Toàn huyện hiện có 2.795 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 895 hộ so với năm 2011. Các địa phương cơ sở có tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh giỏi đạt cao là: xã Đak Krong, Nam Yang, KDang, Ia băng, xã Trang và thị trấn Đak Đoa. Để giúp cho cán bộ, hội viên có thêm kinh nghiệm để áp dụng vào phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập; 3 năm qua, các cấp hội nông dân huyện Đak Đoa đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 34 lớp tập huấn khuyến nông, 86 lớp hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi như: Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê, hồ tiêu, phòng trừ bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và hội thảo về kỹ thuật sử dụng phân bón cho cây trồng cho hơn 36.000 lượt nông dân trên địa bàn trên địa bàn huyện. Phối hợp với trường cao đẳng nghề Gia Lai, mở 38 lớp dạy nghề cho 3.272 lao động nông thôn, gồm các nghề: xây dựng, máy nổ, điện dân dụng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu...Qua đó đã giúp cho cán bộ, hội viên, biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Ngô Văn Tiên, thôn 1, xã Nam Yang, là một trong những điển hình trong phong trào “ Sản xuất kinh doanh giỏi” nhiều năm liền. Hiện nay gia đình ông có 4 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh và 10.000 trụ tiêu. Nhờ nhanh nhạy trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào đầu tư chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hợp lý cho cà phê, hồ tiêu, nên vườn cây của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng xuất suất cao, hàng năm cho thu nhập khoảng 4 tỷ đồng. Với mức thu nhập này gia đình ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư cho con cái ăn học và tái sản xuất đạt hiệu quả.
Cũng giống như gia đình ông Tiên thôn 1 xã Nam Yang, gia đình anh Vũ Văn Giáp, thôn 2 xã Đak Krong cũng chọn cây cà phê, hồ tiêu làm chủ lực để phát triển kinh tế gia đình, ngoài ra anh còn đào ao thả cá và nuôi heo nái để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ban đầu vợ chồng anh trồng trên 1 ha cà phê. Dần dà tích cóp thêm vốn để mở rộng diện tích. Hiện gia đình anh có 4,5 ha cà phê kinh doanh, 900 trụ tiêu, trong đó có khoảng 600 trụ đã cho kinh doanh, hàng năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mà anh còn tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Lúc bình thường cũng có 4-5 người làm, lúc mùa vụ có khi lên tới gần 20 người làm công.
Anh Vũ Văn Giáp Thôn 2 , xã Đak Krong, huyện Đak Đoa tâm sự:
“Tôi vào đây từ năm 1994 lấy vợ sinh cơ lập nghiệp ở đất này đến năm 1999 cả 2 vợ chồng thấy cây cà phê có hiệu quả cao, 2 vợ chồng tôi bắt tay vào trồng cà phê. Năm 1999 hai vợ chồng tôi chồng được 1.300 cây cà phê, tôi thấy có hiệu quả và đến năm 2006 tôi tiếp tục trồng thêm được 1,5 ha nữa và đến năm 2013 tôi mua thêm được 1,5 ha cà phê nữa, tổng số hiện tại là gia đình tôi có gần 5.000 cây. Với số lượng giá cả như hiện nay bây giờ bình quân thu vào 700 – 800 triệu/ 1năm. Bên cạnh đó tôi cũng kết hợp chăn nuôi lợn và cá thu nhập trong gia đình hiện tại cũng đủ sống và năm vừa rồi tôi cũng trồng được trên 300 trụ tiêu”.
Cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giúp nông dân có thêm kiến thức kinh nghiệm để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, những năm qua, các cấp hội nông dân huyện còn hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vôn vay để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 3 năm qua các cấp hội đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện hướng dẫn cho hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay tổng dư nợ trên 78,8 tỷ đồng đã cho 5.670 hộ nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện thực hiện cho 8.247 hộ nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh, với tổng dự nợ 1.214 tỷ đồng, trong đó vay theo nghị định 41/2010/NĐ-CP là 581 tỷ đồng. Ngoài ra còn cho hội viên vay từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân : 767 triệu đồng. Nhìn chung các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích đã phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay để đầu tư sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho nhiều hội viên nông dân trong huyện có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Tổ chức hội thảo cho nông dân tham gia
Như gia đình ông Hyưn, thôn Đak Joh xã Đak Krong, là một hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình lại đông con, trước đây kinh tế khó khăn không có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, từ khi được hội nông dân tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi của ngân hành chính sách xã hội huyện, gia đình ông có vốn để đầu tư sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình ông đã có hơn 1 ha cà phê kinh doanh, 2 ha cao su tiểu điền, 6 sào lúa nước 2 vụ, chăn nuôi 10 con bò, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy ông có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.
.bmp.aspx)
Mô hình kinh tế gia dình ông Hyưn, thôn Đak Joh xã Đakkrong
Chị Vũ Thị Diệu Dung- Chủ tịch hội Nông dân xã Đak Krong cho biết: “Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của xã Đak Krong được hội viên nông dân tham gia hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn xã có 359 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó thu nhập bình quân hàng năm của mỗi hộ từ 50 đến 500 triệu đồng/ 1 năm. Qua đó góp phần đưa đời sống của hội viên được tăng lên”.
Trên đây chỉ là một trong số những điển hình trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi trên địa bàn toàn huyện thời gian qua. Ở mỗi người đều có cách làm riêng, nhưng họ đã giống nhau ở việc nắm bắt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sự cần mẫn, kiên trì và nghị lực cao về khả năng làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Bà Giang H’Đan Chủ tịch hội Nông dân huyện Đak Đoa cho biết thêm: “Phong trào hội nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu là một phong trào trọng tâm và xuyên suốt của TW hội nông dân Việt Nam phát động. Thực hiện phong trào này thì hội nông dân từ huyện đến cơ sở cũng đã phối hợp với các ngành để mà có hướng tổ chức tốt phong trào cũng như là mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hội viên nông dân và đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách và các ngân hàng thương mại để mà phất triển sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian vừa qua thì nông dân cũng đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển để cùng sản xuất kinh doanh. Qua đó có một số hộ có thu nhập cao. Để mà thực hiện tốt các phong trào này trong thời gian đến thì hội nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ mở các lớp hội thảo để hỗ trợ cho hội viên nông dân về khoc học kỹ thuật để phát triển sản xuất và phối hợp với các ngân hàng để cho nông dân được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh”.
Có thể nói phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp hội nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng năng xuất, sản lượng; phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo động lực phát triển nông thôn mới trên địa bàn./.
Phương An – Đài Đak Đoa