HIỆU QUẢ KINH TẾ TỪ CÂY MẮC CA TẠI XÃ HẢI YANG
Ngày đăng bài: 16/09/2022
Qua quá trình trồng và chăm sóc, thấy cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, nên thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Hải Yang, huyện Đak Đoa đã mở rộng diện tích trồng cây mắc ca, tạo ra động lực mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Năm 2012, gia đình ông Ngô Mạnh Trường ở thôn 1 xã Hải Yang là một trong những hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai hỗ trợ giống cây mắc ca để thực hiện mô hình trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê già cỗi. Sau khi được hỗ trợ giống, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, gia đình ông đã trồng xen 50 cây mắc ca trên 3 sào cà phê, khi thu hoạch cho năng suất và giá bán cao, nên ông đã tự nhân giống và chuyển đổi diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Đến nay gia đình ông đã có trên 5 ha mắc đang cho kinh doanh, mỗi năm ông thu được từ 9 đến 12 tấn mắc ca hạt, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về trên 600 triệu đồng.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn 3, xã Hải Yang có trên 300 cây mắc ca trồng xen trong 3 ha cà phê. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc vườn cây, nên vườn mắc ca của gia đình phát triển tốt, dự tính trong năm 2022 sẽ thu được khoảng 3 tấn hạt. Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn 3 xã Hải Yang, huyện Đak Đoa nói: “Gia đình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê với tổng diện tích là 3 ha trồng được 300 cây và nhận thấy trồng xen cây mắc ca cũng có hiệu quả, thu nhập tính đến nay là năm thứ 9, năm ngoái thu được 2 tấn hạt, dự tính năm nay thu khoảng 3 tấn, tôi thấy cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê thì cây cà phê được che chắn gió, năng suất của cà phê và mắc ca đều được nâng lên. Tôi thấy người dân có thể trồng xen hoặc trồng độc canh cây mắc ca, tuy nhiên nếu trồng xen thì nó sẽ có hiệu quả cao hơn vì nó là cây chắn gió nên năng suất của vườn cà phê sẽ ổn định hơn”.

Hình ảnh: Hội viên cựu chiến binh huyện Đak Đoa tham quan
mô hình trồng mắc ca tại xã Hải Yang
Để phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian qua, xã Hải Yang đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện, của tỉnh tổ chức tập huấn đầu vườn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho bà con nông dân, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Cổ phần Bưu điện Liên Việt chi nhánh Mang Yang tư vấn, giới thiệu các gói cho vay đối với các hộ dân có nhu cầu về vốn vay đầu tư trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây mắc ca… Hiện nay trên địa bàn toàn xã có trên 40 ha cây mắc ca, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cà phê, hồ tiêu, trong đó có khoảng 15 ha đang cho kinh doanh và trên 25 ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Hầu hết diện tích cây mắc ca được bà con nông dân đầu tư căm sóc hợp lý, nên hầu hết các diện tích mắc ca phát triển tốt, năng suất suất bình quân đạt từ 1,8 tấn đến trên 2 tấn hạt khô/ha/năm. Với giá bán từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, người trồng mắc ca có thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt, chất lượng hạt mắc ca của xã Hải Yang được khách hàng đánh giá thơm ngon hơn mắc ca được trồng tại các địa phương khác và được nhiều thương lái đến thu mua, nên đầu ra rất ổn định.
Ông Nguyễn Tường Duy, Chủ tịch UBND xã Hải Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Trên địa bàn xã trong thời gian qua thì qua công tác tuyên truyền vận động và được sự quan tâm của các cấp các ngành về chuyển đổi một số cây trồng vật nuôi như tiêu, cà phê, trong đó nổi lên là cây mắc ca. Xã cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, Viện mắc ca Việt Nam đã định hướng và tập huấn về quy trình kỹ thuật để bà con chuyển đổi, trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con Nhân dân. Hiện nay trên địa bàn xã thì so với các diện tích cây trồng khác thì cây mắc ca có mức thu nhập ổn định và có chiều hướng phát triển kinh tế tốt hơn đối với đời sống của bà con Nhân dân”.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, hiện nay xã Hải Yang đang tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện, của tỉnh và Hiệp hội mắc ca Việt Nam, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ mắc ca cho bà con nông dân, đưa sản phẩm mắc ca của địa phương sớm đạt sản phẩm OCOP, trở thành sản phẩm nông nghiệp chất lượng đặc trưng của địa phương, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển bền vững./.
Ngọc Định –Trung tâm VHTTTT