Glar - nơi hội tụ văn hóa của người Bahnar

20/07/2014
Xã Glar nằm về phía Nam, cách trung tâm huyện Đak Đoa 5,7km. Toàn xã có 10 thôn làng, với tổng dân số trên 10.060 khẩu, trong đó, dân tộc Bahnar chiếm 94% dân số toàn xã. Thời gian qua, cùng với việc phát triển kinh tế xã hội-giữ vững an ninh quốc phòng, chính quyền và người dân trong xã còn thường xuyên quan tâm đến việc gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình như văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và nghệ thuật khắc tượng,...
Có thể nói ở Glar cồng chiêng luôn được người dân bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Hiện xã vẫn còn lưu giữ được trên 20 bộ cồng chiêng và toàn xã có trên 200 nghệ nhân biết đánh cồng chiêng. Trong cuộc sống của người dân, cồng chiêng đóng một vai trò quan trọng, không chỉ là nhạc cụ mà là tài sản quý giá, vào các dịp lễ hội như bỏ mả, mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu,… thì không thể không có tiếng cồng tiếng chiêng. Toàn xã hiện thành lập được 4 đội cồng chiêng, trong đó có 1 đội cồng chiêng lứa tuổi thanh thiếu niên. Đội cồng chiêng của xã đã từng tham gia vào các sự kiện lớn của tỉnh và trung ương như tham gia biểu diển chào mừng đại hội dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2010 tại thủ đô Hà Nội, tham gia Festival cồng chiêng quốc tế năm 2011 tại Gia Lai. Ngoài ra, các nghệ nhân cồng chiêng của xã còn tham gia biểu diển trong các lễ hội lớn do huyện tổ chức. 

Có thể nói, cồng chiêng luôn được đồng bào các dân tộc Bahnar, Jrai ở Tây Nguyên nói chung và ở xã Glar nói riêng sử dụng như một “linh khí”, có chức năng thông linh, mang tâm tư, ý nguyện của con người, họ luôn coi cồng chiêng như là những gì linh thiêng nhất. Chính vì thế mà các nghệ nhân lớn tuổi trong xã luôn muốn truyền dạy cách đánh, kỹ năng đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ họ còn muốn lớp trẻ trong làng, trong xã duy trì và phát huy nhạc cụ cồng chiêng và các nhạc cụ khác của dân tộc Jrai, Bana như lớp cha, anh đi trước, mong muốn ngày càng có nhiều thanh niên biết đánh những bài chiêng cổ của dân tộc mình và coi cồng chiêng là một vật linh thiêng, là sợi dây nối liền con người và thần linh, là tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại để đem lại niềm vui, sự thăng hoa và niềm tin yêu cuộc sống, lòng tự hào dân tộc và là sợi dây kết nối các dân tộc lại với nhau. Cùng với bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, thì nghệ thuật tạc tượng cũng được người dân trong xã giữ gìn và phát huy, hiện xã còn trên 40 nghệ nhân biết tạc tượng, các nghệ nhân ở đây thường tạc được những bức tượng từ gỗ thành hình người đang lao động,  hình các con vật để phục vụ cho lễ bỏ mả, tượng nhà mồ. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh độc đáo của người dân Tây Nguyên.
 glarr-2.bmp
          Ông Alíp- Nghệ nhân đánh cồng chiêng xã Glar nói: “Để gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, những nghệ nhân chúng tôi luôn cố gắng truyền dạy lại cho các cháu trong xã, giá trị về văn hóa cồng chiêng, cũng như văn hóa truyền thống của dân tộc mình để các cháu luôn quý trọng và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc
             Không những cồng chiêng và nghệ thuật tạc tượng được người dân xã Glar gìn giữ và lưu truyền, mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển và là một trong số những địa phương đi đầu của huyện Đak Đoa trong việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đặc biệt, với việc thành lập và duy trì hoạt động của hợp tác xã dệt thổ cẩm của xã từ năm 2005 đến nay, đã tạo công ăn việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho hàng trăm chị em phụ nữ trong xã, tạo ra những sản phẩm giá trị mang đậm nét văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số tây nguyên.
 glarr-3.bmp
Sản phẩm dệt thổ cẩm Glar
 
Điều đáng quý là việc duy trì nghề dệt thổ cẩm được lãnh đạo xã quan tâm coi trọng và xem đây không chỉ đơn thuần bảo tồn các giá trị truyền thống của người dân bản địa, mà còn là cách giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Để giúp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh và nguồn ngân sách của huyện, Đak Đoa đã xây dựng nhà làm việc cho hợp tác xã, hỗ trợ khung chỉ và khung dệt để hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tổ các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề cho chị em. Đến nay, hợp tác xã dệt thổ cẩm của xã đã có trên 600 thành viên, trong đó 200 lao động là làm việc thường xuyên và trên 400 lao động làm việc vào lúc nông nhàn. Nhờ được đào tạo nghề kỹ, nên đến nay, tất cả các chị em trong hợp tác xã dệt thổ cẩm của xã đều đã dệt được nhiều loại sản phẩm hàng hóa đẹp, chất lượng và có giá trị cao như: Túi xách, khăn, ví, váy, áo, hộp đựng bút,… với những đường nét hoa văn tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó, đã tăng thêm thu nhập cho chị em, hiện nay, bình quân 1 tháng dệt đều đặn thì chị em có mức thu nhập trên 1.400.000 đồng. Khi được tận mắt xem những sản phẩm đã hoàn thiện của chị em xã viên chúng tôi mới thấy được sự tinh tế trong từng nét hoa văn của các sản phẩm. Ngoài các sản phẩm truyền thống như váy, áo, tấm địu em bé các chị còn tạo ra những sản phẩm mới hợp thời trang như túi các loại, ví, cặp sách, gối…đáp ứng thị hiếu của thị trường hiện nay. Các sản phẩm của chị em làm ra được tiêu thụ thường xuyên tập trung trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum và du khách thập phương.
 glarr-4.bmp
Phụ nữ Glar giăng chỉ dệt

 
 Nghệ nhân Mlop- chủ nhiệm hợp tác xã dệt thổ cẩm Glar cho biết: “Trước kia, dân tộc mình ai cũng đều biết dệt thổ cẩm, dệt khăn, dệt áo, sau đó, kinh tế không ổn định, rồi bông, len cũng thiếu, nhiều người đã bỏ nghề dệt. Tôi rất thích dệt thổ cẩm, tôi thấy nó rất có giá trị nên 1990 tôi đã đứng ra mở lớp dệt thổ cẩm dạy chị em dệt thổ cẩm. Đến năm 2006 Nhà nước mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho 50 chị em. Năm 2007 Nhà nước cho xây 1 nhà hợp tác xã để chị em tập trung học hỏi lẫn nhau. Đến nay đã có hơn 300 chị em biết dệt và thấy nghề đó cũng quý, sản phẩm mình làm ra quý và ai cũng thích làm để gìn giữ bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình”
          Không chỉ văn hoá cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm được người dân xã Glar gìn giữ và phát triển mà các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao ở Glar cũng phát triển mạnh và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt ở môn bóng đá, qua các đợt tham gia các giải của huyện, xã đã nhiều lần đạt được giải cao như: năm 2000 đội bóng xã Glar đạt giải B không chuyên toàn quốc, năm 2006 đội bóng của xã đạt giải nhất tỉnh, giải nhất giải bóng đá mùa xuân mở rộng huyện Đak Đoa năm 2009, rồi giải nhất giải bóng đá truyền thống huyện năm 2009 và nhiều giải thưởng khác. Đặc biệt hơn đội bóng đá xã Glar còn tham gia các giải bóng đá lớn và đạt được giải cao như giải nhất bóng đá dân tộc toàn tỉnh năm 2012, giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh khó khăn toàn quốc và đã 5 lần  đạt giải vô địch. Đội được vinh dự cử đi đá giao hữu tại Thái Lan và Malaisia đã góp phần vào thành thành tích thể thao của huyện và tỉnh trong thời gian qua. Để có được thành công trong phong trào thể dục thể thao như trên là cả sự nỗ lực cố gắng tập luyện của tập thể của đội bóng xã Glar. Với niềm đam mê, sự nhiệt tình thanh thiếu niên xã Glar đã đem về những thành tích cao trong phong trào thể dục thể thao, mà thế mạnh là môn bóng đá. Với họ thể thao không chỉ để luyện tập sức khỏe mà còn là cơ hội để được đi xa hơn, có cơ hội để giao lưu với bên ngoài.
           Trong thời gian tới cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế -văn hóa -xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương, xã sẽ triển khai và phân công những công việc cụ thể cho từng ban ngành và vận động người dân trong xã tích cực giữ gìn và  phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cồng chiêng, bảo vệ và giữ gìn các bộ chiêng ở các thôn làng cũng như tiếp tục mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thế các hệ trẻ xã nhà, mở rộng và đưa hợp tác xã dệt thổ cẩm của xã sản xuất theo chiều sâu, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy các phong trào văn hóa văn nghệ, cũng như truyền dạy và gìn giữ nghệ thuật khắc tượng ./.

                                                                            Phương An- Ngọc Định 

CÁC TIN KHÁC

    3       ...