NGÂN HÀNG CSXH HUYỆN ĐAK ĐOA TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2023/QĐ-TTg ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ

28/09/2023
       Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm: người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá); cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.Điều kiện để được vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù (có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội); cơ sở sản xuất kinh doanh (được thành lập và hoạt động hợp pháp; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn).Đối với người chấp hành xong án phạt tù thì được thực hiện theo phương thức thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp.Mức vốn cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng đối với vay vốn để đào tạo nghề; đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động. Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đào tạo nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện đảm bảo tiền vay; cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

Tại Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại quyết định; chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ; chỉ đạo Công an cấp xã định kỳ vào ngày 5 hằng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tổ chức, thực hiện quyết định.Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, huyện, hằng năm xem xét bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách quy định; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền chính sách, tổ chức, giám sát triển khai thực hiện quyết định. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủđược ban hành, NHCSXH huyện Đak Đoađã tham mưu choUBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo đến các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội huyện cũng đã tích cực phối hợp hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể các tổ chức nhận ủy thác rà soát, thống kê các đối tượng đủ điều kiện hoàn tất các thủ tục để được vay vốn ưu đãi; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai việc giải ngân nguồn vốn đến các đối tượng được thụ hưởng.

Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đak Đoa đang tiếp tụcphối hợp với các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền về chủ trương, chính sách cho vay, hạn mức cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù biết, đồng thời phối hợp tổ chức làm thủ tục hồ sơ vay vốn và triển khai giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  giúp các đối tượng được thụ hưởng có điều kiện để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm/.
 
                                                                               Văn Ngọc-NHCSXH huyện Đak Đoa
 
 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...