Huyện Đak Đoa: Tích cực Xây dựng đời sống văn hoá gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở

01/07/2021
       Những năm qua, huyện Đak Đoa đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn huyện có 21.630 gia đình văn hóa - đạt hơn 71%; có 102 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa - đạt gần 92%, cùng gần 90 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu công sở văn hóa.

Hình ảnh: Sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào
DTTS xã Đak Krong, huyện Đak Đoa.
       Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của huyện cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, huyện đã phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp. Đặc biệt, gắn xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân”.
       UBND huyện đã chỉ đạo ngành Văn hóa - Thông tin huyện củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, đồng thời chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bà Kiều Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin cho hay: “Huyện đã xây dựng và khánh thành công trình Khu lưu niệm anh hùng Wừu ở xã Đak Sơmei. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng, địa bàn huyện có 131 bộ cồng chiêng, 79 đội cồng chiêng, 5 nghệ nhân chỉnh chiêng, 10 nghệ nhân làm nhạc cụ truyền thống, 22 nghệ nhân kể sử thi, trên 300 nghệ nhân hát dân ca, dân vũ. Các thiết chế văn hóa được củng cố, như nhà văn hóa huyện và 8 Trung tâm văn hóa - thể thao xã. Các thiết chế thể thao được đầu tư  đáp ứng nhu cầu thực tế. Hoạt động Truyền thanh - Truyền hình chú trọng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
       Cũng theo bà Kiều Thu Hương: Huyện đã quan tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao thường xuyên của huyện, hội thi văn hóa- thể thao các dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng và hát dân ca, hội thi tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm… Hàng năm, UBND huyện duy trì tổ chức sự kiện “Ngày hội cỏ hồng và phiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa”, cùng các hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật dân gian, thu hút đông đảo người dân và du khách đến với huyện. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện, các mặt hàng nông sản, đặc sản, ẩm thực của địa phương. 
       Mặt khác, quá trình triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn các xã triển khai thực hiện các tiêu chí về văn hoá  trong bộ tiêu chí về nông thôn mới, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn hơn 4%. Toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 làng nông thôn mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội bà Nguyễn Thị Thúy Nga thông tin thêm: “Cùng với quan tâm bố trí các chương trình dự án và các nguồn lực, chính sách đầu tư, Phòng đang tập trung triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững, hướng dẫn, đôn đốc cấp xã triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị tuyển dụng, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động, tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động và việc làm cho lao động dân tộc thiểu số”.
Thanh-Nhat-2.pngẢnh: Người dân phấn khởi khi làng Ia Mút, xã Hà Bầu được UBND huyện Đak Đoa
công nhận làng đạt chuẩn Nông thôn mới.
       Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã lan toả sâu rộng trong các ngành, lĩnh vực. Toàn huyện có gần 90 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu công sở văn hóa. Tiêu biểu như Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa. Hàng năm, nhà trường đã chú trọng huy động học sinh đến trường và duy trì sỹ số học sinh đạt 99,33% trở lên. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS hàng năm đạt 100%. Giai đoạn 2016-2020, Trường có gần 10 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô Trần Thị Thu Thủy - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng chia sẻ: “Nhà trường đã tập trung lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn, giúp học sinh dân tộc nội trú an tâm, tích cực trong  học tập và rèn luyện. Đặc biệt, quan tâm áp dụng phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh, dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành. Trường còn lập thời khóa biểu riêng để bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh dưới trung bình, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Đồng thời, quan tâm giáo dục đạo đức và lối sống, giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc, kỹ năng sống cho học sinh”.
       Một trong những điển hình ở cơ sở về xây dựng đời sống văn hóa gắn với thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới như tại xã Hà Bầu. Nhiều năm qua, UBND xã  đã tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhân dân  chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hợp tác sản xuất, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã còn triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Xã Hà Bầu đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, được Chủ tịch UBND tỉnh  Quyết định  công nhận xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới năm 2020.
       Tại xã Glar có ông Wut là cá nhân tiêu biểu đã vận động bà con duy trì  nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa tạo việc làm và đem lại thu nhập cho lao động tại chỗ. Ông cùng cán bộ xã còn vận động nhân dân góp kinh phí và ngày công kiên cố hóa kênh mương, làm mới đường nội đồng  dài 2,8km, làm bê tông hơn 5km giao thông nông thôn, góp phần làm cho  bộ mặt thôn ngày càng khang trang...
       Tại xã Hà Đông có ông Đinh Đăm tích cực vận động người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, đồng thời cùng với cán bộ trong hệ thống chính trị của xã vận động hơn 20  hộ dân làng Kon Sơ Nglok hiến đất để mở rộng đường vào khu sản xuất. Ông còn tham gia phối hợp với ngành chức năng của huyện và cán bộ xã trong các đợt tuyên truyền phát động quần chúng từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn xã…
                                                                                                       
                                                                               Thanh Nhật – Baogialai.com.vn

CÁC TIN KHÁC

  1         ...