THỰC TRẠNG, LỢI ÍCH VÀ CÁCH THỨC TRIỂN KHAI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÂN CẤP TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH.

04/10/2021
       Ngày 30/9/2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức cầu truyền hình trực tuyến, các đơn vị liên quan đến công tác giải quyết TTHC để triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

       Tại Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã cung cấp các nội dung về thực trạng phân cấp thẩm quyền trong giải quyết TTHC, lợi ích của việc phân cấp, cách thức triển khai xây dựng Đề án, yêu cầu đối với bộ, ngành, địa phương và một số hướng dẫn cơ bản trong việc rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp. Cụ thể:
       Về thực trạng phân cấp thẩm quyền trong giải quyết TTHC hiện nay: Theo số liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC thì tổng số TTHC thực hiện tại các bộ, cơ quan là trên 6800 TTHC, trong đó số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, cơ quan ngang bộ là 3835 TTHC, chiếm 56%; số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương là 1564 TTHC, chiếm 23%; số lượng TTHC thẩm quyền giải quyết thuộc ngành dọc của Trung ương tại địa phương (hải quan, thuế, công an, quân đội…) là 1458 TTHC, chiếm 21%. Như vậy, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương vẫn chiếm đa số so với địa phương.
       Lợi ích của việc phân cấp trong giải quyết TTHC là nhằm giúp chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống nhanh chóng, chính xác; Rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; Phân cấp thẩm quyền giải quyết gắn liền với đơn giản hóa quy trình, hồ sơ của TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết, tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; Tiết kiệm thời gian, chi phí cho đối tượng thực hiện TTHC, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
       Trong cách thức triển khai xây dựng Đề án thì việc rà soát phải bảo đảm khách quan, hiệu quả, thực hiện theo nguyên tắc Cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTHC tự rà soát và đề xuất phân cấp cho cấp dưới, đồng thời Cơ quan cấp dưới rà soát và đề xuất cấp trên phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC cho mình. Các bộ, ngành, địa phương sẽ điền biểu mẫu rà soát điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; hệ thống đồng bộ thông tin, dữ liệu về TTHC từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tổng hợp tự động, phân tích các thông tin, dữ liệu về tình hình, kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương.
       Yêu cầu đối với bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện mục tiêu đề xuất phân cấp ít nhất 20% TTHC là cần hiểu đúng, nắm vững, bám sát yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện. Chủ động, quyết liệt, tập trung nguồn lực; phát huy vai trò tổ chức, điều phối của cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, kịp thời phản ánh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ.
 
                                                                                           Nguồn: http://mic.gov.vn
                                                                                                Mỹ Lai-VHTT (t/hợp)

CÁC TIN KHÁC

  1         ...