Huyện Đak Đoa đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức của huyện

30/06/2014
Huyện Đak Đoa có 61.477 người đồng bào DTTS, chiếm 57% dân số toàn huyện, trong đó: dân tộc Bahnar 39.993 người chiếm 37%, dân tộc Jrai 20.954 người chiếm 19%, các dân tộc thiểu số khác 530 người chiếm 1%. Với điều kiện đó, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện đi công tác cơ sở ở các thôn, làng đồng bào còn gặp không ít khó khăn trong giao tiếp mà nguyên nhân là không biết tiếng dân tộc thiểu số. Hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa đã chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Bahnar cho cán bộ, công chức, viên chức; hàng năm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Bahnar theo kế hoạch tuyển sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.  Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 22/9/2011 về kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của huyện giai đoạn 2011-2015, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2015-2020. Kết quả, từ năm 2009 đến nay, huyện Đak Đoa đã đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Bahnar cho 251 học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan huyện, các xã, thị trấn và giáo viên trên địa bàn huyện.
Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Bahnar đã phát huy tốt hiệu quả. Do biết đọc, nói, nghe, giao tiếp bằng tiếng dân tộc Bahnar và hiểu biết được phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào nên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa có điều kiện tiếp cận, gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân; qua đó tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc mình; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thuận lợi và đạt hiệu quả hơn. Một số viên chức là giáo viên đã biết vận dụng vào công tác dạy và học cho học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em dễ tiếp thu, hòa đồng, gần gũi, mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập,…
Tuy nhiên,  công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức của huyện vẫn còn gặp không ít những khó khăn: đội ngũ giáo viên đứng lớp là giáo viên thỉnh giảng nên trình độ, phương pháp còn nhiều hạn chế; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa vận dụng được nhiều kiến thức vào thực tiễn công tác và cuộc sống; thời gian tổ chức lớp học tập trung ngoài giờ hành chính vào buổi tối nên học viên tham gia học tập không đều đặn, có trường hợp bỏ học, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo; chưa có chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức được đi đào tạo, bồi dưỡng,…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 11-CT/TU, ngày 13/3/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Jrai, Bahnar đối với cán bộ, công chức của tỉnh” nhằm nâng cao nhận thức trong việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức, viên chức; tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra chuyên môn, kiên quyết xử lý những vi phạm chuyên môn trong quá trình giảng dạy, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy chế học tập; nêu cao tinh thần tự học qua giao tiếp, qua các lần xuống địa bàn thôn, làng công tác để bổ sung vốn từ tiếng Bahnar, Jrai để phục vụ tốt hơn cho công tác.
                                                                                                               Vi Trúc

CÁC TIN KHÁC

  1         ...