Nhằm tạo sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua huyện Đak Đoa đã triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình khuyến nông. Trong đó, mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, tạo ra sản phẩm hồ tiêu sạch chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần bảo vệ môi trường.
Hình ảnh: Người nông dân đang thu hoạch diện tích hồ tiêu thuộc mô hình.
Mô hình thâm canh cây hồ tiêu bền vững được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp huyện Đak Đoa triển khai thực hiện từ tháng 8 năm 2020 đến năm 2022, với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng; trong đó nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của người dân trên 709 triệu đồng. Đây là mô hình thuộc Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững” của tỉnh Gia Lai. Mô hình triển khai tại xã Nam Yang và xã Hải Yang với quy mô 14 ha hồ tiêu và 70 hộ dân tham gia. Trong đó xã Nam Yang có 45 hộ tham gia với diện tích trên 09 ha và xã Hải Yang có 25 hộ dân tham gia với diện tích 05 ha. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, các hộ dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về thâm canh cây hồ tiêu bền vững, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh ... Nhờ áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, nên qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, các diện tích hồ tiêu trong mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại. Hơn nữa việc sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng cũng giúp cho bà con nông dân giảm khoảng 50% chi phí mua phân bón so với dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Cây tiêu cho nhiều quả, năng suất thu hoạch niên vụ 2021 đạt bình quân từ 2,5kg đến 3,5kg tiêu khô/trụ, tăng từ 15% đến trên 30% so với sản xuất hồ tiêu truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích. Niên vụ năm 2022 này, năng suất hồ tiêu của mô hình ước đạt khoảng 3kg tiêu khô/trụ. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân và tạo sự liên kết giữa các hộ tham gia Dự án với đơn vị thu mua sản phẩm hồ tiêu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Công ty OLAM Việt Nam hỗ trợ đồ bảo hộ lao động cho người dân trong quá trình chăm sóc vườn cây và ký cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất để tiến tới nhân rộng mô hình.
Anh Nguyễn Đình Vững, Thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa nói:“Trước kia gia đình trồng cà phê, hồ tiêu; hướng sản xuất trước kia do giá hồ tiêu tăng cao đột biến nên lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều nên cây hồ tiêu bị giảm sút càng ngày càng đi xuống. Từ khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng Nông nghiệp và PTNN huyện về làm liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững cho 45 hộ dân ở xã Nam Yang trong đó có gia đình tôi thì được Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc hồ tiêu bền vững bằng các loại phân vi sinh, tận dụng tàn dư thực vật, phân chuồng hoai mục thì cây hồ tiêu bền vững ngày càng phát triển tôi nhận thấy đây là dấu hiệu đáng mừng để cho bà con phát triển kinh tế”.
Mô hình thâm canh cây hồ tiêu bền vững đã và đang giúp bà con nông dân từng bước giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng và tiến tới sản xuất an toàn, bền vững. Ông Lê Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, bắt đầu từ năm 2020, để phát triển sản phẩm hồ tiêu bền vững trên địa bàn, nâng cao giá trị sản phẩm và sản phẩm OCOP của Đak Đoa phát triển trong những năm tiếp theo, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện nay thì diện tích hồ tiêu phát triển bền vững năng suất đạt khá cao so với diện tích không tham gia mô hình. Thì chủ trương của huyện là tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này để đảm bảo diện tích hồ tiêu trên địa bàn phát triển bền vững, nâng cao giá trị trong những năm tiếp theo”.
Từ hiệu quả của mô hình thâm canh cây hồ tiêu bền vững được triển khai trên địa bàn 2 xã Nam Yang và Hải Yang, huyện Đak Đoa đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai hướng dẫn bà con nông dân tích cực chăm sóc cây tiêu trên những diện tích đã tham gia mô hình theo hướng hữu cơ bền vững. Đồng thời tuyên truyền hướng dẫn nhân rộng ra các xã, thị trấn trong toàn huyện nhằm từng bước tạo ra các vùng chuyên canh hồ tiêu an toàn, chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường./.
Ngọc Định, Hồng viên – Trung tâm VHTTTT