Huyện Đak Đoa: Sẵn sàng cho năm học mới

19/08/2021
       Dưới sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa, cùng các đơn vị trường học đã tập trung triển khai các mặt công tác chuẩn bị năm học mới.

Ảnh: Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép
vừa phòng, chống dịch Covid-19 và phấn đấu hoàn thành thắng lợi
các nhiệm vụ năm học mới 2021-2022.
       Ông Phạm Ngọc Hai - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa  cho biết: “Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện có 51 đơn vị nhà trường công lập, 808 lớp, với hơn 28.200 học sinh - trong đó bậc mầm non hơn 5.260 học sinh, tiểu học với hơn 13.900 học sinh, THCS  9.050 học sinh. Đến nay, các trường học của huyện đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học mới theo hình thức trực tuyến - trong đó, mầm non 2.578 học sinh, đạt 80% số trẻ hiện có trên địa bàn; tiểu học 2.936, đạt 99,3% số học sinh đúng độ tuổi trên địa bàn; THCS 2638 học sinh, đạt 99,5% số học sinh đúng độ tuổi trên địa bàn. Riêng mầm non tiếp tục công tác huy động trẻ đến giáp năm học mới”.
       Cũng theo ông Hai: “Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện có 1.243 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 114 cán bộ quản lý, cơ cấu đủ đáp ứng công tác quản trị nhà trường, không bổ nhiệm mới. Về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp cơ bản đáp ứng cho năm học mới. Toàn huyện có 721 phòng học và 72 phòng chức năng. Có 857 máy vi tính, 32 màn hình thông minh, 152 tivi màn hình lớn. Thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng tối thiểu yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mới (lớp 1, 2, lớp 6); các lớp còn lại sử dụng bộ thiết bị được cấp theo chương trình cũ. Thời gian hè, Phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường sửa chữa 24 phòng học ở các điểm trường để đưa vào sử dụng trong năm học. UBND huyện đã đầu tư mua 150 bộ máy vi tính phục vụ cho hoạt động dạy học môn Tin học lớp 6 đối với các trường chưa có phòng máy. Đồng thời mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 3 trường gồm Tiểu học Nam Yang, THCS Trần Phú, THCS Đak Krong”.  
       Trước thềm năm học mới, Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã và đang kêu gọi các mạnh thường quân; huy động các nguồn lực để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa cho các đơn vị trường học. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang hỗ trợ hơn 20 bộ bàn ghế học sinh lớp 1 cho Trường Tiểu học Glar 1, Trường UKA Pleiku hỗ trợ 134 bộ sách lớp 2 (cho học sinh dân tộc thiểu số). Nguồn hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 mua 562 bộ sách giáo khoa (lớp 2 và lớp 6), cùng một số nguồn khác đang tiếp tục triển khai.

GV-Tap-huan-chuyen-mon.png
Ảnh: Đội ngũ giáo viên Tiểu học tập huấn nghiệp vụ chương trình sách giáo khoa mới
       Tìm hiểu tại một số đơn vị, cô Phan Thị Thùy Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (Thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Trường đã tuyển sinh được 360 học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn thị trấn, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch đề ra. Một số học sinh dân tộc thiểu số ở làng Hlâm, làng Ngol chậm nắm bắt thông tin tuyển sinh, nên thầy cô giáo đã vào đến nhà thông báo nên các em đã nộp hồ sơ kịp thời gian quy định. Năm đầu tiên tuyển sinh trực tuyến nên các bậc cha, mẹ học sinh còn lúng túng trong việc đăng ký. Được nhà trường hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, nên các hồ sơ dự tuyển đã đăng ký thành công”.
       Cô Trang thông tin thêm: “Năm học mới, Trường có 37 lớp, với tổng số 1.660 học sinh, trong đó tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 17%. Toàn trường có tổng số 69 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trình độ chuyên môn đảm bảo quy định. Nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị mọi mặt cho năm học mới, đã tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 6, lập kế hoạch dạy học và phân công chủ nhiệm, phân công chuyên môn cho năm học mới. Nhà trường vận động học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn nộp hồ sơ dự tuyển lớp 6 đạt 100%. Đồng thời, đã sửa chữa bàn ghế, hệ thống điện, quạt ở các phòng học và phục vụ học tập, phân công GV các tổ bộ môn tiến hành dọn dẹp, sắp xếp bàn ghế, cắt cỏ, tỉa cành cây, chỉnh trang khuôn viên nhà trường để đón năm học mới. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp,  nhà trường đã trang bị máy đo thân nhiệt, máy rửa tay sát khuẩn, khẩu trang và tiếp tục thường xuyên tuyên truyền thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, lập kế hoạch dạy học trực tuyến cho học sinh nếu dịch bệnh còn kéo dài học sinh không thể đến trường...”.
       Đứng chân tại địa bàn có trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Trường Tiểu học Hà Bầu tuyển sinh lớp đầu cấp cho năm học mới được 155 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch đề ra. Năm học đầu tiên thực hiện tuyển sinh trực tuyến,  nên  gặp rất nhiều khó khăn, do vậy nhà trường triển khai kết hợp 2 hình thức vừa trực tuyến và truyền thống để phụ huynh bước đầu làm quen.
       Năm học mới, toàn trường có 26 lớp (trong đó có 12 lớp học 2 buổi/ngày là  học sinh lớp 1,2 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới), với tổng số 815 học sinh, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 94,2%. Toàn trường có tổng số 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai cho toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên khẩn trương các mặt công tác chuẩn bị cho năm học mới như thực hiện hoàn thành công tác chọn sách giáo khoa lớp 2 và tập huấn trực tuyến Chương trình giáo dục phổ thông mới (lớp 2), vận động phụ huynh mua sách giáo khoa lớp 1,2 đúng sách nhà trường đã chọn, triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, giáo viên theo kế hoạch, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới, triển khai công tác vệ sinh trường lớp sau thời gian nghỉ hè để phòng chống dịch bệnh Covid-19 làm theo khối lớp, phối hợp có phụ huynh hỗ trợ, củng cố lại ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và lên kế hoạch các phương án công tác phòng chống dịch, chuẩn bị các điều kiện các thiệt bị y tế như máy đo thân nhiệt, nước khử khuẩn, khẩu trang dự phòng, công tác vệ sinh phòng học. Xây dựng kế hoạch dạy học nếu thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020/CT-TT. Đồng thời, tiếp tục triển khai cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt công tác phòng chống dịch đúng quy định, tuyên truyện vận động phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định “5K”.

Sap-xep-sgk.png
Ảnh: Trường Tiểu học Nam Yang sắp xếp sách giáo khoa chuẩn bị năm học mới
       Thầy Nguyễn Công Đức - Hiệu trưởng cho biết thêm: “Những năm gần đây, nhà trường được sự quan tâm của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, cấp ủy và chính quyền địa phương đã góp phần thực hiện kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn Xã Nông thôn mới năm 2020 và bổ sung các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trường được xây dựng bổ sung nhà hiệu bộ và 3 phòng chức năng, nội thất tổng trị giá 2,6 tỷ đồng, làm cổng và 94 m tường rào và 3 nhà vệ sinh trị giá 700 triệu đồng, trang bị phòng tin học 28 bộ máy tính trị giá 320 đồng. Riêng trong dịp hè vừa qua, nhà trường đã tiến hành làm 367 m2 sân bê tông từ nguồn vốn tiết kiệm chi thường xuyên, xây dựng 1 nhà vệ sinh nguồn vốn huyện hỗ trợ, sữa chữa 21 bộ bàn ghế học sinh đã xuống cấp; nâng cấp đường truyền Internet, hệ thống camera nhà trường…”.
       Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc thực hiện dạy và học trực tuyến cho học sinh là vấn khó khăn, vì trên 90% học sinh dân tộc thiểu số, chưa được tiếp cận và sử dụng bao giờ máy vi tính. Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, để đầu tư mua sắm thiết bị cho con em không nhiều, hệ thống mạng Internet thiếu và chưa phủ khắp, chủ yếu kéo về trung tâm xã và 1 số trục đường chính liên thôn…Vì vậy, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng đề cường bài học và phiếu bài tập giao cho học sinh hàng tuần là chủ yếu, tính hiệu quả không cao. Công tác bồi dưỡng chính trị và chuyên môn theo kế hoạch. Riêng việc dạy và học theo chương trình giáo dục mới, năm học mới  nhà trường có 12 lớp học 2 buổi/ngày (6 lớp 1 và 6 lớp 2). Nhà trường chuẩn đủ phòng học thực hiện học 2 buổi/ ngày đối với lớp 1, 2 và tuyên truyền vận động phụ huynh mua sách giáo khoa để đảm các em đủ điều kiện học tập. Trường cũng mong muốn địa phương cho phép được hợp đồng 3 giáo viên văn hóa và 1 giáo viên Tiếng Anh  theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
       Trao đổi về  một số nhiệm vụ trọng tâm Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa thời gian tới, ông Phạm Ngọc Hai - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa nhấn mạnh: Các trường tập trung  triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, lớp 2, lớp 6  đảm bảo chất lượng, hiệu quả, cũng như tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chương trình đối với lớp 3 và 7 cho năm học sau. Chú trọng đổi mới công tác quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tố chức trong nhà trường, sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tố chức dạy học nhằm phát triến năng lực, phẩm chất học sinh…
Chuan-bi-nam-hoc-moi.pngẢnh: Các đơn vị trường học huyện Đak Đoa dọn vệ sinh chuẩn bị năm học mới
       Tiếp tục thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cẩu người học; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sỹ số học sinh vượt quá quy định để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình, đáp ứng mục tiêu giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Mặt khác, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiến nghị UBND huyện cho phép tuyển dụng lao động hợp đồng, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt đối với các môn tin học và môn ngoại ngữ; thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình giáo dục phố thông mới, bồi dưỡng nâng cao năng lực  cho giáo viên đáp ứng theo vị trí việc làm…
       Trưởng Phòng Phạm Ngọc Hai cũng đặc biệt lưu ý: Năm học 2021-2022 toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu tăng cường, tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch Covid-19, phấn đấu vượt mọi khó khăn để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao trong năm học mới…

                                                                                   Bài và ảnh: THANH NHẬT

 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...