Xã Glar phát triển nghề dệt thổ cẩm

27/08/2020
Tranh thủ những lúc nông nhàn, các chị em thuộc nhiều lứa tuổi ở xã GLa huyện Đak Đoa lại miệt mài bên khung dệt để làm nên những sản phẩm bắt mắt. Không chỉ giúp chị em có thêm niềm vui trong cuộc sống, duy trì được nghề truyền thống của đồng bào, mà còn có thêm thu nhập. Đây là 1 trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

 

Tính đến nay, bà Mlop đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Đây là nghề được truyền từ bà, từ mẹ và trở thành niềm tự hào của những người phụ nữ Bana từ bao đời nay. Chính vì vậy, được gắn bó với nghề và được trao truyền, tiếp lửa nghề truyền thống cho các thế hệ trẻ trong làng, trong xã chính là dịp để bà thỏa niềm đam mê và sức sáng tạo với nghề.

Bà Mlop – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ: “Hồi trước mình học từ mẹ, chị sau này mình dạy lại cho con cháu trong làng để nghề dệt  không bị mai một, ngày càng phát triển”.

Qua sự tận tụy truyền nghề của bà Mlop đến nay, HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar, huyện Đak Đoa đã thu hút hơn 100 thành viên tham gia. Trong đó, người nhỏ nhất gần 10 tuổi, lớn nhất là 70 tuổi. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, chị em lại dệt ở nhà hay tập trung tại nhà dệt, đồng thời cũng là nhà trưng bày của xã để miệt mài bên khung cửi, tỉ mẫn trong từng nét hoa văn nhằm làm ra những chiếc khăn, chiếc áo, chiếc váy, chiếc khố, cái mền, túi xách .. Từ chỗ chỉ làm những sản phẩm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình đến nay, sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng về mẫu mã và chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đặt hàng. Vì làm bằng thủ công, tốn nhiều thời gian nên mỗi chiếc túi có giá từ 100.000 đến 300.000 đồng; bộ váy áo trẻ con có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng; bộ váy áo người lớn có giá từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng.

 Chị Mơih – Thôn 2, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai cũng nói: “Mình dệt từ lúc 7 tuổi, dệt túi, ví, mấy cái khăn. Mình thích công việc này, thích dệt, mình tranh thủ vừa đi làm xong rồi về dệt để có thêm thu nhập”.

Bà Mlop – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết thêm: “ Chủ yếu bên Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum dặt mua, nhiều nơi ở Gia Lai cũng đặt mua. Nếu bán được thì giúp chị em có tiền, có thêm thu nhập, giúp mình giữ được nghề truyền thống và có thêm động lực để tạo thêm nhiều hoa văn”.

Ngoài sự kiên trì, tỉ mẫn, nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi phải có sự đam mê và sáng tạo. Theo nghệ nhân Mlop, phải mất cả chục năm mới có được người kế nghiệp thực thụ. Đây cũng chính là những người đồng hành cùng bà truyền lửa cho những thế hệ trẻ sau này, qua đó góp phần giữ nghề truyền thống và làm phong phú thêm mẫu mã, hoa văn, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng./.

Thiên Thanh, Minh Trung

CÁC TIN KHÁC

  1