ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐAK ĐOA 66 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

21/10/2016
Đảng bộ huyện Đak Đoa được thành lập ngày 20/10/1950, tiền thân là Đảng bộ huyện Plei Kon. Khi mới được thành lập, Đảng bộ huyện có 7 chi bộ với 50 đảng viên. Ngay sau khi được thành lập, Ban cán sự Đảng bộ huyện đã nhanh chóng đi vào ổn định tổ chức, xây dựng thực lực chính trị, hình thành lên các tổ chức Đảng từ xã đến các thôn làng.

Ra đời và phát triển trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn ít ỏi, vì vậy Đảng bộ huyện luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ Đảng từ xã đến các thôn làng để nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi bộ Đảng đối với các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Nhờ vậy mà từ một Đảng bộ khi mới thành lập chỉ có 50 đảng viên, sinh hoạt trong 7 chi bộ Đảng và sau khi chia tách một phần để thành lập huyện mới lấy tên là huyện 6, huyện 3(tên mới của huyện Plei Kon) chỉ còn lại 20 đảng viên. Đến năm 1965, Đảng bộ huyện đã có hơn 100 đảng viên, hầu hết các xã đều có Chi bộ Đảng, nhiều làng có Chi bộ trực tiếp lãnh đạo. Sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, tháng 11/1976, huyện 3 và huyện 6 sát nhập thành huyện mới lấy tên là huyện Mang Yang. Lúc này toàn Đảng bộ huyện có 588 đảng viên và 27 tổ chức cơ sở Đảng. 15/24 xã, thị trấn có Chi bộ Đảng. Nhưng chỉ sau 1 năm(cuối năm 1976), 23/24 xã, thị trấn trong huyện đã có tổ chức cơ sở Đảng(trong đó có 6 đảng bộ, 17 chi bộ), 12 Chi bộ cơ quan và 30 thôn làng có Chi bộ đảng, với tổng số 639 đảng viên toàn huyện. Đến tháng 9/2010, thực hiện Nghị định 37/2000/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Mang Yang chia tách thành 2 huyện Mang Yang và Đak Đoa. Lúc này huyện Đak Đoa còn lại 14 xã và 1 thị trấn, với 152 thôn, làng, tổ dân phố; Đảng bộ huyện có 7 Đảng bộ và 31 chi bộ cơ sở và 867 đảng viên. 16 năm sau khi chia tách huyện Mang Yang thành 2 huyện Đak Đoa và Mang Yang, đến nay, toàn Đảng bộ huyện Đak Đoa đã có 52 tổ chức cơ sở Đảng và 1.892 đảng viên. 156/156 thôn, làng có chi bộ độc lập, trong đó có 41/156 chi bộ có cấp ủy.
Cùng với sự phát triển không ngừng về bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đảng bộ huyện luôn kịp thời đề ra những chủ trương, nhiệm vụ phù hợp với từng thời kỳ cách mạng của địa phương, như: “động viên toàn Đảng bộ và quân dân trong huyện, quyết tâm phá banh hoàn toàn các ấp chiến lược, ra sức xây dựng thực lực, củng cố mạnh vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nâng cao mọi mặt nhân dân vùng ta”; “tăng cường lực lượng mọi mặt, đẩy mạnh hơn nữa ba mũi giáp tấn công, chống kế hoạch bình định cấp tốc của địch. Ra sức giữ vững vùng căn cứ bất hợp pháp” trong thời kỳ chiến tranh. Hay “tất cả cho sản xuất, cho chủ nghĩa xã hội, cho tổ quốc giàu mạnh và hạnh phúc của nhân dân”, “xây dựng huyện Mang Yang thành huyện Lâm-nông-công nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” trong những năm đầu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Với chủ trương này huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh khai hoang, xây dựng đồng ruộng, làm các công trình thuỷ lợi, mở rộng diện tích sản xuất cây lúa nước và từ đây đã hình thành lên công trường khai hoang Bờ Ngoong, hình mẫu trong cả tỉnh những năm đầu giải phóng. Đến đại hội lầng thứ IX của Đảng bộ huyện(  tháng 9/1986), đại hội mang dấu ấn của chặng đường đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và nhiệm vụ chung được xác định là: “ổn định đời sống nhân dân, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và phần lớn thực phẩm, đẩy nhanh nhịp độ tổ chức lại sản xuất, khai thác nhanh về tiềm năng, trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, hàng xuất khẩu, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng sản xuất tự sản tự tiêu, tạo ra chuyển biến đáng kể về sản xuất hàng hóa, tăng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, hoàn thành cơ bản định canh-định cư đồng bào dân tộc, có ruộng lúa nước, nghề rừng, kinh tế vườn…”. Đến Đại hội lần thứ X của Đảng bộ huyện đã (tháng 4-1989) đã đánh giá tổng quát những thành công của huyện sau hai năm thực hiện đường lối đổi mới, đó là: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, biết vận dụng các nghị quyết của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của huyện. Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung đời sống nhân dân được ổn định, không để nạn đói xảy ra, nhiều vùng có bước phát triển, nhất là các vùng có đường giao thông thuận lợi, tiến hành có kết quả công tác định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới. Sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa…”. Đến giai đoạn từ năm 1991-2000,  kinh tế-xã hội của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc: Tổng giá trị sản phẩm tăng bình quân hàng năm đạt 15%; sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng cả về qui mô lẫn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ sản xuất nhỏ đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa và đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng. Sau khi chia tách huyện(Tháng 9/2000), ngay trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ huyện, với Nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: “lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh sản xuất trong huyện, đưa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết của Đảng bộ vào thực tiễn”, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế theo lợi thế của từng ngành, từng vùng; quan tâm đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật nhất trong giai đoạn này là Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển kinh tế-xã Hà Đông giai đoạn 2003-2006. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Huyện đã đầu tư trên 26 tỷ đồng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng cư sở, như điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, ổn định định canh-định cư. Đến nay, các công trình hạ tầng cơ sở của xã đã cơ bản ổn định, đời sống của đồng bào trong xã đã từng bước được nâng lên, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33,7% theo tiêu chí cũ. Trong toàn huyện, 100% các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định định canh-định cư. Các công trình cơ sở hạ tầng, như: điện-đường-trường-trạm vùng nông thôn được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện 100% thôn làng đã có điện thắp sáng. Đường giao thông nông thôn đã từng bước được nhựa hóa, bê tông hóa, đi lại thuận lợi. Đời sống kinh tế xã hội của người dân trong huyện ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm chỉ còn 17,62% theo tiêu chí mới.
39.png
Với những chủ trương, định hướng đúng đắn, Đảng bộ huyện đã và đang lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, quân và dân các dân tộc trong huyện thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đến nay, toàn huyện đã có 3/16 xã được công nhận xã NTM.
Từ những thành quả đã đạt được trong 66 năm xây qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đak Đoa đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra để xây dựng huyện Đak Đoa ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, viết tiếp những trang sử hào hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong huyện trong thời kỳ đổi mới và hội nhập./.
Thu Hoài

CÁC TIN KHÁC

  1         ...