Ia Pết khôi phục và phát triển nghề đan lát truyền thống

25/06/2014
Ia Pết là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa với trên 88% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Bahnar và Jrai. Những năm trước đây người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông với tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khôi phục và phát triển nghề đan lát truyền thống, đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, làm cho bộ mặt các thôn làng nơi đây đang được thay da đổi thịt từng ngày

Đan lát là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của người dân trong xã Ia Pết, nhưng trước kia bà con chỉ đan những vật dụng như gùi, nỏ,… để sử dụng trong sinh hoạt gia đình và đi nương, đi rẫy. Dần dần do nhu cầu của thị trường, các sản phẩm đan lát của bà con làm ra đều được người dân các xã lân cận ưa chuộng, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ bấy nhiêu. Hiện nay, các sản phẩm đan lát của xã còn được người dân ở các tỉnh khác như Đak Lak, Sài Gòn và cả người dân ở nước ngoài ưa thích và đặt hàng với số lượng lớn. Do đó, tranh thủ những lúc nông nhàn, ngoài việc làm nương rẫy, người dân trong xã lại tranh thủ đan để làm ra sản phẩm bán ra thị trường.
Hiện nay, trong 9 thôn người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Ia Pết đều có người biết đan, trong đó làng là Alamoi, Bia Neh, AlRoh và thôn Ngơm Thung có 100% người dân từ 15 tuổi trở lên đều biết đan, “người nhỏ học người lớn, người biết đan chỉ cho người chưa biết đan, dần dần rồi biết đan thành thạo”, đó là tâm sự của người dân nơi đây khi chúng tôi hỏi về cách học đan trong các thôn, làng.
Ông Hyơk làng Ngâm Thung xã Ia Pết nói. “Làng mình có nghề đan gùi từ xưa đến nay, nhưng trước kia bà con chỉ đan để phục vụ cho gia đình để đựng các vật dụng trong gia đình. Từ năm 2007 đến nay nhiều người đặt để mua nên bà con trong làng chúng tôi nhà nhà đan gùi để tăng thu nhập,  xóa đói giảm nghèo và bảo vệ nề nếp gia đình, truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.
Nguyên liệu chính dùng trong đan lát của bà con là từ cây lồ ô được mua từ huyện huyện Mang Yang và tỉnh Đak Lak về. Do đó, để chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ và thường xuyên, thời gian qua, xã Ia Pết đã vận động người dân người dân đưa giống cây lồ ô về trồng trên các diện tích đất trống, đất vườn tại địa bàn. Nhờ đó, đã giảm được ngày công lao động và chi phí trong mua và vận chuyển nguyên liệu, giảm được chi phí sản xuất.

Sản phẩm của người dân làm ra đều được tiêu thụ dễ dàng, với giá trung bình một sản phẩm từ 80.000-120.000đồng, với những sản phẩm đẹp có những họa tiết hoa văn tinh tế thì có giá cao từ 800.000-1.200.000 đồng. Nhờ đó, đã tạo công ăn việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
 
ia-pet-2.bmp
Sản phẩm gùi Ia Pết
 
Ông Chuin – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết cho biết thêm “Xã Ia Pết chúng tôi có 5 đến 10 thôn làng bà con đang duy trì nghề đan lát để cung cấp ra thị trường góp phần tăng thêm thu nhập và tạo công an việc làm cho bà con. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con duy trì và phát triển làng nghề này. Mặt khác chính quyền địa phương tiếp tục liên hệ đến các điểm thu mua các sản phẩm mà bà con đã làm ra để tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân và giữ gìn bản sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và xã Ia pết nói riêng”.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, hiện tại xã Ia Pết đang tiến hành họp dân để lấy ý kiến của người dân trong việc thành lập hợp tác xã đan lát trên địa bàn, một mặt để tạo điều kiện hỗ trợ về đầu ra lâu dài cho sản phẩm góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng bào DTTS những lúc nông nhàn. Đồng thời, qua đó, để tạo điều kiện mở các lớp truyền dạy về kỹ thuật đan lát cho lao động địa phương. Mặt khác, nhằm khôi phục và lưu giữ những nét đẹp văn hóa, những bản sắc văn hóa lâu đời của cư dân bản địa cho các thế hệ sau.
Có thể thấy, việc khôi phục và phát triển nghề đan lát trên địa bàn xã Ia Pết đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương, nhưng nhìn chung việc phát triển nghề đan lát tại xã chủ yếu vẫn còn mang tính tự phát. Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống này, bên cạnh sự  tham gia tích cực của người dân thì cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành để tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển cả về quy mô và chất lượng các sản phẩm cho bà con nông dân, để từ đó, đưa nghề đan lát truyền thống của địa phương ngày một phát triển cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, nhằm tạo công ăn việc làm thường xuyên và tăng thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc và đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
                                             Phương An-Ngọc Định
                                           Đài TT-TH Đak Đoa

CÁC TIN KHÁC

  1         ...