HUYỆN ĐAK ĐOA SẢN XUẤT RAU MÀU THEO HƯỚNG HÀNG HÓA BỀN VỮNG

12/08/2021
        Những năm gần đây, huyện Đak Đoa đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác thế mạnh về đất đai, khí hậu trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, tạo ra sản phẩm rau an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài huyện.

Hình ảnh: Cán bộ và người dân huyện Đak Đoa tham quan mô hình
sản xuất rau an toàn tại xã Tân Bình
       Thời gian qua, huyện Đak Đoa đã khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất rau màu, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất rau màu hiệu quả theo hướng luân canh, chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh để tạo ra các sản  an toàn, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời tích cực đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất; khuyến khích nông dân lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, giúp tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, huyện Đak Đoa còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây rau màu vào trồng trên các chân ruộng sản xuất lúa thường xuyên bị hạn, nhằm tạo ra cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm các thiệt hai do thiên tai, nắng hạn gây ra.
        Đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 686 ha chuyên canh rau màu; trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Bình, Ia Băng, KDang, Hà Bầu và thị trấn Đak Đoa, nhiều loại rau màu được trồng luân canh, như cà chua, mướp đắng, bắp sú, rau cải... Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nên các diện tích rau màu của bà con nông dân phát triển tốt, năng suất thu hoạch bình quân đạt từ 9 tấn đến trên 9,5 tấn rau củ quả/ha/vụ, với giá bán bình quân từ 3 nghìn đồng đến trên 10 nghìn đồng/kg tùy vào từng thời điểm và loại rau màu, trừ chi phí sản xuất, nông dân có thu nhập từ 120 triệu đến trên 145 triệu đồng/ha/năm.
        Gia đình chị Nguyễn Thị Thành, thôn Iaklai, xã Ia Băng có trên 7 sào chuyên sản xuất rau màu theo hình thức gối vụ với nhiều loại rau, củ, quả khác nhau, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 100 triệu đồng. Chị Thành, nói: “Nhà tôi trước đây làm cà phê nhưng sau khi cà phê già cỗi, hai vợ chồng đã quyết định chuyển qua trồng cây rau màu, chủ yếu trồng dưa leo, cà chua, đậu ve... nay mong chính quyền, các cơ quan tìm nguồn ra ổn định cho người dân để có động lực để làm nhiều hơn vì rau màu ở đây người nông dân chuyên làm rau sạch, rau an toàn nữa nên mong có một đầu ra ổn định để có thêm thu nhập”.
        Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động bà con nông dân mở rộng diện tích sản xuất rau màu, huyện còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, từng bước tạo thương hiệu cho vùng sản xuất rau an toàn của địa phương và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một số  nông hội sản xuất rau an toàn, theo hướng hữu cơ được thành lập tại xã Tân Bình, Ia Băng với trên 20 ha chuyên sản xuất các loại rau màu như dưa leo, cà chua, đậu ve,  khổ qua, cà rốt, bắp sú... phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện với sản lượng ổn định, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, đã và đang tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.
        Bà Huỳnh Thị Ánh Vi-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đak Đoa, cho biết: “Để đưa nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển bền vững, thời gian qua, UBND luôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền vận động ngươi dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, nông nghiệp sạch để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đặc biệt là rau màu, đã hình thành nên các vùng sản xuất rau theo hướng an toàn, tạo ra những sản phẩm an toàn có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường”.
       Quy hoạch, mở rộng diện tích sản xuất rau màu, đặc biệt là rau sạch, rau an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa của huyện Đak Đoa là bước đi phù hợp, nhằm đưa nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển bền vững, từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn, chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường./.
 
                                                                                  Ngọc Định-Trung tâm VHTTTT

CÁC TIN KHÁC

  1         ...