Đak Đoa chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

11/08/2021
       Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đak Đoa đang chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

        Theo các chuyên gia y tế, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Không chỉ vậy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
        Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đak Đoa có tổng dân số là 126.777 người, trong đó Dân tộc thiểu số có 72.145 người chiếm 56,91% dân số huyện. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 74 thôn, làng thuộc 15 xã, thị trấn của  huyện.
       Trước tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây hậu quả về nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống, huyện Đak Đoa đã tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II)” trên địa bàn huyện. Theo đó, mục đích của Kế hoạch đưa ra là triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg; Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
       Đối tượng trọng tâm là: Thanh niên, vị thành niên (nam/nữ) là người DTTS chưa kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Phụ huynh học sinh, cha mẹ của nam nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên; Cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền, ngăn ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở vùng DTTS; Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS; Các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia thực hiện Đề án. Thành viên Câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân của 17 xã, thị trấn.
       Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch này là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân. Cụ thể là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên mục, tin, bài trên báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình, trang thông tin điện tử và trên hệ thống thông tin cơ sở; Duy trì hoạt động của các Mô hình điểm, các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn. Bên cạnh đó là việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm.
        Ngoài ra cũng chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời pháp hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (xử phạt hành chính hoặc hình sự nêu gương).
         Với những mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể, Đak Đoa kỳ vọng đến năm 2025 sẽ cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện.
         
                                                                                            Minh Minh – Phòng Dân tộc

CÁC TIN KHÁC

  1         ...