MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ Ở CƠ SỞ TỈNH GIA LAI HIỆN NAY

08/10/2020
Lê văn Hòa
                                      Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Theo Người, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ có vai trò to lớn để nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào "tâm lý quốc dân"và đi vào cuộc sống. Biến nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hành động của quần chúng, tạo ra đột phá trong các lĩnh vực cách mạng. Phong cách lãnh đạo, quản lý  là tổng hợp những phương pháp, cách thức, biện pháp, tác phong, lề lối làm việc để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào thực tiễn đem lại hiệu quả. Đây làyếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
 

Thực tế cho thấy, đối với người cán bộ cơ sở, khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ có những lúc, những công việc chưa hoàn thành tốt không phải do thiếu kiến thức và sự nhiệt tình, trách nhiệm hay phương tiện, vật chất bảo đảm mà  còn do phong cách lãnh đạo, quản lý chưa phù hợp. Từ việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, xin trao đổi một số nội dung về xây dựng phong cách lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là phong cách: Dân chủ, khoa học, đúng pháp luật, sâu sát, cụ thể. Đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp giúp đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có định hướng xây dựng, rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý cho mình.
Phong cách không phải là cái có sẵn, không phải là bẩm sinh. Phong cách là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó, chỉ có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện thực sự nghiêm túc và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Theo đó, người cán bộ cấp cơ sở chỉ có phong cách lãnh đạo, quản lý dân chủ, khoa học, đúng pháp luật, sâu sát, cụ thể, trên cơ sở thái độ cầu thị, trách nhiệm cao đối với bản thân, với Đảng với nhân dân; trên cơ sở sự chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, thấm sâu giữa lời nói với việc làm, sự thống nhất giữa cách nghĩ, cách làm và cách sống của cán bộ cấp cơ sở. Bởi vậy, để xây dựng phong cách lãnh đạo, quản lý tốt, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải học tập, rèn luyện từ thực tiễn. Chính thực tiễn sôi động giúp cho người cán bộ cơ sở tự ý thức được sự hạn chế, thiếu hụt của bản thân để có kế hoạch học tập và rèn luyện. Đồng thời, giúp cán bộ cấp cơ sở bổ sung, bồi đắp thêm những thiếu hụt về kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng công tác đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới. Theo đó, người cán bộ cấp cơ sở phải học tập chính ngay từ thực tiễn công việc hàng ngày, học từ người dân; học từ đồng chí, đồng nghiệp, học từ việc tổng kết thực tiễn, tổng kết những mô hình mới, những cách làm hay. Đó chính là trường học rộng lớn mà người cán bộ cơ sở phải vừa lăn lộn chỉ đạo thực tiễn vừa đúc rút những kinh nghiệm quý cho chính mình, thực tiễn là người thầy nghiêm khắc nhất để người cán bộ cấp cơ sở rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, nghiêm túc học tập và rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý thông qua trường lớp - đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, trước hết và quan trọng là học tập, rèn luyện tại trường Chính trị tỉnh, thành phố. Công cuộc đổi mới luôn vận động, sự nghiệp đổi mới ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân, của cấp cơ sở đối với đội ngũ cán bộ ngày càng cao. Đòi hỏi, người cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên phải bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo quản lý, theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ ba, xây dựng và rèn luyện phong cách thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/2/2003 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, cán bộ xem xét, nhìn nhận đánh giá phong cách lãnh đạo, quản lý của mình phù hợp hay chưa phù hợp, từ đó đặt ra phương hướng học tập, rèn luyện để phong cách lãnh đạo, quản lý của mình ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn.
Thứ tư, mỗi cán bộ cấp cơ sở phải làm tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 khóa XI,XII của Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhóm giải pháp kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Thông qua đó, người cán bộ cấp cơ sở tự nhận thức được đúng về chính bản thân mình, khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, của quần chúng để thấy được những mặt mạnh để phát huy và những hạn chế của bản thân để khắc phục sửa chữa, từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác. Đây là vấn đề quan trọng đối với việc rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý của người cán bộ cấp cơ sở.
Thứ năm, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể rèn luyện, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây vừa là quyết tâm chính trị của Đảng vừa là môi trường thuận lợi để cán bộ cấp cơ sở rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý cho mình. Hơn ai hết, người cán bộ cấp cơ sở phải nêu tinh thần gương mẫu học tập, rèn luyện suốt đời theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo Người mỗi cán bộ cấp cơ sở phải thực sự: lời nói đi đôi với việc làm, dân chủ, sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân, quan tâm chăm lo đến lợi ích của nhân dân, có trách nhiệm với dân, tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. để cán bộ thực sự là những người tiền phong, gương mẫu, được quần chúng tin yêu, quý trọng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.Góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng các cấp,đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tóm lại, cán bộ cấp cơ sở cần phải coi việc rèn luyện, xây dựng phong cách lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thường xuyên, tự giác và bền bỉ suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do học tập, đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển hoàn thiện, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Rèn luyện đạo đức cũng như phong cách của mỗi người không thể trong ngày một ngày hai, mà cần phải rèn luyện thường xuyên. Thực tiễn luôn thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng và trước những tác động của nền kinh tế thị trường, nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện phong cách của bản thân, người cán bộ cấp cơ sở sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Hồ Chí Minh đã dạy: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, rèn luyện không ngừng, học không chỉ là nghĩa vụ để chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng mà còn phải là nhu cầu tự thân, học tập thường xuyên, học tập suốt đời  để có phẩm chất tốt, đồng thời có nền tảng học vấn cần thiết. Chỉ khi nào học vấn trở thành công cụ nhận thức, công cụ hoạt động làm tăng lên giá trị của chính mình, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, khi đó học vấn mới trở thành văn hóa, trở thành thành tố quan trọng trong phong cách lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh".
 
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 244.
2. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 2
3. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 61.
4. Nghị hội nghị lần thư 4 khóa XI,XII,NQTW8 khóa XII

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

Ban biên tập: UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm chính: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178
Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn