Đak Đoa: sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới

09/09/2014
Nhờ phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, huyện Đak Đoa đã huy động được sự tham gia, đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân dân trên địa bàn để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy mà sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, diện mạo nông thôn ở Đak Đoa đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân, mà nhất là tại các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Để đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình kế hoạch đã đề ra, trên cơ sở đề án được UBND huyện phê duyệt, các xã trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát huy vai trò của mặt trận, các ban ngành, đoàn thể và nhất là các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động làm cho mọi người trong cộng đồng dân cư thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó đóng góp công sức, tiền của, hiến đất,...cùng với với các nguồn tài trợ khác, để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện cũng đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép vào các cuộc vận động và các phong trào thi đua của các tổ chức hội, đoàn thể, gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”  với xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ", phong trào "Tuổi trẻ Đak Đoa chung tay xây dựng nông thôn mới", phụ nữ với mô hình "5 không 3 sạch",  xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,  phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Cựu chiến binh gương mẫu”,…, qua đó đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, tạo động lực để mọi người đoàn kết gắn bó làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thông qua các phong trào thi đua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, bằng ý chí, nghị lực, đã vươn thoát nghèo làm giàu chính đáng, hàng năm đã có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng và thậm chí có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm, như anh Ngô Văn Tiên - cư trú tại thôn I, xã Nam Yang là một trong những điển hình trong phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi " nhiều năm liền được huyện, tỉnh biểu dương. Hiện nay gia đình anh có 04 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh và 10.000 trụ tiêu, hàng năm cho anh tổng thu nhập hơn 04 tỷ đồng. Để có được kết quả như ngày hôm nay, anh đã chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, kịp thời nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình. Anh cho biết: "Mình làm tiêu cũng hơn 10 năm rồi,  nhờ kinh nghiệm của mình đi học hỏi nhiều từ đó giữ được vườn tiêu, từ khi mà tiêu phát triển mình siêng đi thăm nom cây nào bị bệnh hoặc là những cây nào có biểu hiện bệnh là mình phải lo khoanh vùng triệt để những tuyến trùng này để cho khỏi lây lan bệnh dịch, và quan trọng nhất là khâu phân bón và chăm sóc thuốc mình phải phun định kỳ và phải đúng liều, ví dụ như thời vụ nào cần thiết dùng phân nào cho hợp lý là mình dùng chứ không nên dùng bừa những loại phân không hợp lý đối với cây tiêu”.

Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện, vốn chương trình 135, từ năm 2011 đến nay, huyện cũng đã tổ chức được 13 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và 14 lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật cho cho hơn 669 học viên là cán bộ xã, thôn và hội viên nông dân các xã vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng đã triển khai được 27 mô hình trồng trọt chăn nuôi như: hỗ trợ giống cây cao su trồng trong vườn hộ, hỗ trợ giống để nhân rộng mô hình trồng gừng tại xã Hà Đông, thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, mô hình hỗ trợ heo móng cái sinh sản tại xã Ia Băng và xã HNeng, mô hình trồng cây bơ ghép, trồng bắp sú an toàn tại xã tân bình, mô hình nuôi nhím, nuôi cá trong ruộng nước, mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi dê,... đã có nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả được huyện triển khai nhân rộng. Hiệu quả từ các mô hình mang lại, đã giúp cho người dân, nhất là người dân tại các vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức canh tác, biết định hướng cây con để đưa vào phát triển sản xuất chăn nuôi hiệu quả, theo hướng bền vững, nhờ vậy mà thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Trên địa bàn huyện đã có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 23 triệu đồng/người/năm. Hiện toàn huyện có 7/16 xã: Nam Yang, Tân Bình, Ia Băng, HNeng, GLar, Hải Yang và xã KDang đạt tiêu chí về thu nhập, các xã còn lại tuy chưa đạt nhưng có mức thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước; toàn huyện cũng có 4/16 đạt tiêu chí về hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể còn 19,98%, giảm 14,49% so với năm 2011, bộ mặt nông thôn các thôn, làng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc. Ông  Đinh Sưn -  trưởng thôn Mrah, xã KDang, phấn khởi tâm sự: "Thực hiên Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, hiện nay trong làng Mrah chúng tôi cũng đã phát triển kinh tế vững vàng, trong làng chúng tôi đoàn kết xây dựng nông thôn mới, làng Mrah chúng tôi làm giàu chính đáng nhà cửa khang trang, tốt đẹp theo lời của Nhà nước thôn làng chúng tôi đến nay cũng đã làm kinh tế rất khá, rất tích cực làm ăn, trong làng làm giàu. Đường làng Mrah được bê tông trong làng đóng góp xây dựng, xây dựng góp sức, hăng hái thi đua lao động, trong làng hiện nay có 2 hộ hiến 1.000m2 đất để làm đường - trường - trạm, cũng đã làm được nhà cộng đồng, trong làng hiện nay phát triển kinh tế ". Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các xã trong huyện cũng đã phát huy tốt nội lực trong dân, vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình nhà văn hóa thôn và nhiều công trình phúc lợi khác,...Trong 3 năm, toàn huyện đã thực hiện được 130,82 km đường giao thông nông thôn, trong đó 40,58 km đường trục xã liên xã, trên 28 km đường trục thôn xóm, 53,215 km đường nội thôn làng, 9 km đường trục chính nội đồng; xây dựng nâng cấp được 8 công trình thủy lợi, thực hiện kiên cố hóa được 19,05 km kênh mương, nạo vét nắn tuyến được 17 km kênh mương; xây dựng mới được 11 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, làng. Điển hình đã có 7 hộ dân ở các xã: Ia Băng, GLar, KDang và HNeng đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học. Nhân dân các xã Nam Yang, KDang, Kon Gang và Ia Pết cũng đã tự đóng góp kinh phí hàng tỷ đồng để kéo đường dây điện vào các khu sản xuất để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đến nay, huyện cũng đã hoàn thành xây dựng mới và sửa chữa 1.347 nhà ở dân cư, trong đó 530 ngôi nhà chương trình 167; 26 ngôi nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương; nhân dân tự xây dựng mới và sửa chữa 792 ngôi nhà, với tổng kinh phí thực hiện 95.093 triệu đồng. Từ nguồn vốn chương trình 135, vốn Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh và vốn trong nhân dân; toàn huyện đã xây dựng được 450 công trình giếng, bể nước, xây dựng mới 500 chuồng trại chăn nuôi, xây dựng mới 810 nhà vệ sinh, nhà tắm, với tổng kinh phí trên 8.800 triệu đồng, trong đó vốn nhân dân tự bỏ ra để xây dựng 4.482 triệu đồng.

ntm-2.bmp

Nhân dân xã Nam Yang đầu tư  hàng tỷ đồng để kéo đường dây điện vào khu sản xuất cây công nghiệp

Kết quả đến cuối năm 2013, toàn huyện đạt được 116 tiêu chí, tăng 65 tiêu chí so với năm 2011. Các xã như: Tân Bình đạt 14/19 tiêu chí, HNeng đạt 13/19 tiêu chí, Nam Yang đạt 12/19 tiêu chí, KDang đạt 11/19 tiêu chí, các xã còn cũng đã đạt được từ 4-9 tiêu chí. Riêng xã Trang đạt 3/19 tiêu chí và xã Hà Đông đạt được 1/19 tiêu chí.
Với những kết quả đã đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở Đak Đoa, bộ mặt nông thôn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, phấn đấu đến cuối năm 2014, huyện có xã là xã Tân Bình đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2015, có 2 xã Nam yang và KDang đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới./.

 

Thanh Thuật - Quốc Toản

CÁC TIN KHÁC

  1         ...