ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐAK ĐOA QUAN TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

03/11/2016
Hà Đông là một xã đặc biệt khó khăn của huyện, với 100% dân số là người dân tộc Bahnar. Xã có 5 làng nằm tựa lưng bên những sườn núi và nhìn ra con suối Đak Pơkei. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các cấp, thông qua các chương trình 132, 134, 135, 167 và các chương trình, dự án khác, đã đầu tư mạnh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng: điện-đường-trường-trạm; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ nhân dân trong sản xuất…, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân và bước đầu đã làm thay đổi được diện mạo của nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Cách đây hơn 10 năm, đời sống kinh tế xã hội của đồng bào Bahnar ở xã Hà Đông còn rất nhiều khó khăn, phong tục tập quán sản xuất lạc hậu, đồng bào trong xã chỉ biết sản xuất cây lúa nước một vụ, trồng lúa rẫy, cây ngô, cây mì, nuôi con heo, con gà theo kiểu thả rông phó mặc cho tự nhiên. Vì vậy mà mức thu nhập của các hộ dân rất thấp, đời sống kinh tế-xã hội của bà con trong xã hết sức khó khăn,  toàn xã có trên 60% số hộ thuộc diện đói nghèo. Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào trong xã, từng bước xóa đói, giảm nghèo, Ban Thường vụ huyện ủy Đak Đoa (khóa XIII) đã từng có Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội cho xã Hà Đông. Từ Nghị quyết này, huyện đã tập trung đầu tư cho việc hỗ trợ dân lập vườn, ổn định định canh- định cư; mở rộng diện tích sản xuất cây lúa nước nhất là sản xuất lúa trong vụ đông xuân, bảo đảm ổn định lương thực tại chỗ cho người dân, đồng thời vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất chăn nuôi để nâng cao mức thu nhập, giúp người dân dần ổn định cuộc sống. 
6.png
Để từng bước chuyển đổi được tập quán sản xuất của đồng bào và hỗ trợ cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đưa nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi vào triển khai cho bà con nông dân trong xã thực hiện, như: mô hình trồng đậu xanh, trồng gừng, trồng cây chuối mốc trên đất dốc, trồng rau xanh, mô hình vườn ươm giống cây bời lời; mô hình nuôi nhốt heo giống địa phương, nuôi dê, nuôi dúi, nuôi gà ta thả vườn, nuôi bò lai,… Khi đưa các mô hình vào cho bà con triển khai thực hiện, ngoài việc cấp hỗ trợ giống, phân bón, các cơ quan chuyên môn của huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, qua đó đã giúp cho bà con nông dân trong xã dần dần tiếp cận được với khoa học công nghệ để áp dụng vào quá trình sản xuất, nâng cao được năng suất cây trồng, vật nuôi. Anh Thol, làng Kon Pơ Dram, xã Hà Đông nói: “trước đây bà con mình có thói quen làm lúa rẫy, năng suất thấp, làm vất vả nhưng không đủ ăn. Những năm gần đây, được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, nhà nước hỗ trợ giống và phân bón, bà con mình dần dần thay thế cây lúa rẫy, tích cực khai hoang ruộng để trồng lúa nước. Bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nay bà con mình đã biết trồng lúa nước, biết áp dụng giống lúa mới năng suất cao”.
Từ chỗ bà con chỉ biết trồng cây lúa rẫy, cây mì, đến nay đồng bào trong xã đã biết sản xuất cây lúa nước 2 vụ, trồng đậu đỗ, rau xanh các loại, biết đưa một số loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như cây cao su, bời lời. Đến nay, xã có diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 1.000 ha, sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 1.400 tấn, đảm bảo được nguồn lương thực tại chỗ cho nhân dân trong xã. Toàn xã cũng đã có 645ha cây bời lời, 61ha cao su tiểu điền. Trong chăn nuôi, ngoài những con vật nuôi truyền thống là heo địa phương và gà, nhiều hộ đã nuôi được bò lai, nuôi dê và tận dụng các ao hồ để nuôi cá. Xã cũng đã có đàn gia súc, gia cầm trên 4.000 con.
Cùng với việc tập trung hỗ trợ người dân trong phát sản xuất, huyện còn kết hợp các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án của Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2006 đến nay, huyện đã đầu tư gần 60 tỷ đồng cho xã Hà Đông để thực hiện bê tông hóa và sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình thoát nước qua suối, các công trình thủy lợi, hệ thống nước tự chảy; xây dựng trường học; hỗ trợ xây dựng 306 nhà ở dân cư cho các hộ nghèo trong xã. Đặc biệt là đã thực hiện bê tông hóa được tuyến từ xã Đak Sơ Mei đi Hà Đông, tạo thuận lợi trong giao thông đi lại và thông thương hàng hóa của nhân dân trong xã.
7.png
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ giãn dân, tách hộ ở làng là Kon Pơ Dram, Kon Nat, Kon Ma Har ổn định về nhà ở và phát triển sản xuất, năm 2015 tỉnh đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm trường học mầm non, hệ thống nước tự chảy, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống điện sinh hoạt; hỗ trợ xây dựng nhà ở và phát triển sản xuất cho 67 hộ chuyển lên ở khu định canh, định cư mới gần trung tâm hành chính của xã. Anh Yăn, làng Kon Pram, xã Hà Đông bày tỏ: “Tôi ở làng Kon Pơ Dram, ở trong gia đình thì đông người, cảm ơn xã đã cấp cho tôi lô đất để làm nhà, cảm ơn chính quyền. Sắp tới tôi sẻ cố gắng làm ăn tốt hơn trước”.
8.png

Bằng sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của nhân dân trong xã, bộ mặt nông thôn và đời sống kinh tế xã hội của nhân dân Hà Đông đã có những bước phát triển đáng kể. Nói về sự phát triển của địa phương, ông Chiên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Hà Đông là xã đặc biệt khó khăn, nhìn chung mấy năm qua nhờ sự hổ trợ của Nhà nước, điện đường trường trạm được đảm bảo.Riêng về phát triển kinh tế xã Hà Đông được sự quan tâm của huyện tổ chức tập huấn cho người dân thì hiện nay người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật về trồng  trọt. Nhìn chung thì bộ mặt của xã cũng được phát triển tỉ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói.
Nếu ai đã từng đến Hà Đông cách đây gần mười năm về trước thì hôm nay về với Hà Đông hẳn sẽ thấy được sự thay đổi rõ ràng. Đường vào Hà Đông đã thênh thang rộng mở, khác hẳn với cảnh phải đánh vật với lầy lội bùn đất hôm nào. Trường học và trụ sở xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Trên những vùng đất đồi bạc màu lưa thưa những cây mì trước kia, nay đã là những vườn cao su, bời lời xanh tốt. Những thửa đất hoang ven suối nay đã là những ruộng lúa đông xuân xanh mướt và bên trong các thôn, làng, nhà ở dân cư được xây dựng khang trang hơn, nhưng vẫn giữ được những nét bản sắc của làng người dân tộc thiểu số. Đồng bào Bahnar ở các làng trong xã luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với những kết quả đã đạt được và đặc biệt là dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng nói chung và Đảng bộ huyện nói riêng, bằng những bước đi thích hợp và sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành, Hà Đông sẽ vững bước đi lên trên con đường  xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng ./.
Thu Hoài 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...