HIỆU QUẢ TỪ VƯỜN CÀ PHÊ TẬP THỂ TẠI XÃ GLAR

13/09/2019
       Không chỉ chăm lo phát triển sản xuất cho gia đình, người dân ở các thôn, làng của xã Glar, huyện Đak Đoa còn tích cực tham gia mô hình vườn cà phê tập thể để gây quỹ chung cho làng, mô hình đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực.

Người dân xã Glar đang chăm sóc vườn cà phê tập thể       
        Xã Glar, huyện Đak Đoa hiện có 10 thôn, làng, với có trên 97% dân số là người dân tộc thiểu số, ở tất cả các thôn, làng nào đều có quỹ đất chung. Để có nguồn quỹ chi cho việc tổ chức các hoạt động chung của làng và có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa các công trình phục vụ đời sống dân sinh, những năm qua, xã Glar đã tuyên truyền, hướng dẫn Ban nhân dân các thôn, làng, tuyên truyền, vận động người dân chung tay, góp sức cùng nhau xây dựng  các mô hình trồng cà phê tập thể trên quỹ đất chung, cùng nhau góp ngày công lao động để chăm sóc cây trồng. Từ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, sự đoàn kết chung tay của các hộ dân trong từng thôn, làng, đến nay 9/10 thôn, làng của xã Glar, huyện Đak Đoa đều đã xây dựng được mô hình vườn cà phê tập thể, với tổng diện tích gần 14 ha, trong đó có trên 10 ha đang trong thời kỳ kinh doanh và gần 4 ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.  Các thôn có diện tích cà phê tập thể nhiều nhất là thôn Dôr II với 4,5 ha, thôn Ktu 3ha, thôn Dơk rơng 1,6 ha...
        Để vườn cà phê tập thể phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao, ở mỗi thôn, làng đều chia ra thành các tổ để thay nhau chăm sóc vườn cây.  Mỗi tổ đều tự bầu tổ trưởng, khi cần phải làm cỏ, cắt cành, tỉa chồi hay mùa thu hoạch thì tổ trưởng đến từng nhà gọi các hộ trong tổ đi làm, dù là công việc chung nhưng mọi người khi tham gia đều rất nhiệt tình, cố gắng chăm sóc vườn cây thật tốt để thu được năng suất cao, tạo nguồn quỹ chung cho làng. Nhờ đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên hầu hết các vườn cà phê tập thể của các thôn, làng trên địa bàn xã đều phát triển tốt và cho năng suất, sản lượng cao.
         
Làng Dơk Rơng, tuy chỉ có 1,6 ha cà phê chung, nhưng nhờ ban đầu chọn được giống cây tốt, cộng với việc đầu tư chăm sóc hợp lý nên năm nào năng suất, sản lượng cà phê thu được đều đạt cao, mỗi năm làng thu được khoảng 200 triệu đồng từ tiền bán cà phê. Số tiền thu được, làng dành một phần để tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây, phần còn lại dành làm quỹ chung để tổ chức các hoạt động thăm hỏi khi có người ốm đau, tổ chức các hoạt động chung của làng hoặc cho các hộ khó khăn trong làng vay để đầu tư phát triển sản xuất. Từ hoạt động này đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ông A Yun ở làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa nói: "Được cán bộ và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn làm mô hình cà phê tập thể thì bà con cũng hiểu được mục đích từ vườn cà phê và cùng nhau làm, từ khi có vườn cà phê chung này thì làng đã có quỹ để tổ chức các hoạt động chung của làng và đóng góp để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường giao thông rồi thăm hỏi khi làng có người đau ốm, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, giúp một số hộ có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế, tất cả đều nhờ quỹ cà phê này”.

Không chỉ tổ chức các hoạt động chung của thôn, làng, từ năm 2012 đến nay, các thôn, làng trong xã Glar đã trích trên 1 tỷ đồng từ tiền bán cà phê của các vườn cây tập thể để lắp đặt 30 trụ điện, kéo 800 m đường dây điện, xây dựng 1 trạm biến áp, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, làm hàng rào, sân bê tông tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, làm trên 3 km đường bê tông liên thôn và giúp trên 100 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi…Bà Nhêm, Chủ tịch Hội nông dân xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Thời gian qua, hội nông dân xã đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn các thôn, làng dùng quỹ đất chung để trồng cà phê. Hội đã tập huấn KHKT về trồng, chăm sóc cà phê nhờ vậy hầu hết các mô hình này đã và đang có hiệu quả, nhất là mô hình của làng Dơk Rơng, Ktu, Groi IThời gian tới Hội tiếp tục hướng dẫn cho các thôn, làng tập trung chăm sóc vườn cà phê tập thể, đồng thời tái canh các diện tích cà phê đã già cỗi để vườn cây phát triển tốt và cho năng suất cao”.

Có thể thấy mô hình vườn cà phê tập thể của các thôn, làng trên địa bàn xã Glar đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng, nhằm gây quỹ cộng đồng để tổ chức những hoạt động chung, vừa phát huy được tinh thần đoàn kết cộng đồng trong các thôn, làng, góp phần thực hiện tốt chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển./.

                                                              

                                                         Ngọc Định-TTVHTT Đak Đoa

CÁC TIN KHÁC

  1         ...