ĐAK ĐOA: KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “DÂN VẬN KHÉO” TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

13/09/2019
        Xác định rõ công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự nhận thức về công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và của toàn xã hội; Ngày 11/8/2000, Thường vụ Bộ Chính trị ban hành Công văn số 4626-CV/VPTW về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện “Ngày Dân vận của cả nước”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị, ngày 22/8/2000, Ban Dân vận Trung ương đã triển khai Kế hoạch số 03-KH/BDVTW “Về việc tiến hành Ngày Dân vận của cả nước và Kỷ niệm 70 năm truyền thống công tác Dân vận của Đảng” với các nội dung, hình thức và phương pháp “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

        Năm 2009, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, tiếp tục mở rộng hình thức vận động quần chúng nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Ðảng. Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/02/2009 về việc tổ chức phong trào thi đua này giai đoạn 2009-2010 và Hướng dẫn số 151-HD/BDVTW ngày 27/4/2009 về tiêu chí cơ bản đánh giá điển hình “Dân vận khéo”.
        Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban dân vận Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 40-KH/BDVTU, ngày 11/3/2009 về tổ chức hoạt động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa đã ban hành Công văn số 362-CV/HU, ngày 17/6/2009 về việc “Tổ chức phong trào thi đua và xây dựng mô hình, điển hình Dân vận khéo”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai đến cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và được phổ biển rộng rãi đến mọi người dân trên địa bàn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
        Việc phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế của huyện gắn với việc triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, nhất là chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tận dụng tối đa các nguồn vốn của tỉnh, huyện và các nguốn vốn khác từ nhân dân để triển khai xây dựng các mô hình. Nhiều mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn huyện như: Mô hình “Phân công giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo” theo Kế hoạch số 48-KH/HU, ngày 25/5/2009 của Huyện ủy; trong đó đã phân công cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện và các đồng chí là Huyện ủy viên, cán bộ chủ chốt của huyện phụ trách giúp đỡ hộ nghèo. Kết quả sau 05 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 48-KH/HU của Huyện ủy, các TCCS Đảng, các đồng chí Huyện ủy viên, cán bộ chủ chốt của huyện đăng ký giúp đỡ 4.836 hộ nghèo, trong đó có 3.912 hộ đồng bào DTTS, chiếm 80,89 % số hộ được giúp đỡ. Kết quả có 1.963/4.836 hộ nghèo được giúp đỡ đã thoát nghèo, đạt 40,59%, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình “xóa đói, giảm nghèo” trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn nhiều mô hình khác như: Mô hình “kết nghĩa giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, trường học, doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn huyện tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng” theo Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 16/01/2014 của Huyện ủy; mô hình đối thoại với nhân dân vào ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần; mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa hộ người kinh có vốn, có kinh nghiệm sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất với hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất nhưng thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm sản xuất; mô hình kết nghĩa giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, trường học, doanh nghiệp Nhà nước đứng chân trên địa bàn huyện với các thôn, làng đồng bào DTTS; mô hình tổ tự quản ở các thôn làng, tổ dân phố, thực hiện tự quản về lao động sản xuất, giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”.... Qua thực hiện các mô hình trên đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thực lực chính trị tại các thôn, làng, từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong sản xuất như xã Tân Bình, xã Kdang, xã Glar, xã Nam Yang, xã Hneng, Hải Yang và xã Đak Krong đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động để hội viên và nhân dân hiểu rõ, quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới; Bà TIL - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Bia Bre, xã Ia Pết có thành tích xuất sắc trong công tác vận động chị em hội viên thực hiện tốt “Hũ gạo tiết kiệm” để kịp thời thăm hỏi ốm đau, tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình….
         Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác như: Chương trình lai cải tạo đàn bò tại các xã, thị trấn; Mô hình nuôi bò lai sinh sản 10 hộ tại xã Đak Sơmei; Mô hình nuôi gà sao 15 hộ tại xã Trang, Hnol; Hỗ trợ giống cá nuôi trong ao, hồ hộ gia đình cho 50 hộ tại xã Hà Đông; Mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ 15 hộ tại Tân Bình và Thị trấn; Mô hình trồng cây ăn quả (sầu riêng , bơ) trong cà phê tại 10 xã; Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Hà Đông; Mô hình chăn nuôi gà thả vườn tại xã Đak Sơmei,...
         Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần phát triển các loại hình trang trại có hiệu quả kinh tế cao như: Hộ ông Ngô Văn Tiên ở xã Nam Yang, có 05 ha tiêu kinh doanh (10.000 trụ), 4ha cà phê cho thu nhập khoảng 4.000 triệu đồng/năm, hàng năm tạo công ăn việc làm thường xuyên 30-40 lao động, giúp đỡ, hướng dẫn các khó khăn, hộ nghèo phát triển sản xuất, kết nghĩa với 01 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Hộ ông Nguyễn Quốc Sáu ở xã Trang có 4ha cà phê, 2ha tiêu, 6ha cao su cho thu nhập hàng năm trên 2.000 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 10- 20 lao động; Hộ ông Nguyễn Ngọc Hùng ở xã Hải Yang, mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp: kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với sản xuất 02ha cà phê, 1.400 trụ tiêu, cho thu nhập trên 1.500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15- 20 lao động thường xuyên, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 100 nông dân; Hộ ông Vũ Xuân Giáp ở xã Đak Krong với mô hình trang trại tổng hợp: 5ha cà phê, 350 trụ tiêu, 1.000 m2 ao cá và chăn nuôi heo nái cho thu nhập (trừ chi phí) 700 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15- 20 lao động; Hộ ông Thong là dân tộc Bahnar ở xã Hnol nhờ vay vốn của Ngân hàng CSXH và hỗ trợ khoa học kỹ thuật của nhà nước, đã đầu tư từng bước, đến nay đã phát triển được 1ha hồ tiêu, 02 ha cà phê và chăn nuôi bò, gia cầm cho thu nhập ổn định hàng năm trên 400 triệu đồng (trừ chi phí); Hộ ông Angưh ở xã Trang, có mô hình trang trại chăn nuôi 100 con bò kết hợp với sản xuất 2ha cà phê cho thu nhập hàng năm (trừ chi phí)  trên 400 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Đức Thuận, thôn 1, xã Hải Yang mô hình trang trại tổng hợp, gồm: 1,5 ha chanh dây, 02 ha cà phê, 01 ha hồ tiêu cho thu nhập 1.500 triệu đồng/năm,... trong đó nổi bật nhất là các mô hình trong chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã vận động 15 hộ hiến 3.000m2 đất để làm đường nội thôn tại làng Wom - xã Trang; vận động nhân dân tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công và hơn 700 triệu đồng để lắp đặt đường điện chiếu sáng liên xã, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, làm hàng rào tại trường tiểu học ở xã Trang; vận động nhân dân đóng góp hơn 950 triệu đồng và 60 ngày công để nâng cấp, sửa chữa liên thôn, nội đồng và xây nhà sinh hoạt cộng đồng, lắp điện chiếu sáng tại các tuyến đường liên thôn; ngoài ra, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như:  Hội Nông dân xã ADơk vận động nhân dân tự nguyện đóng góp trên 300 triệu đồng và 15.000m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, từng bước xây dựng nông thôn mới; Hội Cựu chiến binh xã Đak Krong thực hiện câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hội viên, xóa nghèo nhanh, bền vững, quản lý vốn vay hiệu quả; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Pết thực hiện tốt mô hình giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình; Tổ dân vận thôn Cầu Vàng - KDang thực hiện tốt trong việc vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.
        Trong 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã vận động nhân dân tự nguyện bỏ công sức, tiền của tham gia xây dựng nông thôn mới, với số tiền mặt khoảng 1.039 triệu đồng, 185.929 ngày công lao động, hiến 58.910m2 đất. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới là: Nam Yang, Tân Bình, KDang, Glar, Hneng.
        Qua việc triển khai phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, kết hợp với việc tập trung triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiêu biểu đối với việc phát triển kinh tế hộ gia đình, kết hợp sản xuất và chăn nuôi đem lại nguồn lợi tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Thông qua việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế đã giúp người nông dân nắm bắt được kỹ thuật canh tác mới áp dụng vào sản xuất, dần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả,… qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
 
                                                                       Ánh Trinh - PNV

CÁC TIN KHÁC

  1         ...