Đak Đoa cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn I (2011 - 2015) và những giải pháp giai đoạn II (2016 - 2020)

16/07/2015
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020. Đến nay chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã đi qua nửa chặng đường. Công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Đak Đoa tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả; qua 5 năm huyện đã rà soát được 35 thủ tục hành chính; công bố, công khai là: 396 thủ tục (trong đó: cấp huyện 193 thủ tục, cấp xã 206 thủ tục); cơ chế một cửa tiếp tục được triển khai đồng bộ, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 251.784 hồ sơ (trong đó cấp huyện: 30.253 hồ sơ; cấp xã: 221.531 hồ sơ). Công tác cải cách bộ máy cũng được thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ với 13 cơ quan chuyên môn, 12 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, 55 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (tăng 01 cơ quan hành chính, 02 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện và giảm 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tăng 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc so với năm 2010), duy trì sự ổn định của bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện cũng không ngừng được nâng cao, kết quả từ năm 2010 đến nay đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng cho 5.198 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng (thạc sĩ 07, đại học 36 người, trung cấp chuyên môn 129 người, cao cấp LLCT 28 người, trung cấp LLCT 152 người, sơ cấp LLCT 262 người, bồi dưỡng quản lý ngạch chuyên viên cao cấp 01 người, bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính 07 người, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên 35 người, bổ túc văn hóa 299 người, bồi dưỡng tiếng dân tộc bahnar 257 người, tin học 130 người và bồi dưỡng nghiệp vụ 3898 lượt người). Đối với công tác cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, hầu hết huyện, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đều đã thực hiện triển khai đồng bộ theo các quy định của tỉnh, sở ban ngành của tỉnh; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính từng bước được đẩy mạnh, hoạt động các cơ quan đều được công khai lên trang thông tin điện tử UBND huyện; các đơn vị tích cực triển khai sử dụng hệ thống “Văn phòng điện tử”, “Một cửa điện tử”, thư điện tử công vụ và duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 vào trong công việc hành chính gắn với kiểm soát TTHC đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, đây là những cơ sở ban đầu, tạo thuận lợi để góp phần thực hiện chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo.

cchc-1.JPG
Ảnh: Bộ phận tiếp nhận và giao trả hồ sơ của huyện Đak Đoa

 
Những kết quả đó cho thấy mặt tích cực của cải cách hành chính trên địa bàn huyện trong 5 năm qua. Song những hạn chế yếu kém cũng bộc lộ không ít, thể hiện ở những điểm cụ thể sau: thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực công việc vẫn còn rườm rà; tính ổn định, đồng bộ của một số văn bản pháp luật chưa cao đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện thủ tục hành chính không chỉ đối với nhân dân, tổ chức mà cả đối với cán bộ, công chức; hồ sơ giải quyết chưa đúng hẹn vẫn còn nhiều; xử lý công việc còn rập khuôn, máy móc, kết quả xử lý còn chậm trễ; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức không theo quy hoạch, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa có kế hoạch tổng thể và sát với yêu cầu thực tế, chưa có kế hoạch đào tạo chuyên môn cho cán bộ không chuyên trách ở xã và cán bộ nguồn để bổ sung, thay thế; kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa gắn được với nhu cầu sử dụng bố trí cán bộ, công chức. Kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học còn thấp, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vị trí vai trò của công tác cải cách hành chính; tính sáng tạo, sáng kiến cải cách hành chính chưa nhiều.
 
Để thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn 5 năm tới (2015 – 2020), đòi hỏi phải khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên và tập trung vào các phương hướng và giải pháp sau: Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan Nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xác định nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt mô hình một cửa điện tử tiến dần đến một cửa hiện đại; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và nêu gương điển hình đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
 
Tổng hợp: Minh Vũ

CÁC TIN KHÁC

  1         ...