Ảnh: Mô hình trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao
của người dân xã Đak sơmei, huyện Đak Đoa.
Nằm ở phía Bắc của huyện Đak Đoa, xã Đak sơmei có 1.444 hộ dân, trong đó trên 75% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, những năm trước đây đời sống của người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua xã Đak sơmei đã tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường phối hợp với các ba, ngành đoàn thể của huyện hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất, chăn nuôi; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong phát triển kinh tế, xã Đak sơmei luôn xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực, nên cùng với việc tập trung chăm sóc diện tích hiện có, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chủ động đưa các loại giống cà phê mới cho năng suất cao vào trồng trồng mới và trồng tái canh trên những diện tích cà phê đã già cỗi, kém hiệu quả và mở rộng diện tích sản xuất lúa nước để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Kết hợp trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu để tăng thêm nguồn thu nhập. Đến nay nhiều hộ dân trong xã Đak Sơmei đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và khai tiềm năng về đất đai, khí hậu của địa phương để xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2020 đến nay xã Đak Sơmei đã trồng mới và trồng tái canh trên 70ha cà phê bằng các loại giống mới cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của địa phương, như giống TR4, TR6; chuyển đổi được trên 50ha hồ tiêu bị bệnh và diện tích đất trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng chanh dây, cây dược liệu và các loại cây ăn quả; khai hoang mở rộng được trên 15ha lúa nước... Bằng sự cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất phát triển kinh tế, đến nay xã Đak Sơmei đã có trên 626ha lúa, rau màu và cây ngắn ngày, trên 2.003ha cây cây công nghiệp gồm cà phê, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả, chăn nuôi đàn gia súc gia cầm các loại trên 12.295 con. Cùng với đó, xã Đak Sơmei còn phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như: Dự án liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, Mô hình cánh đồng sản xuất lúa 1 giống chất lượng cao; mô hình trồng cây ăn quảvà thành lập Nông hội trồng cây ăn quả của xã với quy mô sản xuất trên 60ha. Từ đó đã giúp cho người dân trên địa bàn xã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Riêng năm 2022, xã Đak sơmei đã có 111 hộ thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Ông Dơm, Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa, cho biết: “Đặc thù của xã Đak sơmei là xã vùng III, xã đặc biệt khó khăn cho nên chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm phối hợp với các phòng, ban của huyện lãnh đạo chỉ đạo, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo, trong thời gian qua xã cũng đã chủ động tham mưu và phối hợp với phòng Nông nghiệp&PTNT huyện triển khai thực hiện một số mô hình trồng cây cà phê tái canh, mô hình sản xuất lúa vụ mùa... Đến thời điểm hiện tại thì đời sống của Nhân dân cũng đã ổn đinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn so với các năm trước nhờ vào sự hỗ trợ giống lúa, giống cây trồng của Nhà nước, phát triển giao thông thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho cây nông nghiệp trên địa bàn xã”.
Từng là hộ khó khăn, khi được hỗ trợ vay vốn để đầu tư chăm sóc cà phê và được tham gia mô hình cánh đồng sản xuất 01 giống lúa lai chất lượng cao, cộng với việc thay đổi nếp nghĩ cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên đến nay không chỉ thoát nghèo mà gia đình anh Lâm ở làng Đê Gỗ, xã Đak Sơmei đã trở thành hộ có kinh tế khá với trên 2,5ha cà phê, 8 sào lúa và chăn nuôi 4 con bò, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Lâm, nói: “Ngày trước đây thì dân làng rát khổ, giờ biết làm cà phê, làm hồ tiêu, làm chanh dây và được hỗ trợ giống lúa nữa bây giờ trong làng mình cũng ổn định, trong gia đình và cả làng Đê Gôh, Prasơmei bây giờ đều ổn định, ngày xưa chưa biết làm khổ lắm, giờ biết làm rồi nên rất ổn định, đều là nhờ cán bộ hướng dẫn cho mình và bà con”.
Rời xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa trong những ngày đầu năm mới 2023, đi giữa không gian mênh mông của những cánh đồng lúa đông xuân xanh mướt và những rẫy cà phê bạt ngàn đang bung hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngào ngạt và cảnh quanh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp với những ngôi nhà mới khang trang, chúng tôi cảm nhận được sự no ấm trong từng nóc nhà của người đồng bào Bahnar nơi đây. Với những thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế và nỗ lực vươn lên thoát nghèo sẽ là động lực để Nhân dân xã Đak sơmei vững tin trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương anh hùng Wừu ngày càng giàu đẹp./.
Ngọc Định-Trung tâm VHTTTT