Xã Glar > Giới thiệu > Thành tựu giai đoạn 2015-2020
ttgd.png
I. Đánh giá chung toàn cảnh về kinh tế xã hội của xã giai đoạn 2015-2020:
1. Điều kiện tự nhiên:
Xã Glar là xã vùng I, nằm cách trung tâm huyện 5,7 km về phía Nam. Phía Bắc giáp thị trấn Đak Đoa, phía Nam giáp xã Trang, phía Tây giáp xã Adơk, phía Đông giáp xã Tân Bình.
Xã Glar có tổng diện tích đất tự nhiên: 4,535 tương đối bằng phẳng, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cao nguyên Tây 17 địa hình trường sơn, chịu sự chi phối của gió mùa rõ rệt. Trong năm có 2 mùa: Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, hướng gió chủ yếu vào mùa này là hướng Tây Nam; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 03 hàng năm, mùa này hầu như không có mưa, hướng gió mùa này chủ yếu hướng gió Đông Bắc.
2. Đặc điểm xã hội:
Toàn xã có: 2.278 hộ với 10.266 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 2.072 hộ với 9.823 khẩu, chiếm trên 97% dân số toàn xã. Năm 2016 xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục duy trì cho đến nay.
3. Kết quả đạt được:
Trong nhiệm kỳ qua mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng Đảng bộ xã đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kinh tế - xã hội của xã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân được nâng lên, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư từ nhiều nguồn vốn đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của xã, đến nay đường giao thông nhựa bán thâm nhập và bê tông hóa đã đến tận các thôn, làng. Diện tích cây trồng tăng lên đáng kể, nhất là cây công nghiệp dài ngày, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có nhiều tiến bộ. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đã được nhân dân quan tâm, nhiều giống mới và kỹ thuật mới được ứng dụng đạt hiệu quả; nhiều máy móc, trang thiết bị được đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, vật nuôi góp phần vào việc tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm; chất lượng dạy và học, khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên, tỷ lệ xét tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở đạt cao, duy trì phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, bậc tiểu học và trung học cơ sở; hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh; các chế độ chính sách được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt trong nhiệm kỳ đã triển khai và về đích nông thôn mới được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt nông thôn mới năm 2016, năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, công tác giảm nghèo ngày càng được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,13%,  có 03/4 trường đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1, có 7/14 chi bộ có cấp ủy..
Nhiệm vụ quốc phòng – quân sự địa phương đảm bảo, công tác xây dưng, huấn luyện lực lượng, giao quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu giao.Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
 Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được tăng cường. Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã có chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đi sâu vào đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Sự quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới.
  Mặt trận và các đoàn thể tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và phát huy, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
  1. . Hạn chế, khuyết điểm
          - Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế: Kinh tế của xã phát triển còn chậm, chưa khai thác hết tiềm, năng lợi thế về đất đai, nguồn lao động; việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; năng suất lao động còn thấp; kinh tế tập thể, kinh tế trang trại bước đầu đã hình hành nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, kinh tế hộ gia đình còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu định hướng dài hạn. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại chỉ mới phát triển nhỏ lẻ. Một số chỉ tiêu chưa đạt so với Nghi quyết đề ra.
  - Về thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội: Tỷ lệ duy trì sĩ số tại các cấp học tuy được quan tâm chỉ đạo thường xuyên nhưng vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Công tác đào tạo nghề còn ít và chưa gắn được với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.  Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp đạt 34,47%.
          - Về quốc phòng – an ninh: An ninh chính trị, an ninh nông thôn, còn nhiều yếu tố phức tạp. Việc đảm bảo trật tự và an toàn xã hội chưa thật vững chắc. Tình trạng vi phạm trật tự xã hội gia tăng, vi phạm Luật giao thông đường bộ, tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra. Công tác phát triển đảng trong thôn đội trưởng, lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên còn thấp.
          - Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng có lúc chưa kịp thời dẫn đến còn có đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật và xoá tên ra khỏi đảng. Việc đổi mới nội dung sinh hoạt ở một số Chi bộ còn chậm. Chưa chủ động công tác kiểm tra, giám sát. Công tác tự phê bình và phê bình có lúc chưa kiên quyết, tính chiến đấu trong sinh hoạt tập thể chưa cao. Chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo yêu cầu.
Việc đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai kịp thời, nhưng vẫn còn nặng về lí thuyết, việc rèn luyện và làm theo còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tích cực sửa chữa dẫn đến phải xóa tên 05 đ/c đảng viên.
  - Về xây dựng chính quyền: Thường trực, hai Ban Hội đồng nhân dân xã chưa phát huy vai trò chức năng giám sát theo quy định, chưa duy trì tốt chế độ giao ban Hội đồng nhân dân. Một số vị đại biểu chưa thực sự đại diện cho nguyện vọng cử tri, còn ngại ý kiến. Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm quy chế, giờ giấc làm việc vẫn còn xảy ra ở một số cán bộ, công chức.
  - Về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể: Chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể có mặt còn hạn chế.Vẫn còn tình trạng hành chính hóa trong hoạt động; công tác phối hợp chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền, vận động vẫn chưa khắc phục hết tính hình thức. Một số phong trào chưa được duy trì thường xuyên, chưa huy động được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia.
Trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội còn nhiều lúng túng, vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm nên hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân còn hạn chế.
II. Đánh giá thực hiện theo từng lĩnh vực:
  1. Về kinh tế
Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng, thương mại – Dịch vụ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai để tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ
          - Nông nghiệp: Tổng diện tích cây trồng chủ yếu của xã: 3.310 ha/1.936,24 ha đạt 170,9%, tăng 1.373,76 ha so với nghị quyết đề ra.
Nhìn chung, có sự chuyển đổi về cơ cấu giống cây trồng theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai có hiệu quả như: cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cà phê, trồng bơ xen canh vườn cà phê, rửa chua phèn ruộng lúa nước, phát triển cây ăn quả, trồng bơ – sầu riêng theo tiêu chuẩn Vietgap… Nhân dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm: 14.450 con, tăng 8.550 con so với nghị quyết.Dịch bệnh trên đàn gà, đàn heo có xảy ra nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ, được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp: đã từng bước phát triển, nhất là ngành nghề truyền thống và các ngành sửa chữa, xây dựng và cơ khí nhỏ góp phần tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên địa bàn xã.
- Dịch vụ - thương mại: Trong nhiệm kỳ qua về thương mại, dịch vụ đã phát triển trên địa bàn xã đã có các cửa hàng kinh doanh, buôn bán xăng dầu, vật liệu xây dựng, thu mua nông sản.. đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá trong nhân dân, kích thích sản xuất hàng hoá phát triển
- Công tác thu chi ngân sách: Được phân cấp theo luật định, được chú trọng với quyết tâm thu đạt và vượt chỉ tiêu, thực hiện tiết kiệm chi để đảm bảo cho các hoạt động của địa phương, trong điều hành có sự chuyển biến tích cực đúng theo luật ngân sách, nguồn kinh phí hoạt động được phân khai đầy đủ theo kế hoạch và sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người 41 triệu đồng/người/năm, đạt 127%,vượt so với Nghị quyết XII. (Nghị quyết khóa XII thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/người/ năm).
- Công tác quản lý đất đai: Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, phù hợp với thực tế và định hướng phát triển của địa phương. Công tác xây dựng bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch nông thôn mới.
-Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng: Công tác quản lý tài nguyên và quản lý bảo vệ rừng được được quan tâm triển khai, UBND xã thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng thông để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
-Công tác bảo vệ môi trường: Trong nhiệm kỳ đã xây dựng được 06 bể chứa rác thải bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại khu sản xuất của các thôn. Chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý đảm bảo môi trường, không để xảy ra ô nhiễm, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường sống.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới:
+ Qua nhiệm kỳ, Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Glar đã thực sự có sự thay đổi toàn diện. Diện mạo của nông thôn được thay đổi rõ rệt, nhận thức của người dân được nâng lên, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát huy, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hoá xã và thôn…được quan tâm đầu tư là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện.
+ Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được duy trì. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày một tăng.
+ Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội được giữ vững và ổn định.
+ Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực đối với Chương trình.
+ Năm 2016 xã được Ủy ban nhân dân Tỉnh Gia Lai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục duy trì cho đến nay. Năm 2019 vinh dự được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 18/10/2019.
2. Về Văn hóa – xã hội
Trong nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục đã có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, công tác duy trì sĩ số được nhà trường quan tâm. Bên cạnh đó, nhân dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo nên đã tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhờ đó công tác dạy và học ngày càng nâng lên về chất lượng và số lượng, các trường học trên địa bàn xã tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện có 03/04 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chiếm 75%.
Trung tâm học tập cộng đồng của xã hàng năm phối hợp với trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa mở các lớp dạy nghề cho nhân dân trên địa bàn
Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng, các trang thiết bị cần thiết cho khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đảm bảo theo quy định hiện hành của Bộ y tế, đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chuẩn hóa về chuyên môn. Trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình Quốc gia về y tế được quan tâm
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và trẻ em được thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên toàn xã đến nay 1,59%. Các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm được triển khai thực hiện đạt 93% kế hoạch. Tổng số phụ nữ có thai tiêm UV2 hàng năm đạt 90% kế hoạch.
Hoạt động thể dục thể thao được quan tâm thường xuyên. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện tốt và có hiệu quả. Hoạt động thông tin, truyền thanh luôn thông suốt, chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai thực hiện có hiệu quả ở các thôn. tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn xã có 8/9 thôn, làng văn hoá, đạt tỷ lệ 100% và gia đình văn hóa là 1.884/2169. hộ đạt 86,9%
Chú trọng chăm lo đến các gia đình chính sách, thăm tặng quà nhân các ngày lễ, Tết. Thực hiện kịp thời chế độ chính sách và chăm lo cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và các đối tượng khác.
Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả đáng kể: hiện trên địa bàn xã có 94 hộ nghèo, chiếm 4,13 %, 113 hộ cận nghèo  chiếm 4,96%, không có hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Chương trình làm nhà cho hộ nghèo theo quyết định 455/QĐ-UBND đến  nay có 24 /24 nhà đã xây dựng xong. Các chính sách xã hội thường xuyên được quan tâm, tiền hỗ trợ chi phí học tập, tiền điện được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Công tác dân tộc: Các chính sách về dân tộc được triển khai đầy đủ và kịp thời nên đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, xem xét và giải quyết các vấn đề tôn giáo theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. Thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi chức sắc, chức việc các tôn giáo để trao đổi thông tin và tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn; động viên tín đồ, giáo dân đoàn kết, xây dựng đời sống mới theo tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, cùng chung sức xây dựng xã Glar ngày càng giàu mạnh.
3. Về Quốc phòng –an ninh
3.1. Về công tác quốc phòng- quân sự địa phương
Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng củng cố quốc phòng - an ninh, hàng năm Đảng ủy đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, không ngừng củng cố lực lượng dân quân tại chỗ. Khám tuyển và giao quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu cấp trên giao.Thực hiện thường xuyên và chặt chẽ công tác phối hợp giữa các lực lượng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP và Nghị định 133/2015/NĐ-CP của chính phủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã. Năm 2018 diễn tập phòng thủ xã đạt loại giỏi. Tổ chức duy trì trực sẵn sàng chiến đấu vào dịp cao điểm, các ngày lễ lớn của đất nước với quân số tham gia trên 2000 công.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, theo chỉ tiêu huyện giao với phương châm "vững mạnh rộng khắp" đảm bảo số lượng, chất lượng, độ tin cậy về chính trị, tỷ lệ dân quân đạt 1,18%  so với dân số; trong nhiệm kỳ kết nạp được 05 đồng chí dân quân vào đảng. Tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng và huấn luyện dân quân hàng năm đều đạt loại khá trở lên, có trên 90% quân số tham gia huấn luyện.
3.2.Về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Trong nhiệm kỳ qua  tình hình an ninh chính trị được giữ vững; các ngành, cán bộ, công chức được phân công phụ trách làng thường xuyên bám làng, nắm địa bàn, không để cho các đối tượng thù địch lợi dụng tình hình kích động, lôi kéo, gây rối làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Công an cùng dân quân duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu trong những ngày lễ, Tết và những đợt cao điểm. Những vụ việc có liên quan đến an ninh nông thôn được kịp thời phát hiện và chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để tạo thành điểm nóng. Các loại tội phạm, tai tệ nạn xã hội được kiềm chế và giải quyết dứt điểm. Các tổ tự quản về an ninh trật tự ở các thôn, làng được thường xuyên củng cố, kiện toàn. Công tác quản lý, giáo dục các đối tượng tại cộng đồng được thực hiện tốt. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tăng cường, phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” có nhiều chuyển biến tích  cực thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn xã. Năm 2018,  xã được Bộ công an đưa ra khỏi xã phức tạp về an ninh chính trị.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo đúng quy định. Trong nhiệm kỳ, xã đã tiếp nhận 09 đơn khiếu nại, kiến nghị, đã giải quyết dứt điểm 09 đơn, không có đơn chuyển lên cấp trên
Công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm thường xuyên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy. Công tác cải cách hành chính, nhất là việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả; tổ chức bộ máy được kiện toàn; thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính công theo quy định. Thực hiện công khai dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước. Công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai ban đầu, kê khai bổ sung hàng năm.
3.3. Công tác cải cách thủ tục hành chính
Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đã kịp thời cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách hành chính đến năm 2020.
Triển khai thực hiện Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của UBND tỉnh Gia Lai, Ủy ban nhân dân xã Glar đã ban hành quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 về việc công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Thông qua áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO trên địa bàn xã, lãnh đạo ủy ban điều hành công việc có hiệu quả hơn nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch và thống nhất. Cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình xử lý công việc, tạo thói quen làm việc khoa học, hiệu quả nhờ việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đã xây dựng, thực hiện được trách nhiệm, quyền hạn của mình đúng nơi, đúng thẩm quyền của người phê duyệt. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đã góp phần cải cách hành chính, kiểm soát việc thực hiện các thủ tục hành chính, làm giảm đáng kể hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức đối với người dân. Chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao.
Giải quyết hồ sơ thực hiện TTHC gắn kết với việc thực hiện quy chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, thực hiện đúng hướng dẫn, đúng biểu mẫu (Phiếu hoàn thiện hồ sơ, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, phiếu biên nhận và hẹn trả kết quả), đảm bảo việc giải quyết TTHC đúng hoặc sớm hẹn cho tổ chức, công dân.
Xây dựng lại hương ước, quy ước tại các thôn, làng; xây dựng tủ sách pháp luật; thành lập các tổ hòa giải ở cơ sở, tổ chức hòa giải, góp phần ổn định chính trị tại địa phương.
(Căn cứ  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Glar lần thứ XIII và báo cáo tổng kết giai đoạn 2015-2020của UBND xã Glar).
hoavan.png

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

Ban biên tập: UBND huyện Đak Đoa
Chịu trách nhiệm chính: Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: 68 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269)3831178 - Fax: (0269)3831178
Email: ubnddakdoa@gialai.gov.vn