Đak Đoa đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện

27/05/2021
      Đak Đoa là một huyện miền núi nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku 15km. Toàn huyện có 30.019 hộ với 125.150 nhân khẩu; có 16 xã và 01 thị trấn, trong đó 06 xã, thị trấn khu vực I, 06 xã khu vực II, 5 xã khu vực III; 111 thôn, làng, trong đó có 73 làng người đồng bào dân tộc thiểu số với số dân 71.660 người, chiếm 57% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc Bahnar 46.795 người chiếm 37.2%, Jrai 23.960 người chiếm 19%, dân tộc thiểu số khác có 905 người chiếm 0,8%.
       Với những đặc điểm nêu trên đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa, mang đậm những nét đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện. Cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hoá nhân loại, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống và các phong tục tập quán mang đậm chất anh hùng sử thi Tây Nguyên như lễ đâm trâu, Pơthi, mừng lúa mới, cúng giọt nước.... Các giá trị văn hóa, văn nghệ cổ truyền của dân tộc Jrai, Bahnar phản ánh mơ ước, nguyện vọng ấm no, sung túc của con người nông dân. Những nghề thủ công truyền thống như: Rèn, đan lát, làm đồ gỗ, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Những giá trị văn hóa như: Cồng chiêng, nhà rông, tượng nhà mồ, các lễ hội, các bản sử thi, truyện cổ Hơdmon... vẫn được gìn giữ và phát huy.

                                          Hình ảnh các nghệ nhân đan lát xã Ia Pết
   Ngày 25-11-2005, sau khi tổ chức UNESCO công nhận “Không gian Văn hóa Cồng chiêng là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đề ra chương trình bảo tồn Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Trên tinh thần đó Phòng Văn hóa - Thông tin đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản như: Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 20/10/2015 của UBND huyện về Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn huyện giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch 88/KH-UBND ngày 21/06/2017 của UBND huyện về Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar trên địa bàn huyện.
         Đến nay Nghị quyết và Đề án đã triển khai thực hiện và đạt hiệu quả đáng khích lệ; công tác kiểm kê cồng chiêng; công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn huyện được triển khai đúng quy định đề ra; công tác truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng và múa xoang cho các em học sinh người Bahnar và Jrai trên địa bàn huyện: Trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã tổ chức được tổng cộng 5 lớp (1 lớp/năm), đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch của ngành đề ra. Việc phục dựng các lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng đã được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả.


                                                  Lễ cúng giọt nước tại làng Bông xã Hà Bầu
 Định kỳ 3 năm/lần, Ngành Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với các địa phương, đơn vị trong huyện  tổ chức Hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc;  hàng năm tổ chức Chương trình văn nghệ - Dạ hội cồng chiêng, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức các Hội thi, Liên hoan biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng và tạc tượng, từ đó tuyển chọn và thành lập các đội nghệ nhân đi tham gia, các sự kiện lớn của tỉnh và giao lưu văn hóa giữa các vùng, trong cả nước như: tham gia liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh, tham gia Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc. Các đội nghệ nhân như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, cà kheo, bắn nỏ… được tổ chức và hàng năm đều tổ chức thi đấu. Tiếng nói và chữ viết các dân tộc trong huyện được gìn giữ và phát huy, đồng thời tổ chức các lớp học tiếng Bahnar, Jarai cho cán bộ tại huyện.
         Các lễ hội truyền thống còn lưu giữ như Lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng giọt nước và lễ bỏ mả. Hiện trên địa bàn vẫn còn duy trì nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát... cụ thể: Đan lát (Ia Pết, Đak Sơmei…);  Tạc tượng (Ia Pết, thị trấn, ĐakSomei …); dệt thổ cẩm (Glar, thị trấn, Kdang)…Các loại nhạc cụ dân tộc hiện còn lưu giữ tại làng là đàn goong, T’rưng… Một số nơi người dân vẫn còn duy trì được việc làm nhạc cụ dân tộc (thị trấn, Glar, Hà Bầu…). Huyện còn lưu giữ  các lễ hội truyền thống còn lưu giữ như: lễ đâm trâu, Pơthi, mừng lúa mới, cúng giọt nước .… các nghi lễ - lễ hội này được bảo tồn đã thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng, đây cũng là dịp giao lưu văn hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc để mọi người có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa lễ hội.

         Năm 2020, huyện cũng đã tiến hành triển khai công tác kiểm kê cồng chiêng, qua kiểm kê đến nay toàn huyện có 106 bộ/1773 chiếc (trong đó: 81 bộ chiêng Bahnar; 25 bộ chiêng Jrai; 858 chiêng bằng; 915 chiêng núm).  Số bộ cồng chiêng do dòng họ để lại: 30 bộ; tự mua 67 bộ; cho, tặng 7 bộ; khác 2 bộ; 41 bộ hiện trạng tốt, 57 bộ bình thường, 08 bộ hư hỏng; Tình trạng sử dụng cồng chiêng trong đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn huyện được tổ chức thường xuyên, vào các dịp tổ chức Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở thôn, làng, các sự kiện văn hóa, thể thao, các ngày lễ trọng đại của thôn, làng: lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới....Bên cạnh đó còn có một số hộ dùng để trang trí, trưng bày trong nhà.
         Có thể nói, đến thời điểm này, Đak Đoa đã rất chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể và đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên toàn tỉnh, Đak Đoa còn rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế; việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư­, bố trí cho lĩnh vực này còn khó khăn.
         Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, việc cần thiết và cơ bản chính là đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa phi vật thể nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trên, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể cho người dân nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản. Đồng thời đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại các bảo tàng và có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, những cá nhân có công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc./.
                                                                                                             Thu Hà -VHTT
 
 
 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...