Đak Đoa thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước

29/06/2015
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương, cũng sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, huyện Đak Đoa đã triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội  trên địa bàn.

Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước được huyện Đak Đoa phát động sâu rộng, ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nội dung các phong trào thi đua phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, hoạt động của cơ quan, đơn vị gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng. Trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, huyện đã chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng các mô hình trình diễn về cây trồng vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất các loại cây trồng hàng năm tăng so với năm 2010, lúa nước vụ mùa tăng 3,4 ta/ha, cà phê nhân tăng 1,4 ta/ha. Chăn nuôi của huyện có bước phát triển, đàn trâu, bò phát triển nhanh lên đến 17.067 con, tăng 1.122 con so với năm 2010; Tỷ lệ bò lai đạt 42% trong tổng đàn,....Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình trang trại chăn nuôi bò, đang chuyển dần từ chăn thả sang nuôi nhốt, đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. 

Qua phong trào thi đua sản xuất phát triển kinh tế, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình tiên tiến, mạnh dạn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên làm giàu. Đặc biệt là số hộ sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số hàng năm tăng, năm 2010 có 358 hộ nông dân sản xuất giỏi đến năm 2015 đã có 975 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều hộ nông dân mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng từ kinh tế trang trại. Điển hình như hộ ông AMil ở làng GRek, xã HNol, nhờ mạnh dạn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, đến nay gia đình ông đã phát triển được mô hình kinh tế trang trại với tổng diện tích 13 ha, trong đó 3 ha cà phê, 7 ha cao su, 840 trụ tiêu, 2 ha mì, 1 ha lúa nước, trừ chi phí cho thu lợi nhuận hàng năm trên 600 triệu đồng. Hay như hộ ông Ngô Văn Tiên ở xã Nam Yang, hiện có 4 ha cà phê, 5 ha hồ tiêu cho thu nhập một năm trên 4 tỷ đồng; Hộ chị Lê Thị Lan Anh -  thôn  Tân lập - xã ADơk, cũng chọn cây cà phê, hồ tiêu làm chủ lực để phát triển kinh tế. Hiện gia đình chị có 3 ha cà phê kinh doanh, 120 trụ tiêu thu bói, hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Chị tâm sự:  "Tôi vào Gia Lai từ năm 1990 khi đó tôi làm công ty cao su, đồng lương rất ít ỏi nên rất khó khăn, tôi chăn nuôi thêm rồi trồng cây ngắn ngày, đã mua được 4 sào đất trồng 400 cây cà phê. Khi tôi bắt đầu trồng cây cà phê là năm 1995 đến năm 2000 thì cà phê mất giá, nhiều hộ nông dân đã phá cà phê để chuyển sang trồng cây khác nhưng tôi không từ bỏ, tôi vẫn chăm sóc cây cà phê đúng qui trình kỹ thuật,  đến năm 2003 thì 400 cây cà của tôi  đã thu được 2 tấn cà nhân, năm đó giá cà tăng cao và từ 400 cây cà, đến nay tôi đã có 3ha cà kinh doanh và 120 trụ tiêu đang thu bói.  Tôi đã mang các kinh nghiệm để nói với mọi người trong thôn, trong xã, để cùng nhau làm kinh tế tốt thoát nghèo".

Cùng với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trên địa bàn huyện cũng đã phát triển nhanh, mức tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm, đã  góp phần đưa tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước tính đến cuối năm 2015 đạt 158 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2010. Thương mại - dịch vụ, bình quân hàng năm tăng 13,4%. Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống, vận tải, bưu chính, viễn thông, ngân hàng, mạng lưới chợ nông thôn được hình thành và phát triển mới ở một số xã; doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể tăng nhanh cả về số lượng và quy mô hoạt động, đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động  tại địa phương. Anh Trần Tấn Hà – chủ cơ sở Cơ khi Đạt Lý, thôn PiƠm, thị trấn Đak Đoa cho biết:  “ Do nhu cầu làm cà phê của nhân dân huyện Đak Đoa, năm 2008 tôi đã mở xưởng sản xuất cối xay cà phê ban đầu rất khó khăn, nhưng được sự quan tâm của UBND thị trấn  tạo mọi điều kiện để cơ sở đưa ra một mặt hàng để phục vụ bà con. Sau thời gian 4 năm sản xuất được bà con tín nhiệm, chúng tôi đã nỗ lực đưa ra sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ trong huyện và các huyện lân cận như: Ia Grai, Ia Ly, Mang Yang, Đăk Hà (Kom Tum) cũng đã tới đặt hàng".
thi-đua-2-(2).bmp
Cơ sở cơ khí Đạt Lý thị trấn Đak Đoa
Các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đối giảm nghèo được triển khai kịp thời, nhiều chương trình đầu tư lồng ghép có hiệu quả, đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 24,43% năm 2010 giảm xuống còn 15,5% năm 2014, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 26,6 triệu đồng, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Ông Nguyễn Tài Tuệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã KDang cho biết thêm: "Hưởng ứng các cuộc vận động phong trào thi đua các cấp, được phân công phụ trách làng Alúk một trong những làng trọng điểm về an ninh của xã, kinh tế phát triển kém. Chúng tôi đã khảo sát và đến từng hộ để phối hợp với các ban ngành đoàn thể, đã tổ chức rất nhiều cuộc vận động tuyên truyền đặc biệt là mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, đến nay các làng cách thức làm ăn cũng đã thay đổi rõ ràng. Đã biết làm cây cà phê, năng suất trước kia bà con thu được 1,2 tấn nhân nhưng đến nay nhiều hộ đã thu được 4 đến 5 tấn trên 1 ha cà phê, đã có nhiều hộ thu được 300 - 400 triệu/ năm. Bộ mặt trong làng đã thực sự đổi mới ".
Kinh tế phát triển nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, tích cực tham gia phong trào thi đua “ Đak Đoa chung sức xây dựng nông thôn mới” và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong 4 năm triển khai thực hiện chương trình, bên cạnh kinh phí nhà nước đầu tư và các nguồn vốn khác, nhân dân các xã trong huyện đã đóng góp trên 428 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, chiếm tỷ lệ 48,10% trong tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tiêu biểu là nhân dân xã Tân Bình đóng góp 180 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn 1 và thôn 2; xã GLar vận động 2.300 ngày công lao động và 480 triệu đồng để mở tuyến đường mới nội đồng dài 690m và đổ bê tông 1.200m đường nội thôn, sửa chữa nhà ở, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; nhân dân xã Trang, Ia Pết, KDang, Nam yang,.. tự bỏ kinh phí hàng tỷ đồng kéo đường điện để phục vụ sản xuất. Một số hộ dân ở các xã ADơk, Ia Pết, xã Trang, Ia Băng, Hà Đông,...cũng đã hiến đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 02 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới là Tân Bình và Nam Yang.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện tiếp tục được phát triển, nâng cao về chất lượng, Đến nay 17/17 xã, thị trấn trong huyện được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia vể phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, 6 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng 4 trường so với năm học 2010-2011. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân luôn được quan tâm, hệ thống tuyến y tế cơ sở được đầu tư và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tập trung hướng về cơ sở, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Phong trào “thi đua quyết thắng”  trong lực lương vũ trang huyện được đẩy mạnh, đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh và xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tên địa bàn.
thi-đua-3.bmp
Cơ quan quân sự huyện huấn luyện cho lực lượng dân quân
Với những kết quả đã đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, sẽ là động lực quan trọng để cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng huyện Đak Đoa  ngày càng giàu mạnh./.
 
Thanh Thuật

CÁC TIN KHÁC

  1         ...