Huyện Đak Đoa: Lan toả phong trào sống “tốt đời - đẹp đạo”

29/09/2021
       Những năm qua, huyện Đak Đoa thường xuyên quan tâm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo tại địa phương, gắn với tuyên truyền vận động đồng bào các tôn giáo chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, tích cực thực hiện sống “tốt đời - đẹp đạo”.
       Ông Lương Nam Xuất Thế - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đak Đoa cho biết: “Địa bàn huyện có 4 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài. Toàn huyện có 20 cơ sở thờ tự các tôn giáo, hơn 300 chức sắc và chức việc, tổng số đồng bào các tôn giáo khoảng hơn 70.000 người. Thời gian qua, Phòng Nội vụ đã thực hiện chức năng tham mưu cho UBND huyện quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo tại địa phương, triển khai các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo và các quy định pháp luật liên quan về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo”.

Ảnh: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa tổ chức gặp mặt thân mật
và tặng quà đại biểu chức việc các tôn giáo dịp Tết Tân Sửu đầu năm 2021.
       Bên cạnh đó, vào dịp tết Nguyên Đán và lễ trọng của các tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương tổ chức thăm, tặng quà và gặp mặt thân mật các chức sắc, tu sỹ, đồng bào tôn giáo tiêu biểu. Qua đó, ghi nhận và biểu dương những thành quả trong hoạt động từ thiện và góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các xã, thị trấn trong huyện đã thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ các vị chức sắc, cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong các tôn giáo, thông qua họ để đoàn kết tập hợp đồng bào theo đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
       Đến thăm một số cơ sở tôn giáo thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam - Miền Nam tại huyện, Mục sư Uyên - thành viên Ban đại diện Tin lành tỉnh, quản nhiệm Chi hội Tin lành Plei Brel Dôr, xã Glar cho biết thêm: “Thời gian qua, chức sắc, chức việc và tín đồ tại Chi hội Plei Brel Dôr và các chi hội Tin lành đều chấp hành các quy định pháp luật liên quan về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các văn bản chỉ đạo của Ban Tôn giáo tỉnh và chính quyền địa phương, không tổ chức sinh hoạt tập trung, để góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Tại Chi hội Tin lành Kông Bréch, nơi có hơn 5.000 tín hữu đồng bào Bahnar sinh sống tại xã ADơk và xã Ia Pết sinh hoạt đạo, bà con theo đạo luôn đoàn kết trong sản xuất, đời sống, cũng như hoạt động tương thân tương ái. Trong Chi hội có nhiều tín hữu là hộ nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng cà phê, lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm. Họ cũng là những cá nhân tiêu biểu về sống tốt đời - đẹp đạo tại địa phương…
       Ở các vùng đồng bào theo đạo Công giáo, tiêu biểu như Giáo xứ Lệ Chí - xã Nam Yang nơi hiện có gần 3.000 giáo dân thuộc cụm xã Nam Yang và Hà Bầu sinh hoạt đạo. Bà con tin tưởng chấp hành các quy định pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo, yên tâm làm ăn ổn định đời sống và tham gia các hoạt động do địa phương triển khai... Hay tại Giáo xứ La Sơn thuộc xã Ia Băng, tiêu biểu có ông Trần Văn Quế - Trưởng Ban Chức việc là điển hình sống “tốt đời - đẹp đạo”. Ông đã tích cực tuyên truyền, vận động giáo dân tham gia chương trình tái canh cà phê do chính quyền triển khai. Theo Chủ tịch UBND xã Ia Băng Lê Văn Hùng: “Ông Trần Văn Quế đã vận động bà con giáo dân đóng góp hơn 10.000 ngày công, phối hợp cùng UBND xã  xây dựng nhiều km đường bê tông nông thôn, để việc đi lại của bà con được tiện lợi hơn, cùng chính quyền xã vận động hộ gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan sạch đẹp. Đồng thời, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt phong trào xây dựng khu dân cư không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã nhà”.
Đong-bao-Phat-giao-huyen-Đak-Đoa-tang-nha-nhan-ai-tai-xa-K’Dang.jpgẢnh: Đồng bào Phật giáo huyện Đak Đoa tặng nhà nhân ái tại xã K’Dang.
       Giai đoạn 2016-2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Đak Đoa tăng cường tuyên truyền hướng dẫn  đồng bào phật tử huyện nhà thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội, theo phương châm “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Tăng ni và phật tử địa phương thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Trong đó, tăng ni, phật tử ở các đơn vị gồm chùa Quảng Phước xã Tân Bình, chùa Thanh Trung thị trấn Đak Đoa, chùa Linh Sơn xã Nam Yang, chùa Bửu Tâm xã K’Dang, chùa Bửu Thành xã Ia Băng đã ủng hộ nguồn kinh phí và vật chất trị giá khoảng 3 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo, bệnh nhân về lương thực, thực phẩm, đồng thời đã xây tặng gần 10 căn nhà ở cho hộ nghèo... Riêng từ năm 2020 đến nay, các chùa còn tích cực tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt và ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
       Tiêu biểu các hoạt động an sinh xã hội trong đồng bào Phật giáo của huyện là chùa Thanh Trung. Xuất phát từ thực tế nhu cầu giao thông của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Kon Gang còn gặp khó khăn, đại đức Thích Đồng Lý - trụ trì chùa Thanh Trung đã đóng vai trò chính trong quá trình khảo sát thực tế, cũng như vận động bà con phật tử tại chùa góp kinh phí và tích cực liên hệ nguồn tài trợ của bà con phật tử Quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh, để tiến hành xây dựng chiếc cầu tràn giúp đồng bào xã Kon Gang. Mong ước thiện nguyện ấy rồi cũng đã trở thành hiện thực. Công trình cầu tràn được xây dựng ở vị trí bắc qua con suối thuộc địa bàn làng Kóp xã Kon Gang, kết cấu đúc bê tông cốt thép, dài gần 20m. Ông Đinh Bưch - một người dân, nguyên Trưởng ban công tác mặt trận làng Kóp phấn khởi bộc bạch: “Dân làng mình rất biết ơn nhà chùa đã quan tâm làm chiếc cầu tràn này giúp bà con, tạo thuận lợi cho người dân dân tại chỗ vào khu sản xuất, nhất là trong mùa mưa lũ, đồng thời vào mùa thu hoạch việc chở nông sản cũng dễ dàng thuận lợi, nên bà con phấn khởi lắm…”.
                                                       
                                                                                          Bài và ảnh: THANH NHẬT
 

CÁC TIN KHÁC

          9 ...