Nỗ lực thu hồi đất lấn chiếm để trồng rừng

09/08/2019
    Thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh, huyện Đak Đoa đã nỗ lực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.

    Đẩy mạnh thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
 
      Theo Kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh, huyện Đak Đoa phải tổ chức thu hồi 2.051 ha đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Thực hiện kế hoạch trên, từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức 25 buổi tuyên truyền với 2.189 lượt người tham dự; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, làng. Huyện cũng đã vận động người dân tự kê khai diện tích rẫy đang sản xuất trên đất lâm nghiệp. Đến nay, huyện đã thu hồi được 1.449 ha và dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu hồi đất rừng bị lấn chiếm.
      Ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa-cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch triển khai thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và giao ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị chủ rừng và các xã, thị trấn tiến hành đo đạc, xác định diện tích thuộc diện thu hồi; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo theo dõi địa bàn phụ trách. Đồng thời, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc thu hồi đất rừng phục vụ cho mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, từ đó tự nguyện kê khai toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch lâm nghiệp. Những diện tích sau khi kê khai và chuyển đổi sang trồng rừng sẽ giao lại cho người dân quản lý, hưởng lợi. Theo đó, sau 3 năm trồng rừng, khi nghiệm thu thành rừng sẽ có chính sách giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống tại chỗ để họ an tâm gắn bó phát triển kinh tế rừng, góp phần tăng thu nhập. 
 
    Thu hồi đến đâu, trồng rừng tới đó
 
      Để công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng đạt hiệu quả, huyện Đak Đoa đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về chủ trương tham gia trồng rừng có hưởng lợi theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, ngoài hỗ trợ 8 triệu đồng/ha theo quy định của Nhà nước, huyện có chính sách khuyến khích hỗ trợ 100% giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật để người dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đất có độ dốc cao, đất trước đây trồng mì đã bạc màu.
 
         Từ chính sách hỗ trợ trên, nhiều hộ dân ở huyện Đak Đoa đã tự nguyện kê khai, đăng ký chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Ông Xuênh (làng Kon Nak, xã Hà Đông) cho biết: “Khi nghe cán bộ huyện và xã đến tuyên truyền, vận động kê khai đất lâm nghiệp lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng, tôi và bà con đã chấp hành. Nhờ huyện hỗ trợ giống bời lời đỏ và hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình tôi vừa xuống giống được 1,5 ha. Trong lúc cây bời lời còn nhỏ, tôi trồng xen thêm cây mì để tăng thu nhập”. Tương tự, ông Khuông (làng Kon Ma Har, xã Hà Đông) cho hay: “Hiện tôi đã xuống giống xong 1 ha bời lời đỏ và hy vọng sau vài năm sẽ có thu nhập ổn định”.  
 
      Từ năm 2017 đến nay, huyện Đak Đoa đã trồng được hơn 1.402 ha rừng, trong đó có gần 1.239 ha rừng tập trung và hơn 163 ha rừng phân tán. Huyện đã xuất kinh phí 1,29 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để mua cây giống keo tai tượng, sao đen, thông ba lá, bời lời đỏ cấp cho người dân. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng; tập trung khảo sát, thống kê diện tích đất nương rẫy người dân sản xuất không hiệu quả để chuyển đổi sang trồng rừng; tổng hợp diện tích đăng ký trồng rừng, trồng cây phân tán của các hộ dân để hỗ trợ cây giống phù hợp. Quan điểm của huyện là thu hồi đất đến đâu thì vận động người dân trồng rừng đến đó để hạn chế tái lấn chiếm đất rừng.  
 
       “Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số canh tác trên đất nương rẫy và còn tập quán du canh; việc kê khai quỹ đất chưa trung thực, còn giữ lại để sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, ranh giới giữa đất lâm nghiệp với đất đưa ra ngoài quy hoạch chưa rõ ràng… Do đó, chúng tôi đề xuất phải có bản đồ đo đạc hiện trạng, xác định vùng, mốc ranh giới rõ ràng thì người dân mới không xâm lấn đất lâm nghiệp nữa”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết thêm.
Nguồn Báo Gia Lai (Lê Nam)

CÁC TIN KHÁC

  1         ...