Đảng bộ huyện Đak Đoa tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo

03/08/2015
Với điều kiện của một huyện có trên 80% dân số nằm ở khu vực nông thôn và tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm gần 50% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Đak Đoa đã tập trung triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh các loại cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, cao su. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 13.200 ha cà phê, trên 10.000ha cao su và trên 1.100ha tiêu, các loại cây trồng chủ lực này đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện luôn chú trọng đến việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều mô hình đã được nhân rộng làm cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Trong 5 năm ( 2010-2015), huyện đã áp dụng và triển khai 15 mô hình khuyến nông cho nông dân, với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ 630 triệu đồng, với các mô hình như: nuôi nhím, lợn rừng lai, chim đà điểu, lai cải tạo đàn bò, trồng đậu xanh, trồng khoai lang trên chân ruộng lúa nước bị hạn, trồng chuối mốc trên đất dốc, trồng cây chống sói mòn... Các mô hình khuyến nông triển khai đạt hiệu quả và nhân rộng đã góp phần làm thay đổi  nếp nghĩ  cách làm của bà con nông dân và nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Ông A Môm, thôn I, xã Glar phấn khởi tâm sự: Trước kia tôi nuôi bò địa phương nhưng trọng lượng nó nhỏ chậm phát triển nên hiệu quả nó thấp. Từ khi được trạm khuyến nông tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ bò đực giống, tôi đã mạnh dạn nuôi bò lai. Tôi đã nuôi bò lai được 5 năm và kết quả cho thấy bò lai nuôi cũng dễ giống như bò địa phương cũng cho ăn rơm, rạ, cỏ và chăn thả ngoài đồng nhưng trọng lượng bò lai lớn phát triển nhanh nên đem lại hiệu quả cao rất nhiều so với bò địa phương. Gia đình tôi năm nào cũng có bán bò lai một con bò lai khoảng 3 tháng tuổi bán được 12 triệu”.
 

đang-bo-2-(2).bmp
Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng cũng có bước phát triển nhanh, với mức tăng trưởng bình quân đạt 11,5%/năm, đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.153 tỷ đồng, tăng gấp 2,12 lần so với năm 2010. Thương mại-dịch vụ tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2015 ước đạt 1.600 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Đak Đoa đã lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho chương trình xây dựng nông thôn mới với nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác và tích cực huy động sức dân để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ước đạt 1.142 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách  320 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án 33,2 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 205 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 28,7 tỷ đồng và vốn trong dân trên 553 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình đường giao thông, trường học... 
đang-bo-3.bmp
Nhiều hộ dân ở các xã Nam Yang, Tân Bình, xã Trang, Ia Pết, Kon Gang đã cùng  nhau góp vốn  hàng tỷ đồng để lắp bình hạ thế, kéo đường điện 3 pha đến khu vực sản xuất phục vụ  tưới tiêu cho các loại cây trồng. Ông Đoàn Thâm, thôn 1, xã Nam Yang cho biết: “Khi đã hiểu rõ được tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới thì bản thân tôi cùng gia đình vận động bà con, nói chung là đã tham gia đóng góp trong chương trình giao thông nông thôn, gia đình cũng đóng góp khoảng 7 đến 8 triệu đồng trong vấn đề làm đường giao thông nông thôn và để phục vụ chương trình tưới tiêu, bản thân cũng có hạ một trạm biến áp 250kv để phục vụ tưới tiêu cho gia đình và cho bà con láng giềng gần đó, nói chung ai có diện tích gần đó thì người ta sẽ đóng góp tiền vào để người ta tưới tiêu trong thời gian vừa qua. Trạm biến áp làm hơn 1 năm nay, vận hành rất là tốt”.

Đến cuối năm 2014,  huyện đã có 2 xã được công nhận đạt xã nông thôn mới là Tân Bình và Nam Yang. Các xã còn lại đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Là một trong 2 xã đạt chuẩn NTM, trong 4 năm ( 2011-2014), xã Nam Yang  đã huy động nguồn vốn trong dân được trên 108 tỷ 600 triệu đồng để cùng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xây dựng các công trình trường học, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xã,  xây dựng nhà ở dân cư, đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế và đã thực hiện đạt tất cả các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn 1 năm. Ông Huỳnh Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa, sự nỗ lực, tích cực đoàn kết của hệ thống chính trị xã Nam Yang, cùng sự tích cực của nhân dân trong toàn xã cũng đã xây dựng nền kinh tế xã nhà từng bước phát triển với những điều kiện phù hợp với địa phương. Hiện nay thì thu nhập bình quân đầu người của xã là trên 30 triệu đồng/người/năm. Đây là điều kiện tốt để xã từng bước xây dựng phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng văn hóa xã hội, môi trường ngày càng xanh, sạch đẹp. Qua nền tảng này thì thực hiện chương trình nông thôn mới, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân của địa phương một lòng đoàn kết tập trung trên tinh thần dân chủ cố gắng  trong những năm tiếp theo sẽ tập trung để phát huy từng bước 19 tiêu chí ngày càng thêm vững mạnh, bền vững”.

Trong 5 năm (2010-2015), tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt hơn 6.380 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư cho xây dựng đạt 4.262 tỷ đồng, với hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở, như đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... Các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý là trong nhiệm kỳ, huyện đã hoàn thành việc xây dựng tuyến đường từ xã Đak Sơmei đi xã Hà Đông( một xã đặc biệt khó khăn của huyện), việc hoàn thành tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho xã vùng căn cứ cách mạng Hà Đông. Trong buổi lễ khánh thành tuyến đường, ông Brốt, Làng Kon Mhar, xã Hà Đông động nói: “Chúng tôi là nhân dân xã Hà Đông, hiện nay chúng tôi rất là phấn khởi, rất là mừng vì Đảng, nhà nước đã quan tâm đã làm đường, con đường từ huyện Đak Đoa tới xã Hà Đông không còn như xưa nữa là con đường khi đi rất là khó khăn lầy lội nhưng mà bây giờ con đường rất là tốt, đẹp cho nên chúng tôi rất là cảm ơn Đảng, nhà nước đã quan tâm cho nhân dân xã Hà Đông tạo điều kiện cho nhân dân xã Hà Đông một con đường rất là tốt, đẹp”.
Đi đôi với phát triển kinh tế, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Đak Đoa  cũng đã chú trọng đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, gắn với chương trình xóa đói, giảm nghèo. Huyện đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, với tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này trong 5 năm là trên 390 tỷ đồng để thực hiện 88 mô hình hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, xây dựng 167 công trình phúc lợi và hỗ trợ trực tiếp cho 263.597 lượt hộ nghèo. Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo được huyện chú trọng thực hiện tập trung cho làng nghèo, xã nghèo thông qua việc cấp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng nhà ở vv...

Trong 5 năm, huyện đã cấp hỗ trợ trên 1.370 con bò giống sinh sản, hàng trăm tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm tấn phân bón để các hộ nghèo, hộ chính sách phát triển sản xuất; xây dựng 1.558 căn nhà theo chương trình 167 của Chính Phủ cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo; xây dựng 258 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ chính sách, hộ nghèo. Nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình xóa đói, giảm nghèo, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Đak Đoa giảm xuống còn 12,49%, giảm gần 20% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010.
đang-bo-4.bmp
Cùng với tập trung phát triển kinh tế,  trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ huyện Đak Đoa cũng luôn quan tâm đến việc  phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.  Công tác dạy và học, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc , tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng địa phương  được đảm bảo và  giữ vững.

Với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015, và  những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI ( Nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, sẽ là tiền đề quan trọng cho huyện Đak Đoa đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng huyện Đak Đoa giàu mạnh, hội nhập trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước./.
                                                                   Thu Hoài

CÁC TIN KHÁC

  1         ...