MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TẢO HÔN

03/09/2020
         * Một số quy định về tảo hôn:
         Theo Khoản 8, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định”
         Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau:
         “Điều 8. Điều kiện kết hôn
         1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
         a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”
         Như vậy, khi nam nữ kết hôn với nhau mà nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chữa đủ 18 tuổi sẽ bị coi là tảo hôn. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo điểm b, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Theo quy định của điểm b, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tảo hôn là hành vi vi bị cấm kết hôn”. Do đó, việc kết hôn này sẽ bị hủy.
         * Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
         Theo khoản 2, Điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật ( do vi phạm điều cấm thuộc trường hợp tảo hôn):
         “a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; 
         b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
         c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
         d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
         * Xử lý việc kết hôn trái pháp luật:
         Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này”. 
         * Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật (Điều 12, 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014):

        “Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

         1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
         2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

        3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

         Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

         1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 
         2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
         *  Quy định của pháp luật về xử lý hành vi tảo hôn:
         Theo quy định của điểm b, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và điểm e, khoản 1, Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007: “e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”. Sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy vào mức độ vi phạm của hành vi.
         * Xử phạt vi phạm hành chính:
         Theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Thì hành vi tảo hôn bị xử lý như sau:
         Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
         1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
         2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”
         * Trách nhiệm hình sự:
         Theo Bộ luật hình sự 2015, SĐ, BS 2017, quy định
         Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn
         Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
 
Tổng hợp: Thành Việt – Phòng Tư pháp

CÁC TIN KHÁC

  1         ...