ĐAK ĐOA, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, BUÔN BÁN, SỬ DỤNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP

31/03/2022
       Vật tư nông nghiệp có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chất lượng vật tư nông nghiệp nhất là các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước được cải thiện. 
       Tuy nhiên, hiện nay vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng còn xảy ra, một số sản phẩm nông sản còn tồn dư hóa chất độc hại, vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh sử dụng trong sản phẩm nông lâm thủy sản; buôn bán phân bón có hoạt chất đã cấm sử dụng đặc biệt là hoạt chất Glyphosate vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng nông sản hàng hóa. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa sâu rộng và kịp thời; một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các ngành chức năng chưa đồng bộ và thiếu kiên quyết.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
       Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa đã ban hành văn bản số 525/UBND-NL ngày 21/3/2022, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai một số nội dung cụ thể:
       Theo đó, UBND các xã, thị trấn: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản như: Luật trồng trọt năm 2018; Luật an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010; Luật Thú y năm 2015; Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về Quản lý phân bón; Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn vệ sinh thực phẩm; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV ngày 12/02/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/04/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam...; Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; chú trọng phổ biến Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định, Thông tư quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn biết để thực hiện đúng quy định của pháp luật; Khuyến cáo người dân sử dụng vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và chỉ nên mua tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh; Giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
       Bên cạnh đó, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, thị trấn các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông vật tư nông nghiệp, những cơ sở sản xuất, kinh doanh không chấp hành các quy định của pháp luật, những loại vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng; phản ánh kịp thời chính xác các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, đảm bảo đúng quy định, đồng thời nêu rõ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh kém chất lượng, giả, nhái, không rõ nguồn gốc đề người dân được biết, tránh mua và sử dụng vật tư nông nghiệp kém chất lượng; tổ chức rà soát, thống kê danh sách, kiểm tra hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý và báo cáo kết quả về UBND huyện (qua phòng Nông nghiệp và PTNT).
Phòng Nông nghiệp và PTNT: Tham mưu UBND huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi) trên địa bàn theo phân cấp quản lý đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 ban hành Quy định phân công, phân cấp cơ quan quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm sản thuộc phạm vi của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Gia Lai; phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý; giám sát chặt chẽ việc tổ chức Hội nghị, hội thảo, quảng bá, giới thiệu bán các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) của các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện sai phạm thì định chỉ ngay, xử lý vi phạm đúng pháp luật.      
       Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện việc cấp và quản lý giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi biết, chủ động áp dụng các giải pháp về phòng chống dịch bệnh gây hại trên đàn gia súc, gia cầm; Tăng cường công tác dự báo tình hình sản xuất, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trong vụ Mùa năm 2022 để người sản xuất, kinh doanh biết, chủ động nguồn vật tư đảm bảo chất lượng phục vụ cho sản xuất.; Khuyến cáo các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng địa phương để người sản xuất biết. Hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM trên cây trồng để người sản xuất áp dụng.
       Đội quản lý thị trường số 8: Phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, thuốc bảo vệ thực vật đã bị loại khỏi danh mục, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật có nhãn bằng tiếng nước ngoài bao gồm: các hóa chất bảo quản và kích thích sinh trưởng…) trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật./.
 
                                                                                        Nguyễn Nở-NNPTNT

CÁC TIN KHÁC

  1         ...