Những năm gần đây nhiều nông dân ở xã Tân Bình, huyện Đak Đoa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng xen canh cây khoai môn sáp vàng trong vườn cà phê và hồ tiêu của gia đình anh Phạm Thế Lập ở thôn 2 đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Hình ảnh: Anh Phạm Thế Lập làm cỏ cho cây khoai môn và các loại cây trồng.
Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông in đại chúng, thấy mô hình trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên đầu năm 2020 anh Lập đã mạnh dạn trồng xen canh cây khoai môn sáp vàng trên diện tích 1,4 ha cà phê, hồ tiêu vừa trồng mới và trồng tái canh của gia đình. Theo anh Lập, cây môn sáp vàng thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, loại cây này có thể xuống giống quanh năm và trồng khoảng 6 đến 7 tháng là cho thu hoạch, khoai cho năng suất cao, lại không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê và hồ tiêu. Sau mỗi vụ canh tác, tùy từng thời điểm giá cả lên xuống, bình quân gia đình anh lập cũng thu được gần 50 triệu đồng từ trồng khoai môn sáp xen trong vườn cà phê, tiêu. Không chỉ trồng xen cây khoai môn, vợ chồng anh Lập còn trồng xen canh cây chanh dây, cây rau màu trong vườn cà phê, hồ tiêu để tăng thêm thu nhập trên cùng 1 diện tích sản xuất. Theo kinh nghiệm của anh Lập, hình thức trồng xen canh, đa canh sẽ tạo nên một lớp phủ thực vật giữ cho đất tránh khỏi tác động của tự nhiên như xói mòn, từ đó bảo vệ được cấu trúc đất trồng và điều hòa dinh dưỡng cho các loại cây trồng, giảm sâu bệnh hại và tăng thu nhập để lấy ngắn nuôi dài.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nên các loại cây trồng của gia đình anh Lập cho năng xuất cao. Với trên 1,4 ha đất sản xuất cà phê, hồ tiêu và trồng xen canh các loại cây trồng, mỗi năm gia đình anh Lập có thu nhập trên 250 triệu đồng. Anh Phạm Thế Lập, Thôn 2, xã Tân Bình, tâm sự: “Gia đình tôi có diện tích trồng cà phê 6 sào, trước kia trồng cà phê nhưng do đã già cỗi rồi nên phá đi đi trồng mới lại thâm canh cây cà phê và trồng xen canh thêm cây khoai môn để tăng thêm nguồn thu nhập, khi bắt đầu trồng khoai môn cũng sợ cây khoai môn bị rợp không cho củ đạt, nhưng sau khi trồng lên thấy cây phát triển tốt, 6 tháng sau cho thu hoạch năng suất củ đạt. Đất ở đây trồng cây môn sáp vàng thấy hiệu quả hơn so với ngày xưa người dân trồng cây môn sọ, tính ra giá trị kinh tế cây môn sọ cũng không cao bằng môn sáp vàng này”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lập còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong thôn, nhất là kỹ thuật trồng xen canh, đa canh cây trồng để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ông Lê Công Nguyên, Cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Tân Bình, nhận xét về mô hình kinh tế của anh Lập: “Hộ anh Phạm Thế Lập là một trong những hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian qua của địa phương. Đối với mô hình của anh Lập sau khi tái canh lại vườn cây cà phê, anh đã trồng xen cây chanh dây và tận dụng trụ để trồng cây hồ tiêu, và mô hình chính sau này là trồng cây cà phê, cây hồ tiêu và tận dụng quỹ đất trống ở dưới để trồng thêm cây môn sáp vàng. Với mô hình kinh tế này đã mang lại hiệu quả là đa dạng sản phẩm, tránh được rủi ro và tăng thêm lợi nhuận cho bà con nông dân”.
Trong tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản lên xuống thất thường và giảm sâu thì việc trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất như của gia đình anh Phạm Thế Lập là xu thế mà nông dân có thể áp dụng để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần đưa ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng bền vững./.
Ngọc Định – Trung tâm VHTTTT