KHỞI SẮC Ở MỘT LÀNG QUÊ

04/06/2021
         Những năm qua, huyện  Đak Đoa đã lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số,từ đó đã tạo nên sự khởi sắc cho nhiều thôn, làng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
       Trong một dịp được tham gia tổ chức hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của người Jrai ở làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến làng là những con đường làng được làm bằng bê tông khang trang, sạch đẹp, những ngôi nhà của các hộ dân được xây kiên cố, với tường rào, cổng ngõ sạch đẹp. Lại đúng vào dịp bà con đang thu hoạch lúa đông xuân, trong những sân nhà, lúa vàng phơi đây sân, đã tạo nên cảnh quan của một làng quê khá trù phú, no đủ.

        Làng Bông, xã Hà Bầu hiện có 214 hộ, đa số là người Jrai, bà con trong làng hiện đang canh tác trên 210 ha cà phê, 40 hồ tiêu, trên 70 ha lúa và chăn nuôi 950 con gia súc, gia cầm các loại. Trong lao động sản xuất, người dân trong làng đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, biết đưa các loại giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi, nên thu nhập của các hộ dân trong làng cũng đạt khá, đời sống của người dân ngày một nâng lên, nhiều hộ dân có đời sống khá, tỷ lệ hộ nghèo của làng đã giảm dần theo từng năm, hiện nay làng Bông chỉ còn 02 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93%.
        Ông Sưu Dyưng, thôn Bông, xã Hà Bầu, cho biết: “Nói chung điều kiện kinh tế, điều kiện về cơ sở vật chất, văn hóa so với trước đây thì thôn cũng từng bước phát triển hơn. Về kinh tế chuyển đổi những cây trồng chủ lực như cây cà phê, lúa. Mấy năm gần đây các ngành hướng dẫn cho và con chuyển đổi các cây trồng như các cây ngắn ngày rau màu gì đấy, lấy ngắn nuôi dài như vậy nên đời sống của bà con từng ngày, từng bước được vươn lên”.
        Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, người dân làng Bông còn luôn đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, luôn nêu cao cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu, yên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế và chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và tích cực gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống. Trong làng hiện còn lưu giữ được 04 bộ chiêng và duy trì hoạt động của đội biểu diễn cồng chiêng, múa xoang. Trong các đợt liên hoan văn hóa cồng chiêng do xã, do huyện tổ chức, đội chiêng của làng luôn đạt thành tích cao. Bên cạnh đó làng vẫn còn duy trì được lễ cúng giọt nước là lễ hội truyền thống của người Bahnar, Jrai ở Tây nguyên nói chung và Đak Đoa nói riêng. Vào tháng 4 hằng năm, làng đều tổ chức Lễ cúng giọt nước để tạ ơn và xin thần linh cho nguồn nước sạch, dồi dào, cầu xin cho mọi người dân trong làng một năm sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, lúa thóc về đây kho, dân làng ấm no sung túc. Việc duy trì lễ hội đã tạo nên một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, lối sống cộng đồng của bà con trong làng.
         Ông  Bớt, Trưởng thôn Bông, xã Hà Bầu, cho biết: “Trong làng Bông mình làm ăn cũng biết hơn, làm cà phê, lúa, bà con cũng được tập huấn cũng nhiều, chuyển đổi cây trồng cũng khá hơn. Trong làng giờ làm ăn cũng đỡ hơn. Nhà tôi làm ăn cũng được được cũng đủ sống trong gia đình. Chủ yếu là trồng cà phê, trồng lúa, làm lúa đông xuân, làm lúa vụ mùa, chăn nuôi bò, lấy phân bờ chăm sóc cà phê, tiêu, cuộc sống cũng ổn”.
        Giờ đây, đời sống của các hộ dân trong làng Bông ngày càng sung túc hơn, người dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, chung tay xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
 
                                                           Phương An, Quốc Toản –Trung tâm VHTTTT
 

CÁC TIN KHÁC

    3       ...