MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA THÔNG TƯ SỐ 12/2019/TT-BNV NGÀY 04/11/2019 CỦA BỘ NỘI VỤ VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

08/11/2019
       Ngày 04/11/2019, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BNV, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

       Một số điểm mới của Thông tư:
       - Đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của bộ, ban, ngành, tỉnh, việc đánh giá, công nhận mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng của các thành tích do bộ, ban, ngành, tỉnh quy định (Thông tư 08/2017/TT-BNV quy định do Người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật).
       - Quy định chung về khen thưởng
       + Về báo cáo thành tích:
       • Trong báo cáo thành tích phải ghi cụ thể số quyết định, ngày, tháng, năm được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng của cấp có thẩm quyền; số quyết định, ngày, tháng, năm được công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học.
       • Đối với khen thưởng theo công trạng và thành tích: Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng tính đến thời điểm bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trước 06 tháng, quá thời hạn trên, Ban Thi đua - Khen thưởng không nhận hồ sơ trình khen thưởng (Thông tư 08/2017/TT-BNV quy định trước 03 tháng).
       + Khi khen thưởng đối với tập thể có tổ chức Đảng, đoàn thể thì tổ chức Đảng, đoàn thể phải được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
       + Thời gian xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân ngành giáo dục đào tạo như: Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xét sau khi kết thúc năm học.
       + Khi khen thưởng cho tập thể, cá nhân không thuộc đối tượng quản lý về tổ chức, cán bộ, quỹ lương, bộ, ban, ngành, tỉnh chỉ khen thưởng các hình thức thuộc thẩm quyền, không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước. Đối với khen thưởng theo chuyên đề: Bộ, ban, ngành không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho đối tượng không do bộ, ban, ngành quản lý theo ngành dọc; Khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm, 05 năm trở lên, bộ, ban, ngành, tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền. Đối với phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm trở lên, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; phong trào thi đua có thời gian từ 05 năm trở lên, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước khi đề nghị khen thưởng, bộ, ban, ngành, tỉnh thống nhất với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để hướng dẫn theo quy định.
       + Không đề nghị khen thưởng cấp nhà nước khi bộ, ban, ngành, tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực…
       - Đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, Người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền, trường hợp thành tích tiêu biểu xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng trong lĩnh vực thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh thì đề nghị khen thưởng cấp nhà nước.
       - Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, gồm: Huân chương; Huy chương; danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các danh hiệu thi đua cấp Nhà nước, gồm: Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; về thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 7); Trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp bộ, cấp tỉnh  (Điều 11).
       Thông tư 12/2019/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27/10/2017.
Tổng hợp: Hoa Mai

CÁC TIN KHÁC

  1         ...