạo không có đáp án duy nhất, không có một mô thức cố định. Người lãnh đạo phải biết tùy người, tùy việc, tùy hoàn cảnh để áp dụng biện pháp thích hợp, đạt hiệu quả cao.Sự trì trệ, máy móc, giáo điều trong nhận thức và trong hành động không thể có được nghệ thuật lãnh đạo.
Tính thực tiễn: Nghệ thuật lãnh đạo không phải từ trên trời rơi xuống, mà cũng không nằm ngoài khả năng và cuộc sống của con người, phục vụ cuộc sống của con nguôi. Muốn có nghệ thuật lãnh đạo, phải xuất phát từ cái thực: nghĩ thực, nói thực, làm thực, sống thực.



Như nhiều nhà cách mạng chân chính, Lênin hiểu rõ tầm quan trọng của trí tuệ.Người cho rằng trí thức chính là “niềm tự hào vĩ đại của nhân loại”. Nhưng những kiến thức khoa học nếu bị những kẻ có đặc quyền, những lực lượng thống trị phản động kiềm chế và sử dụng, thì sẽ trở thành vũ khí để nô dịch quần chúng, Cách mạng vô sản phải có nhiệm vụ giành lại vũ khí đó vì sự nghiệp giải phóng con người: “Những người lao động khao khát có tri thức, vì tri thức cần cho họ để chiến thắng, tri thức góp phần lớn lao vào việc phát triển lực lượng sản xuất lên một chất lượng mới. Do vậy “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được, vì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng để đi đến một năng suất lao động lớn hơn năng suất chủ nghĩa tư bản dựa trên cơ sở những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được”.
Theo quan điểm của V.I.Lênin, trình độ lý luận cách mạng là một thành tố quan trọng nhất của bản lĩnh chính trị người đảng viên cộng sản. Bởi, nếu không có lý luận cách mạng soi đường sẽ dẫn đến nguy cơ sai lầm về đường lối và nguy cơ quan liêu, thoái hóa biến chất trong đội ngũ đảng viên. Người khẳng định: “Không thể có một đảng xã hội chủ nghĩa (XHCN) vững mạnh, nếu không có lý luận cách mạng để đoàn kết tất cả những người XHCN lại, để họ rút ra từ trong lý luận đó tất cả những tín điều của họ và đem áp dụng lý luận đó vào những phương pháp đấu tranh và phương pháp hành động của họ”
Thực tiễn cách mạng thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh tính đúng đắn của Lênin về vai trò của trí thức, Bác Hồ thấm nhuần tư tưởng này. Người nói những câu nổi tiếng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”
Đi theo con đường của Lê-nin, vượt lên hạn chế của nhiều người cùng thời, Hồ Chí Minh từ rất sớm đã khẳng định: “... muốn cách mệnh thành công thì... phải có đảng vững bền”, “... cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Người đã nói một cách mạnh mẽ, dứt khoát: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng hơn 89 năm qua, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học.Đảng xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp, của dân tộc.Tuy nhiên, hiện tại, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm.Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu...
Gần đây, chính do một bộ phận cán bộ, đảng viên “coi khinh lý luận”, thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất. Thậm chí không ít trường hợp “quay đầu” phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng; là “nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời và phát triển trước hết ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất trên thế giới, phản ánh một giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa.Lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới đã chứng minh sự ảnh hưởng về mặt chính trị của các cuộc cách mạng công nghiệp đối với đời sống chính trị thế giới và đời sống chính trị của từng quốc gia dân tộc. Thêm vào đó, các nước tư bản đế quốc cũng muốn lợi dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi dụng ưu thế của Internet, các mạng xã hội, thực hiện diễn biến hòa bình thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đội ngũ trí thức Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đảng viên là lực lượng xung kích trong việc nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, đội ngũ trí thức Việt Nam cũng là lực lượng quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Là lực lượng chủ chốt trong nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng.
Mặt khác Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nền văn hóa Việt Nam cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh cơ hội học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa đa dạng trên thế giới, nền văn hóa Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Dựa trên nền tảng kết nối Internet và công nghệ thông tin, đã mở rộng sự kết nối, giao tiếp giữa các nền văn hóa trên thế giới, có xu hướng làm mờ đi ranh giới giữa các dân tộc về văn hóa. Quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa cũng được đẩy nhanh trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, các nước lớn cũng gia tăng ảnh hưởng về chính trị và văn hóa lên mọi quốc gia, dân tộc nhỏ. Trong bối cảnh đó, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam là một nhiệm vụ sống còn, giúp đất nước tiếp tục phát triển, mà không bị hòa tan vào các nền văn hóa lớn của thế giới.
Trí thức Việt Nam, cụ thể hơn là đội ngũ cán bộ Đảng viên với những phẩm chất và chức năng vốn có của mình sẽ là lực lượng quan trọng cùng với toàn thể nhân dân lao động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đội ngũ trí thức Việt Nam được thực hiện bằng nhiều hoạt động như: đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ những hiện tượng “văn hóa” ngoại lai không phù hợp, những hiện tượng “phản văn hóa”; phổ biến, giáo dục và bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc; khôi phục các giá trị văn hóa đang bị mai một.
Đứng trước những khó khăn, thách thức trên, trong thời gian qua Bộ Chính trị đã ban hành những văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác cán bộ (khâu yếu nhất trong công tác Xây dựng Đảng) như Quy định số Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Với những quy định nêu trên  đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; không dao động trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức căn bản của Đảng; nâng cao cảnh giác cách mạng, ngăn ngừa và kiên quyết khắc phục những lệch lạc, sai lầm cả trong nhận thức và hành động để bảo vệ vai trò, uy tín chính trị của Đảng ta.
Với những cơ sở lý luận về khoa học lãnh đạo cũng như thực tiễn trong 89 năm hình thành và phát triển của đảng ta, có thể nhận thấy Bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của người cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có; nó được hun đúc, hình thành, thử thách và nâng cao qua hoạt động thực tiễn.Trong Báo cáo chính trị Đại hội XII, Đảng ta đã nêu rõ: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp”. Do đó, việc tiếp tục quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh vận dụng thực hiện quan điểm của Đảng vào thực tiễn của mỗi tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, cũng chính là biểu hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của V.I.Lênin về nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của người cộng sản, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Do đó quan điểm của lãnh tụ thiên tài Lê Nin: “ Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết của tất cả các kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra” là nhận định hoàn toàn đúng đắn và có giá trị thời đại. Giá trị ấy đã được chủ tịch HCM tiếp thu, phát triển sáng tạo và đến thời đại hôm nay chúng ta cần phải tiếp tục sự nghiệp vĩ đại ấy.

THÔNG BÁO

TIN ẢNH

THĂM DÒ Ý KIẾN

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
 
 
 

Thông tin liên hệ

Copyright © 2015 UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai 
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178- Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai